Chuyên gia cho rằng để tái mở cửa an toàn, chính quyền bang Victoria, Úc cần chú ý tới tỷ lệ lây nhiễm, sức chứa bệnh viện cùng tỷ lệ tiêm chủng cho nhóm dễ tổn thương.
Chính quyền bang Victoria, Úc thông báo sẽ dỡ lệnh phong tỏa ở thủ phủ Melbourne khi 70% người trên 16 tuổi được tiêm hai mũi vaccine Covid-19 (dự kiến đạt mục tiêu vào ngày 26/10), theo AFP.
“Đây là một cách tiếp cận hợp lý và an toàn”, giáo sư Catherine Bennett – chuyên gia về sức khỏe cộng đồng và dịch tễ học tại Đại học Deakin – trả lời khi đánh giá về kế hoạch mới của chính quyền bang.
Theo bà Bennett, ngay cả khi bắt đầu mở cửa trở lại, chính quyền bang Victoria vẫn chú trọng nhiều hơn tới các hoạt động ngoài trời. Hầu hết hoạt động trở lại chỉ dành cho những người đã tiêm chủng đầy đủ.
Tuy nhiên, “câu hỏi đặt ra là thực thi tốt những điều này như thế nào, và liệu số ca mắc và số ca nhập viện có thể giữ ở mức như hiện tại hay không”, chuyên gia từ Đại học Deakin nhận định.
Trước lộ trình mới, người Việt sinh sống tại bang Victoria không khỏi vui mừng. Từ những lần dập dịch trước và cả hiện tại, “việc đưa ra quyết định nhanh và hiệu quả giúp tôi tin tưởng vào định hướng của chính quyền”, Hải An – sinh sống 2 năm tại Úc, hiện theo học thạc sĩ ở Đại học Monash – chia sẻ.
Chú trọng ca nhập viện
Theo kế hoạch, bang Victoria sẽ đạt được mốc tiêm chủng đầy đủ cho 80% dân số từ 16 tuổi trở lên sau khoảng 10 ngày đạt mốc 70%, tức là vào ngày 5/11.
Lúc này, người dân Melbourne sẽ không cần đeo khẩu trang ở ngoài trời; nhà hàng, quán nước, đám tang, đám cưới hay hoạt động tôn giáo được phép mở cửa cho 150 người trong nhà và 500 người ngoài trời. Những dịch vụ khác, như làm đẹp, sẽ chỉ dành cho những người đã tiêm chủng đầy đủ.
Theo giáo sư Bennett, khi những mục tiêu trên đã hoàn thành, để thận trọng chính quyền có thể chỉ nên trì hoãn việc mở cửa sau một đến hai tuần.
Đánh giá chiến lược mở cửa của Victoria là “hợp lý và an toàn” do mới tập trung mở hoạt động ngoài trời và “trao quyền tự do” cho người đã tiêm phòng đầy đủ, bà nhận định điều quan trọng là phải thực thi tốt những kế hoạch đã đặt ra.
Ngoài ra, số ca mắc mới và số ca nhập viện giữ ở mức hiện tại là vấn đề mà bang Victoria cần chú ý. Theo chuyên gia của Đại học Deakin, số Reff hiện tại của Melbourne là 1,2.
Theo tờ 7News, Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews giải thích số Reff thể hiện trung bình mỗi ca dương tính với Covid-19 sẽ lây bệnh cho bao nhiêu người.
“Giả sử số Reff là 2, điều đó có nghĩa mỗi ca dương tính sẽ truyền virus cho trung bình 2 người”, ông Andrews viết trên mạng xã hội. “Con số càng cao, virus càng lây lan nhanh. Số ca mới giảm nhanh hay chậm phụ thuộc vào số Reff nhỏ như thế nào”.
Ngoài ra, tỷ lệ bao phủ vaccine cao ở những người lớn tuổi và dễ bị tổn thương cũng chú trọng. Bà Bennett lưu ý cần đạt khoảng 75% những người từ 70 tuổi trở lên được tiêm chủng đầy đủ bởi điều này sẽ giúp bảo vệ bệnh viện khỏi tình trạng quá tải.
Tuy nhiên, bà cho rằng nếu tỷ lệ lây nhiễm quá cao trong cộng đồng thì sẽ có nguy cơ gặp các trường hợp lây nhiễm đột phá, tức là họ vẫn dương tính với Covid-19 sau khi tiêm chủng.
“Vì vậy, xét nghiệm, truy vết và cách ly vẫn là phương án quan trọng khi chuyển sang giai đoạn chung sống với Covid-19”, bà cho hay.
Nhìn từ kinh nghiệm của các quốc gia khác, với tỷ lệ tiêm chủng cao, “chúng ta có thể duy trì mức độ lây nhiễm nhất định sau khi mở cửa, nhưng sẽ khó khăn nếu muốn giảm số ca”.
Do đó, thay vì đặt mục tiêu về số ca nhiễm, chính quyền nên xem xét ban hành hướng dẫn về số ca mắc tại bệnh viện nói chung và phòng ICU nói riêng.
“Vấn đề là quản lý được số ca mắc tại bệnh viện, chứ không phải tổng số ca nhiễm bởi con số này trở nên bớt quan trọng một khi người bệnh không trở triệu chứng nặng”, bà nhận định.
Đếm ngày được ra hàng đồ ăn Việt Nam ở Melbourne
Đón nhận thông tin về kế hoạch nới dần lệnh hạn chế, người Việt sinh sống tại thành phố Melbourne, bang Victoria tỏ ra mong chờ và bày tỏ tin tưởng vào quyết định của chính quyền bang.
“Kinh nghiệm từ các đợt trước đây cho thấy họ theo sát tình hình và quản lý rất tốt”, chị Hải An chia sẻ với Zing.
Chị cho rằng việc phong tỏa lâu ngày tạo cảm giác mất tự do và bất tiện, “một số cuộc biểu tình gần đây ở Melbourne cho thấy người dân bắt đầu có dấu hiệu mệt mỏi và mất kiên nhẫn vì phong tỏa kéo dài”.
“Tuy nhiên, số người chết và số ca nhiễm mới được kiểm soát xuống mức thấp nhất có thể là tốt rồi”, theo chị An.
Tuy phấn khởi là vậy, An cũng không khỏi lo lắng do khi nới hạn chế, vẫn có những người chưa được tiêm phòng, do đó không tránh được khả năng lây nhiễm.
Ngoài ra, chị khá quan ngại về chuyện phân biệt chủng tộc hoặc một số hành vi phản đối người châu Á ở Melbourne vì có người tin rằng Covid-19 là do Trung Quốc gây ra. Chính bản thân chị và chồng cũng từng gặp trường hợp này khi một người đi đường “mắng chửi và đuổi về nước (Trung Quốc)”.
“Dù phần trăm xảy ra rất ít, bản thân mình cũng sẽ cẩn trọng hơn khi ra ngoài đường”, An nói.
Đánh giá về quy trình tiêm chủng ở bang Victoria, An sử dụng 3 từ “hợp lý, nhanh chóng và tiện lợi” để mô tả. Chị An đã tiêm một mũi vaccine AstraZeneca vào tháng 8 và sẽ tiêm mũi 2 trong tháng 10 tới sau khi Úc cho phép rút ngắn thời gian tiêm 2 mũi còn sáu tuần. Ngoài ra người quen xung quanh chị đều đã nhận ít nhất một liều.
Chị An cho biết toàn bộ thông tin về quy định tiêm, nơi đăng ký tiêm, lưu ý trước và sau khi tiêm, đặt lịch tiêm gần nhất đều có thể thực hiện trực tuyến. “Thậm chí người đăng ký còn có thể tự kiểm tra xem đã tới giai đoạn mình được tiêm hay chưa”, chị cho hay.
Hiện tại, bang Victoria mới chỉ có một số “định hướng” về việc phát hành thẻ xanh chứ chưa có thông tin chính thức.
“Tuy nhiên, những ai đã tiêm vẫn sẽ được cập nhật thông tin trên hệ thống MyGov”, An cho biết.
Dự đoán về những thay đổi sau khi các hạn chế dần nới lỏng, chị An cho rằng tương lai sẽ có sự ưu tiên rõ rệt hơn dành cho người đã chủng ngừa đầy đủ. Ngoài ra thì các hoạt động kinh tế, dạy học cũng sẽ phát triển thêm hình thức online, từ đó mở cửa cho nhiều ứng viên đến từ khắp nơi.
“Quan trọng là các hình thức tự chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, khử trùng đồ vật sẽ trở thành thói quen chứ không còn do bắt buộc nữa”, chị chia sẻ.
Ngày nới phong tỏa không còn xa, “ai cũng đang cố gắng tuân thủ quy định, đặt lịch tiêm sớm nhất có thể” để mọi người lại có thể quay trở lại với những dự định của bản thân, hay chỉ đơn giản là tận hưởng những việc “bình thường” trong cuộc sống, nhưng lại là hoạt động xa xỉ thời dịch bệnh.
“Hậu phong tỏa, việc đầu tiên tôi làm sẽ là gặp gỡ bạn bè, thăm hỏi họ hàng và người thân. Tôi mong chờ được đi ăn uống ở các hàng quán, nhất là hàng quán Việt Nam”, chị An chia sẻ.
Theo Zing