Giá nhà ở Úc xuống kỷ lục kể từ cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu cách đây 10 năm, với trên cả nước đã giảm 4,8% trong năm 2018, nhiều nhất ở Sydney và Melbourne.
Giá nhà tại Úc lên đến mức cao điểm vào tháng 10 năm 2017, nhưng nay đã xuống 5,2%.
Trưởng ban nghiên cứu của CoreLogic, công ty chuyên phân tích thị trường, ông Tim Lawless nói với ABC đây là sự điều chỉnh “nhiều và nhanh nhất” kể từ cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu.
Ông này tiên đoán thị trường địa ốc của Úc sẽ tiếp tục sụt giảm – nhiều hơn và kéo dài hơn nữa.
Giá nhà tại các thủ phủ nói chung đã giảm 5%, riêng tại Perth là 4,7% và Darwin 1,5%.
Tuy nhiên giá nhà lại tiếp tục tăng chậm tại một số nơi như là Hobart (+8,7%), Canberra (+3,3%), Adelaide (+1,3%) và Brisbane (+0,2%).
Nguyên nhân chính làm cho giá nhà sụt giảm là vì vay tiền ngân hàng khó hơn, lãi suất tăng, và sự vắng mặt đáng kể các nhà đầu tư ngoại quốc.
Theo ABC mặc dù thị trường ở Sydney và Melbourne đang yếu nhất nhưng giá nhà không xuống nhiều bằng ở Perth và Darwin so với lúc lên cao nhất.
Kể từ tháng Bảy 2017, giá nhà ở Sydney đã xuống 11,1%, tức bằng với mức của tháng Tám 2016. Còn giá nhà ở Perth đã sụt 15,6% và Darwin sụt 24,5% tính từ lúc lên cao nhất.
Lâu nay ai cũng biết giá nhà lên xuống theo chu kỳ cho nên có thể nói sau khi lên cao điểm thị trường sẽ phải được điều chỉnh.
Sự điều chỉnh đó nhanh chậm và đến đâu sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không chỉ trong nước mà trên toàn cầu.
Khắp nơi đều xuống
Ví dụ thị trường địa ốc từ London đến Bắc Kinh, từ Perth đến Paris sụt giảm một thời gian rồi, trong khi ở Mỹ các nhà thầu không xây nhà nữa vì sợ thị trường đã lên đến cao điểm.
Hoạt động của thị trường chứng khoán cũng là một yếu tố. Các nhà đầu tư bắt đầu bán tháo kể trong hai tháng 9, 10 và kéo dài đến cuối năm 2018.
Thật ra nhiều kinh tế gia phải gãi đầu vì kinh tế toàn cầu nói chung là tốt, lạm phát được kềm chế, thất nghiệp giảm, tiền lương tuy vẫn thấp nhưng tăng chậm, và lãi suất vẫn được giữ ở mức thấp kỷ lục.
Một số chuyên gia cho rằng một số biến động thương mại tài chánh trong thời gian qua đã góp phần tác động đến địa ốc, vốn là một trong những khoản đầu tư lớn.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, vấn đề trong hệ thống ngân hàng Ý, cuộc ly hôn gặp nhiều rắc rối của Anh ra khỏi EU, kết quả điều tra khu vực tài chánh ở Úc khiến các ngân hàng phải siết chặt thủ tục cho vay.
Theo một số kinh tế gia, những gì xảy ra có vẻ ít nhiều mang dấu ấn của cuộc khủng hoảng tài chánh cách đây 10 năm.
Giá nhà tăng vọt làm quả bong bóng phình to ra cho đến khi có nguy cơ bị xì hơi – hoặc tệ hơn, vỡ tung – vì những yếu tố như lãi suất tăng, hoặc trị giá tài sản vượt quá giá trị thật của chúng.
Lúc đó nhìn quanh, đâu ta cũng thấy những núi nợ bởi vì sau một thời gian dài với lãi suất ở mức thấp kỷ lục, các con nợ dường không còn nhớ mình đang mang nợ nhiều thế nào.
Hiện tượng này không chỉ áp dụng cho địa ốc mà cả trong chứng khoán và trái phiếu nữa và xảy ra từ Trung Quốc cho đến Mỹ và cả Úc cũng không tránh khỏi.
Đến một lúc nào đó người ta phải giải quyết bằng cách nâng lãi suất hoặc/và bơm tiền vào kinh tế nếu không muốn thấy một cuộc khủng hoảng tài chánh khác.
Ngân hàng Trung ương Mỹ đã tăng lãi suất 9 lần trong năm ngoái và dự kiến tăng thêm 4 lần nữa trong năm 2019 và Ngân hàng Dự trữ Úc dự kiến sẽ theo chân.
Đã đến lúc để mua?
Khi giá nhà tăng vọt người mua phải tranh nhau trong khi chủ nhà bán được giá hơn. Ngược lại, khi giá nhà xuống, người mua có thể mặc cả nhiều hơn.
Câu hỏi bây giờ là khi giá nhà đang xuống và dự kiến còn xuống nữa thì thị trường đã thuộc về người mua chưa?
Các kinh tế gia có vẻ không thống nhất được là giá nhà còn xuống tới đâu và trong bao lâu. Kinh tế gia trưởng của AMP, ông Shane Oliver được báo chí trích dẫn tin rằng thị trường Sydney và Melbourne còn hạ trong 2 năm nữa.
Nhiều người mua trong lúc giá nhà lên cao đang có nhiều nguy cơ nhìn thấy giá trị căn nhà của họ ngày càng thấp hơn tiền vốn bỏ ra ban đầu nếu chiều hướng này tiếp tục kéo dài.
Tuy nhiên khi mà khó vay tiền ngân hàng hơn trước và dự kiến sẽ còn khó hơn nữa, nhất là nếu không có tiền cọc ít nhất 20% thì khả năng mặc cả được nhiều hơn cũng không có ý nghĩa mấy.
Các chuyên gia nghĩ rằng giá nhà bắt buộc phải xuống nhưng có vẻ không ai hưởng được gì trong lúc này vì vậy họ khuyên không cần phải vội, cả người bán lẫn người mua.
Theo SBS Vietnamese