Home Cộng Đồng Sự thật sau dòng tít ‘Việt Nam đáng sống nhất thế giới’ gây tranh cãi
Cộng Đồng

Sự thật sau dòng tít ‘Việt Nam đáng sống nhất thế giới’ gây tranh cãi

Mạng xã hội Việt Nam mấy ngày qua ồn ào với tranh luận có phải Việt Nam thuộc nhóm quốc gia “đáng sống nhất hành tinh”, qua một báo cáo của ngân hàng HSBC.

Quả đúng là Việt Nam năm nay xếp thứ 10, Thụy Sĩ số một, Singapore số hai, trong khảo sát 2019 Expat Explorer của HSBC.

Tranh cãi trong người Việt mấy ngày qua có lẽ xuất phát từ các dòng tít trên báo Việt Nam, như:

  • Việt Nam lọt top 10 quốc gia đáng sống và làm việc nhất thế giới
  • Thụy Sĩ dẫn đầu xếp hạng quốc gia đáng sống, Việt Nam nằm trong top 10
  • Việt Nam lọt top 10 quốc gia đáng sống, Singapore bị soán ngôi dẫn đầu
  • Tăng 8 bậc, Việt Nam lọt top 10 nước đáng sống nhất thế giới

Dĩ nhiên nếu người ta bấm vào đọc các bài viết (hay dịch), sẽ hiểu báo cáo của HSBC nói về những quốc gia tốt nhất cho người nước ngoài đến sống và làm việc.

Nhưng hoặc vì chỉ đọc các dòng tít hay không đọc kỹ, nhiều người Việt không hiểu. Thành ra có người thực sự vui mừng vì nghĩ rằng báo cáo muốn nói mức sống của công dân Việt Nam tăng vào tốp 10. Người khác thì nghi ngờ hay đây là tài liệu tuyên truyền, quảng cáo cho chính phủ Việt Nam.

Đầu tiên, phải minh xác đối tượng ‘Expat’ của khảo sát HSBC ám chỉ những người trên 18 tuổi đang sống và làm việc xa quê. Đó có thể là một tổng giám đốc tập đoàn đa quốc gia, hay một sinh viên dạy tiếng Anh ở nước ngoài.

Được làm hàng năm, Expat Explorer năm 2019 này được làm với 18.059 ‘expat’ toàn thế giới, do công ty YouGov thực hiện từ tháng Ba tới tháng Tư 2019.

Bảng xếp hạng mà Việt Nam xếp thứ 10 được tính toán theo 27 câu hỏi trong khảo sát.

Tại mỗi nước, ít nhất 100 ‘expat’ được hỏi, trong đó có ít nhất 30 người đã là cha mẹ, theo giải thích của HSBC.

Khi xem các thông tin từ trang gốc https://www.expatexplorer.hsbc.com/survey/, có thể thấy một mục đích minh bạch của ngân hàng HSBC là họ muốn quảng bá về dịch vụ tài chính họ có thể cung cấp cho người nước ngoài làm việc tại một địa phương.

Như vậy, kết quả của khảo sát muốn thể hiện đánh giá của người nước ngoài, ví dụ tại Việt Nam, về mức độ hài lòng của họ khi chuyển đến sống và làm việc.

Chuyên gia nước ngoài tiết kiệm được nhiều khi sống ở Việt Nam

Chuyên gia nước ngoài ở Việt Nam

Trang web HSBC ở Việt Nam chưa cập nhật cụ thể về báo cáo 2019.

Nhưng ta có thể đọc các giải thích của ngân hàng về cuộc sống cho chuyên gia nước ngoài ở Việt Nam, từ khảo sát năm ngoái trở về trước.

Theo đó, qua khảo sát 2018, chuyên gia nước ngoài ở Việt Nam cho hay mức lương trung bình một năm của họ là 90.408 USD.

Cũng trong 2018, 31% người được khảo sát cho hay thu nhập của họ ở Việt Nam tăng từ 25% trở lên mỗi năm.

72% nói khi chuyển đến Việt Nam, họ tiết kiệm được nhiều hơn – cao hơn mức trung bình toàn cầu là 52%.

Cũng theo khảo sát năm ngoái (2018), 54% trong khảo sát ở Việt Nam nhận được nhiều ưu đãi trong hợp đồng lao động, ví dụ được trợ cấp y tế, trợ cấp thăm nhà, trợ cấp chỗ ở.

Như vậy, với thu nhập trung bình 90.000 USD một năm, một số người còn được các trợ cấp, dĩ nhiên cuộc sống của người nước ngoài ở Việt Nam thật như ở thiên đường.

‘Sung túc’ ở Việt Nam

Nếu ta quay lại khảo sát 2017, ta thấy kết quả cũng tương tự.

Năm 2017, những người trả lời khảo sát ở Việt Nam cho hay lương trung bình một năm của họ là 88.096 USD.

36% nói họ có thu nhập tăng 25% từ khi chuyển tới Việt Nam.

Gần 3/4 (72%) cho biết họ tiết kiệm được nhiều hơn và hơn 2/3 (67%) đồng ý rằng thu nhập khả dụng của họ đã cải thiện hơn so với khi họ ở quê nhà.

Cũng theo khảo sát năm 2017, phân nửa (48%) chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam nói rằng họ có nhiều kỳ nghỉ hơn, đồng thời tận hưởng nhiều hơn các dịch vụ liên quan đến nhân lực địa phương như giúp việc và chăm trẻ (46%), và có nơi ở tiện nghi hơn (45%).

Không hài lòng về điều gì?

Vậy chuyên gia nước ngoài ở Việt Nam có không hài lòng về điều gì, khi xét đến các tiêu chí Trải nghiệm và Gia đình?

Theo kết quả 2017, chỉ 28% các chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam cho rằng Việt Nam mang đến cho họ chất lượng sống (từ chăm sóc sức khỏe đến văn hóa) tốt hơn so với quê nhà, so với tỷ lệ trung bình 52% chuyên gia nước ngoài trên toàn cầu nhận xét tương tự về quốc gia nơi họ đang sống và làm việc.

Đề cập đến trải nghiệm ban đầu khi đến Việt Nam, chỉ 1/4 các chuyên gia nước ngoài hài lòng với việc quản lý tài chính cá nhân (ví dụ, các dịch vụ tài khoản ngân hàng, bảo hiểm, thanh toán các loại phí) và chưa đầy 1/3 (30%) không gặp trở ngại với các dịch vụ y tế (các tỷ lệ trung bình toàn cầu tương ứng là 43% và 47%).

Chỉ 27% các chuyên gia nước ngoài đã làm cha mẹ đồng ý rằng tại Việt Nam họ có điều kiện để chăm sóc con cái tốt hơn so với tại quê nhà, so với tỷ lệ trung bình toàn cầu là 43%.

>>> Xem thêm: Việt Nam lọt vào top 10 quốc gia đáng du lịch trên thế giới

Theo BBC

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *