Tuần vừa qua, các chính trị gia và nhà quy hoạch đô thị đã công bố một kế hoạch táo bạo về việc phân cấp thủ phủ bang NSW thành ba trung tâm lớn nhằm đối phó với thực trạng dân số ngày càng tăng.
Dân số Úc dự tính sẽ đạt 40 triệu người vào năm 2050. Sự mở rộng quy mô dân số kéo theo sự phát triển nhanh chóng của các thành phố lớn đòi hỏi các chương trình quy hoạch đô thị phù hợp. Sydney là một trong những thành phố lớn nhất của Úc với dân số đang bùng nổ những năm gần đây do lượng nhập cư không ngừng gia tăng. Theo số liệu điều tra dân số năm 2016, có khảng 2,2 triệu người sinh sống tại Sydney, chiếm 9% dân số Úc. Nhìn chung cơ sở hạ tầng, các dịch vụ hỗ trợ cộng đồng, giao thông công cộng không đảm bảo để đáp ứng nhu cầu của cư dân. Bên cạnh đó, khoảng cách phát triển và sự bất cân xứng giữa khu vực trung tâm thành phố với các vùng ngoại vi cũng đang nổi lên là vấn đề đáng lo ngại.
Thực trạng này thúc đẩy Ủy ban Phát triển Sydney (GSC) đưa ra giải pháp quy hoạch là phân cấp Sydney, xây dựng khu vực trung tâm thứ hai và thứ ba cho thành phố đến năm 2050. Đây được xem là một kế hoạch táo bạo và đầy tham vọng, biến Sydney thành “Siêu đô thị 3 thành phố”.
Định hình lại thành phố
Đề xuất của Ủy ban GSC nhằm mục đích tái cân bằng thành phố từ định hướng lịch sử, phát triển xung quanh khu vực trung tâm ban đầu của nó và chia Sydney thành ba thành phố vừa kết nối vừa độc lập.
Phân cấp Sydney: xây dựng 3 khu trung tâm đến năm 2050
Nguồn ảnh: The Guardian
Theo kế hoạch, khu trung tâm đầu tiên vẫn là “Thành phố cảng” – trung tâm hiện tại của Sydney. Khu vực này được phát triển bao quanh Bến cảng phía Đông, biểu tượng cho Sydney, trải dài từ Macquarie Park ở phía bắc đến Kogarah ở phía nam và tập trung các tòa nhà di sản.
Khu trung tâm thứ hai sẽ là “Thành phố sông” được xây dựng ở Parramatta, miền trung Sydney, cùng một loạt các công trình phát triển mới lân cận, bao gồm cả các tòa chung cư cao tầng. Đây được xem là quy hoạch có tính lịch sử đối với Parramatta.
Khu trung tâm thứ ba dự kiến là “Thành phố công viên” nằm phía Tây thành phố, tập trung quanh khu vực sân bay thứ hai của Sydney tại Badgerys Creek. Việc vận hành một sân bay mới và kiến thiết cơ sở hạ tầng kết nối ở Thành phố Công viên có tiềm năng đưa khu trung tâm thứ ba này thành thế phát triển mới để cân bằng lực kéo của thành phố cảng phía đông.
Thành phố công viên phía Tây với cơ hội trở thành đối trọng cân bằng phát triển với trung tâm Sydney hiện tại
Nguồn ảnh: The Guardian
“Thành phố 30 phút”
Với việc có 3 trung tâm, lý tưởng nhất là hầu hết cư dân sẽ chỉ mất 30 phút để đến nơi làm việc, trường học, các cơ sở chăm sóc sức khỏe và dịch vụ thiết yếu. Trong khi nhiều ý kiến cho rằng, hạn chế lượng dân nhập cư là giải pháp cho tình trạng quá tải dân số và các hệ lụy của nó tại Sydney thì kế hoạch này của Ủy ban GSC được xem là một cơ hội “đổi mới đô thị” tích cực và trong tương lai không xa, có thể đưa Sydney trở thành thành phố toàn cầu vừa có sự đa dạng văn hóa vừa thịnh vượng về kinh tế. Kiến trúc sư, nhà thiết kế đô thị Craig Allchin, người đã làm việc trong các chiến lược đô thị năm 2005 và 2010 đánh giá cao kế hoạch của Ủy ban GSC: “Họ đang cố gắng giải quyết tất cả những điều mà chúng ta lo lắng trong thành phố: khả năng chi trả nhà ở, sinh kế, thay đổi nhân khẩu học, tăng dân số, biến đổi khí hậu”. Theo Bộ trưởng Di trú Alan Tudge, nếu có thể giảm áp lực lên các thành phố lớn và tạo điều kiện giải quyết các vấn đề này thì nước Úc sẽ thực sự đạt được hai mục tiêu hơn là một.
Tuy nhiên, để kế hoạch này đi vào thực tế, đòi hỏi phải có sự hợp tác và đầu tư chưa từng có từ tất cả các cấp chính quyền. Đây là một kế hoạch “bất thường” từng được đưa ra ở cấp độ cải cách hành chính và nếu được hiện thực hóa sẽ đưa Sydney trở thành thành phố duy nhất trên toàn cầu phá vỡ được lực kéo của chỉ một thành phố trung tâm.
Thu Hà