Chỉ cần chi 2,5 triệu USD (khoảng 57 tỉ đồng), hàng chục chính trị gia, với khối tài sản kếch xù đáng nghi ngờ và đến từ khắp thế giới, đã đua nhau mua ‘hộ chiếu vàng’ từ Cộng hòa Síp.
Al Jazeera, một đài lớn và có sức ảnh hưởng ở Trung Đông, hôm 23-8 đã công bố loạt bài điều tra về chính sách mà họ gọi là “mua bán hộ chiếu châu Âu” của Cộng hòa Síp từ năm 2017 đến 2019.
Với tên gọi “The Cyprus Papers” (Hồ sơ Síp), các bài của Al Jazeera đã hé lộ việc Síp “bán” hộ chiếu cho cả những tên tội phạm bị kết án và những kẻ đào tẩu khỏi pháp luật. Hàng ngàn trang tài liệu liên quan cũng được công bố.
Kể từ khi gia nhập Liên minh châu Âu (EU) năm 2004, hộ chiếu Síp trở thành vật sở hữu đáng thèm muốn của nhiều người ở nhiều quốc gia, vì cho phép đi lại, làm việc và giao dịch ngân hàng trên khắp EU. Những người giữ hộ chiếu Sip cũng có thể đi lại tự do tới 174 quốc gia mà không cần xin thị thực.
Minh họa của Al Jazeera về hoạt động mua bán hộ chiếu châu Âu của Cộng hòa Síp
Có cầu ắt có cung, chính quyền Síp đã mở “Chương trình đầu tư Síp”, cho phép bất kỳ ai chi ra tối thiểu 2,5 triệu USD dưới danh nghĩa “tiền đầu tư” trở thành công dân Síp. Hàng ngàn hồ sơ từ 70 quốc gia đã rào rạt bay tới đảo quốc phía đông châu Âu này sau đó.
Các hồ sơ xin “đầu tư” vào Síp đến từ Nga nhiều nhất, kế đến là Trung Quốc, Urkaine và một số nước Trung Đông, Đông Nam Á.
Trong số những người đã cầm trong tay “hộ chiếu vàng” có hàng chục quan chức nước ngoài cấp cao và gia đình của họ. Các cá nhân này nằm trong diện có nguy cơ tham nhũng cao, vì dính tới hoạt động chính trị và sở hữu tài sản khủng.
Theo Al Jazeera, Igor Reva – cựu thứ trưởng Bộ phát triển kinh tế Nga – là một trong những người như vậy. Danh sách còn được kéo dài với những cái tên như Vadim Moskovitch, cựu thành viên Thượng viện Nga; cựu nghị sĩ Ukraine Volodymyr Zubky hay tỉ phú Taha Mikati, anh trai của cựu Thủ tướng Lebanon Najib Mikati.
Cuộc điều tra đã xác định được có những người lấy được hộ chiếu Síp ngay trước khi đối mặt với các cáo buộc phạm tội. Một số khác đang sống lưu vong hoặc bị buộc tội vắng mặt cũng được nhận “hộ chiếu vàng”.
Mặc dù hồ sơ “xin đầu tư” gởi tới Síp đều hoàn toàn “sạch”, đài Al Jazeera cho rằng chính quyền Síp lẽ ra nên đặt câu hỏi vì sao những người đang làm trong lĩnh vực công ở nước khác lại tìm kiếm quốc tịch thứ hai, thậm chí thứ ba.
“Làm thế nào mà các quan chức này có được ít nhất 2,5 triệu USD để đầu tư vào Síp?”, Al Jazeera đặt vấn đề.
Ông Nigel Gould-Davies, thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế của Anh, đưa ra câu trả lời: “Ở nhiều quốc gia, chỉ có thể có được khối tài sản lớn thông qua các mối quan hệ và hoạt động bất chính”.
Theo ông Gould-Davies, lý do các quan chức này tìm kiếm quốc tịch thứ hai hoặc thậm chí thứ ba là để bảo vệ tài sản (tài sản chìm nổi) có được trong nhiều năm.
“Một khi họ đã có được những khoản tiền đó thông qua các hoạt động mà chúng tôi coi là rất có vấn đề, họ sẽ cố gắng làm cho những tài sản đó an toàn, bằng cách chuyển chúng tới các quốc gia được hưởng pháp quyền, chẳng hạn như Cộng hòa Síp”, ông Gould-Davies lập luận.
Phản ứng trước loạt điều tra của Al Jazeera, Bộ Nội vụ Síp hôm 23-8 cho biết đang xem xét sự việc và khẳng định đã thực hiện những thay đổi đáng kể đối với “Chương trình đầu tư Síp” trong những năm gần đây.
Nhiều quan chức nước ngoài đã tìm cách có hộ chiếu từ Síp trước khi bị bắt giữ – Ảnh chụp màn hình
Kiểm tra lý lịch sơ sài, qua loa
Kể từ khi bắt đầu vào năm 2013, chương trình đã liên tục nhận chỉ trích và yêu cầu dừng ngay lập tức từ EU. Khối này lập luận chương trình của Síp không chỉ tạo điều kiện cho việc rửa tài sản do tham ô và trốn thuế của các cá nhân nước ngoài, mà còn làm xói mòn lòng tin vào các tổ chức tài chính ở EU, khiến hình ảnh của cả khối bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, đối với Síp, số tiền 8 tỉ USD kiếm được từ chương trình có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh kinh tế èo uột.
Để xin hộ chiếu Síp, người nộp đơn phải đầu tư ít nhất 2,15 triệu euro (2,5 triệu USD) vào nền kinh tế Síp, thường bằng cách mua bất động sản và tự chứng minh không có tiền án tiền sự.
Mặc dù Síp tuyên bố sẽ kiểm tra lý lịch của người nộp đơn một cách kỹ lưỡng, các tài liệu mà Al Jazeera thu được cho thấy điều này không phải lúc nào cũng diễn ra.
Theo bà Laure Brillaud thuộc Tổ chức minh bạch quốc tế, các phát hiện của Al Jazeera là đáng lo ngại nhưng không ngạc nhiên.
“Những chương trình như vậy thường có những rủi ro cố hữu về rửa tiền, tham nhũng và trốn thuế. Chúng được thiết kế để thu hút những người đang tìm cách đến EU nhanh nhất có thể”, bà Brillaud lập luận.
Dưới áp lực và chỉ trích từ EU, Síp đã điều chỉnh chương trình vào năm 2019. Tháng 7-2020, Síp tiếp tục thông qua luật mới cho phép tước quyền công dân “đã bán” cho bất kỳ ai nếu bị coi là gây tổn hại cho lợi ích quốc gia của Síp.
Chính quyền nước này cam kết sẽ loại bỏ hồ sơ những người đang bị điều tra, truy nã, bị kết án hoặc đang chịu các lệnh trừng phạt quốc tế. Việc công bố tên những người “đã mua” tiếp tục bị phản đối, nhưng Síp cho biết sẽ có khoảng 30 người bị tước “hộ chiếu vàng”.
Theo Báo Tuổi trẻ
Leave a comment