Sinh viên cũ của tôi, Chris, vừa ra trường đã có việc làm ở vị trí chuyên viên phân tích tại Ngân hàng đầu tư Barclays ở London. Đó là một chỗ ngồi danh giá trong thời có việc làm đã là may mắn.
| Bài viết của Hồ Quốc Tuấn – Giảng viên trường Đại học Bristol Anh
Tôi biết trái ngọt ấy không tự nhiên mà có. Ở môn Mô hình định giá, sau những tiết lý thuyết, Chris đã tìm tôi hỏi rằng có gì thực tế về mô hình định giá để đọc thêm không, tôi chia sẻ với cậu nhiều nguồn tham khảo và khoảng 10 báo cáo định giá thực tế, nhưng cậu bảo đã đọc hết, dù hôm đó chúng tôi mới bước vào chủ đề này trên lớp.
Tôi chia sẻ thêm với cậu nguồn dữ liệu nghiên cứu mà khoa tôi bỏ tiền ra đăng ký. Sau mấy tháng, hơn 400 báo cáo định giá đã qua tay Chris.
Cậu chọn chủ đề về các mô hình định giá các công ty dầu khí của ngân hàng đầu tư để làm luận văn tốt nghiệp với tôi. Trong luận văn, cậu chỉ trích các nhà phân tích không hiểu gì về định giá một số loại dịch vụ dầu khí.
Vì Chris thuộc số ít sinh viên có quan điểm độc lập và sâu sắc về lĩnh vực mình đeo đuổi, tôi không ngạc nhiên khi ngay sau tốt nghiệp, Chris trở thành nhà phân tích về lĩnh vực dầu khí của Barclays.
Chris là một trong vài gương mặt hay đến tìm tôi ở văn phòng khi đã đọc hết tài liệu đã cho và muốn hỏi thêm. Thực ra chỉ có quanh đi quẩn lại vài gương mặt mà tôi biết họ chắc chắn có điểm cao và đều có việc tốt sau khi ra trường. Tôi biết ơn vì mình cũng được học thêm từ họ rất nhiều.
Trái lại, có rất nhiều sinh viên đã học xong môn của tôi nhưng chưa từng đọc một trang nào trong số 10 báo cáo định giá tôi cung cấp. Cận ngày thi, có sinh viên bước vào phòng đề nghị tôi gần như là lặp lại những gì tôi đã dạy trên lớp. Thậm chí bài giảng của tôi thu âm để trên mạng nội bộ bạn ấy cũng không nghe, chỉ cần học mì ăn liền để thi đậu môn của tôi vào tuần sau. Tôi còn nhận được vài email hoảng loạn, họ hỏi xin tài liệu về phân tích dữ liệu và lập mô hình tài chính với Excel và cách tiếp cận thông tin ở phòng Bloomberg – hai kỹ năng cần thiết để tốt nghiệp và nếu muốn xin việc ở ngân hàng đầu tư. Đó cũng là những kỹ năng cần để làm luận văn tốt nghiệp. Nhưng trong học kỳ rồi, tôi mở lớp học Bloomberg miễn phí trên mạng (trong khi học bên ngoài sẽ phải đóng 150 USD) thì chỉ có 15% sinh viên đăng ký.
Kể ra như vậy để thấy ở cái thời lên mạng là có khóa học trực tuyến như bây giờ, tự học vẫn là một cái gì đó xa xỉ với một số không nhỏ sinh viên, ở đây dù là sinh viên ở Anh. Có giáo sư tức giận phát biểu trên báo rằng thế hệ bây giờ từ chối chịu trách nhiệm cho việc học của mình; và bắt thầy cô, nhà trường và xã hội chịu trách nhiệm cho việc học của họ, kiếm việc làm cho họ. Tôi biết ông có phần khái quát hóa quá, nhưng tôi thông cảm với cảm xúc đó, vì ít nhất 20% sinh viên trong lớp tôi là như ông nói.
Không khó để thấy nhiều sinh viên không chỉ ở Anh, mà ở nhiều nơi, trong đó có Việt Nam chỉ trích nhà trường không dạy cái gì thực tế hết, nhưng họ cũng không chịu khó tự tìm hiểu thông tin có sẵn khắp nơi. Với diễn biến của cách mạng công nghệ, tài liệu giảng dạy chủ yếu của trường đại học sẽ chỉ là một phần của việc học. Internet sẽ bù đắp phần khiếm khuyết (nếu như đó được gọi là khiếm khuyết). Chẳng hạn, làm sao bạn có thể mong đợi một giáo sư tài chính 60 tuổi viết sách về xu thế mới nhất của fintech – ngành công nghệ tài chính?
Cách mạng công nghệ đang tạo ra những thay đổi cực nhanh trên nhiều lĩnh vực và chính các trường đại học cũng đang lúng túng khi ứng xử với xu thế mới này. Phần nguồn lực đọc thêm và tự học mà các giảng viên cung cấp, những nguồn lực mà nhà trường đầu tư ngày càng trở nên quan trọng so với bài giảng chính thức. Bài giảng chỉ cung cấp kiến thức nền. Hơn nữa, bài giảng luôn phải soạn từ mấy tháng trước.
Ví dụ như môn tôi dạy, thị trường tài chính thay đổi mỗi ngày về công nghệ mới, xu hướng, kỹ năng, thông tin, nên tôi chỉ có thể cung cấp kiến thức nền rồi bổ sung bằng một lượng lớn tài liệu hỗ trợ sinh viên tự học để sau đó họ tự đào sâu tìm hiểu và thảo luận thêm với tôi. Chính tôi cũng đang phải tự học những thứ mới mẻ kia.
Nhiều các đại học và giảng viên đều ý thức được điều đó, chí ít là những nơi tôi biết. Họ chuẩn bị nhiều công cụ hỗ trợ sinh viên với các nguồn tài liệu thay thế gần với thực tế như các mô hình mô phỏng thực tế, phòng giao dịch chứng khoán-ngoại hối giả lập, nguồn dữ liệu, các nguồn tri thức trên mạng… Họ cũng có thể giới thiệu bạn với học trò cũ của họ đang làm vị trí có liên quan trong các tập đoàn lớn để hỏi thêm.
Nhưng dù thời mấy chấm cũng vậy, kiến thức chỉ thành giá trị nếu được hấp thụ và chuyển hóa qua bộ não con người. Tất cả sự đầu tư của đại học hay tri thức có sẵn trên mạng chỉ có thể chuyển thành kết quả nếu sinh viên có trách nhiệm với chuyện học tập của mình, tự học, tự tìm hiểu, suy gẫm. Hơn bao giờ hết, sinh viên đại học không thể nghĩ rằng mình đã trả tiền học phí thì có quyền vật vờ như “xác sống giảng đường” cho hết vài năm cũng không sao, học xong, có bằng ắt có việc làm.
Đại học không phải trung tâm môi giới việc làm, mà là một vườn ươm để người ta vào đó phát triển bản thân. Hạt giống tốt cần có môi trường tốt để sinh trưởng.
Tôi tâm đắc quan điểm của một đồng nghiệp, rằng trong thời đại này, đại học là đối tác của sinh viên, không phải là mối quan hệ khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ giáo dục như nhiều người nghĩ. Bởi đại học không phải một trung tâm ngoại ngữ hay trung tâm dạy nghề.
Trong nhiều trường hợp, đại học khó mà dạy được cái gì để sinh viên ra trường có thể làm việc được ngay. Đơn giản vì xã hội thay đổi quá nhanh so với các chương trình đào tạo. Nếu đại học tập trung dạy kỹ năng để ra trường có việc ngay, thì có một nguy cơ là sinh viên sẽ nhanh chóng bị đào thải khi kỹ năng đó lạc hậu. Ví dụ như các kỹ năng lập sổ, định khoản trong ngành kế toán. Dạy kế toán ở đại học bây giờ cần nhiều hơn kỹ năng phân tích và ít cần kiến thức về tác nghiệp ngay tức thời. Nó sẽ lạc hậu ngay khi chuẩn mực kế toán thay đổi và máy tính thay thế.
Trong bối cảnh đó, đại học chỉ có thể cung cấp nguồn lực, chỉ dẫn để sinh viên tự học, cho họ các đề bài để họ tự tìm cách giải quyết vấn đề. Sau khi ra trường, họ sẽ biết cách giải quyết các đề bài mới. Nôm na, học đại học đàng hoàng bây giờ còn cực khổ hơn trước rất nhiều. Nếu chỉ chăm chăm đi đường tắt, sinh viên sẽ đối mặt nguy cơ bị đào thải.
Các trường đại học thành công cũng chỉ hơn nhau ở nguồn lực hỗ trợ cho sinh viên tự học, bao gồm giáo sư giỏi, cơ sở vật chất tốt và quan hệ đối tác tốt, làm vườn ươm xây dựng sự nghiệp cho sinh viên. Nhưng đó chỉ là mảnh đất tốt. Hạt giống nảy mầm hay không vẫn phải nhờ sự vận động tự thân của chính nó.
Mara Swan của tổ chức ManpowerGroup có viết một bài trên World Economic Forum cho rằng, kỹ năng tự học, hay sự khao khát và khả năng học hỏi các kỹ năng thị trường đang cần, là mấu chốt để tồn tại trên thị trường việc làm bây giờ và sắp tới.
Nếu bạn là nhà tuyển dụng, bạn chọn Chris hay những sinh viên học theo kiểu “vật vờ” hoặc “ăn nhanh”?
Theo Vnexpress