Home Tin Nước Úc Du Học Úc Quán quân Olympia 2019: Không đi du học Úc, không muốn bị coi là “nhân tài”
Du Học Úc

Quán quân Olympia 2019: Không đi du học Úc, không muốn bị coi là “nhân tài”

Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19 Trần Thế Trung nói: “Trên thực tế, Đường lên đỉnh Olympia chỉ là một sân chơi truyền hình và mình chỉ là một người thắng cuộc”.

Trần Thế Trung được biết đến là Quán quân của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19. Sau gần 4 năm giành được ngôi vị cao nhất trong cuộc thi, Trung hiện đang là sinh viên ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo của Trường Đại học RMIT Hà Nội.

Ngoài là sinh viên ngành thiết kế, Trần Thế Trung cũng đảm nhận một số vai trò khác như trọng tài trong một số giải đấu bóng rổ và Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Shogi Việt Nam (câu lạc bộ chơi cờ tướng Nhật Bản – PV).

Quán quân Olympia 2019: Không đi du học Úc, không muốn bị coi là nhân tài - 1
Hình ảnh Trần Thế Trung trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia cách đây 4 năm (Ảnh: H.K)

Thế Trung từng có khoảng thời gian học trực tuyến ngành Thiết kế đồ họa tại Trường Đại học Swinburne (Úc) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng không thấy phù hợp nên đã lựa chọn chuyển sang học ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo.

Việc lựa chọn ngành học này không hẳn đến từ việc cậu là người yêu thích nghệ thuật mà xuất phát từ thói quen thích sắp xếp ngăn nắp mọi việc trong cuộc sống và học thiết kế sẽ có tính ứng dụng cao hơn so với những ngành học thiên về mỹ thuật.

Sự kỳ vọng của xã hội đối với các “nhân tài”

Theo quan điểm của Trung, việc các quán quân lựa chọn đi du học hay ở lại nước ngoài sinh sống, làm việc hoàn toàn là lựa chọn của mỗi người và là cách họ đang thực hiện quyền phát triển cá nhân họ. Còn về trách nhiệm và sự đóng góp cho đất nước và xã hội, theo Trung ai cũng phải có chứ không riêng gì những người vô địch Đường lên đỉnh Olympia. Bên cạnh đó, mỗi người sẽ thực hiện nó theo một cách khác nhau, kể cả những người sinh sống và làm việc ở nước ngoài.

“Nếu các quán quân Đường lên đỉnh Olympia sang nước ngoài và thực hiện những nghiên cứu phục vụ cho nhân loại thì cũng là một hình thức cống hiến cho đất nước”, Trung bày tỏ.

Các quán quân Đường lên đỉnh Olympia được đánh giá cao, thu hút nhiều người theo dõi trên mạng xã hội nên việc Thế Trung chọn học tại Việt Nam cũng thu hút sự chú ý của dư luận.

Sự quan tâm này còn xuất phát từ việc các quán quân khác của chương trình đa số đều đi du học ở Úc. Sau khi học xong, một số lựa chọn sinh sống và làm việc tại nước ngoài.

Chứng kiến thái độ này của mọi người, Trung chia sẻ bản thân cậu thấy mọi người đang quan tâm quá nhiều tới đời sống cá nhân của các quán quân Đường lên đỉnh Olympia và đánh giá quá cao vai trò của họ.

Quán quân Olympia 2019: Không đi du học Úc, không muốn bị coi là nhân tài - 2
Trần Thế Trung từng giành giải Nhất cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2019 (Ảnh: DT)

“Mọi người thường coi những người chiến thắng trong chương trình này là nhân tài và kỳ vọng ở chúng mình về sự cống hiến cho đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế, Đường lên đỉnh Olympia chỉ là một sân chơi truyền hình và mình chỉ là một người thắng cuộc”, Trung nói.

Mặt khác, Trung cũng hoàn toàn thông cảm cho việc mọi người quan tâm và thảo luận nhiều về con đường và hướng đi của những người chiến thắng trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.

“Chúng mình thi trên sóng truyền hình nên nhận được sự quan tâm từ mọi người cũng là điều dễ hiểu. Mình chỉ không đồng tình với suy nghĩ của mọi người về việc coi chúng mình là nhân tài và có khả năng vượt trội”, Trung chia sẻ.

Sau cùng, Thế Trung hy vọng mọi người có thể tôn trọng cuộc sống và quyết định cá nhân của các quán quân của chương trình hơn dù biết rằng điều này không thể thay đổi trong một sớm một chiều.

Trung chia sẻ bản thân bạn đang thấy rất hài lòng với cuộc sống học tập và làm việc hiện tại của mình. Dù hiện nay các nước trên thế giới đã dần mở cửa, việc đi du học cũng trở nên thuận lợi hơn so với thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nhưng Thế Trung vẫn chưa có ý định sẽ xuất ngoại để đi du học.

“Tuy nhiên, hài lòng ở đây không có nghĩa là mình không muốn phát triển thêm nữa mà mình cảm thấy cuộc sống hiện tại đã đủ những yếu tố để mình có thể sống ổn định một khoảng thời gian.

Trong tương lai, nếu mình có cơ hội được tiếp xúc với những khóa học ở nước ngoài thì mình sẽ cân nhắc đến việc sẽ sang nước ngoài hoàn thành chúng để có thêm cho mình những trải nghiệm khác”, Trung nói.

Ngoài ra, Trung cũng cảm thấy hứng thú với mô hình “du học trong nước” đang dần phổ biến trong khoảng thời gian gần đây vì theo Trung, mỗi nền giáo dục đều sẽ có một điểm ưu việt riêng. Mọi người có thể được tiếp cận với nền giáo dục của nước ngoài ngay trong đất nước của mình thông qua việc một số trường đại học nổi tiếng của nước ngoài mở cơ sở tại Việt Nam hoặc liên kết với trường đại học ở Việt Nam.

Đam mê học thiết kế và hoạt động thể thao

Sau 4 năm giành chức vô địch Đường lên đỉnh Olympia, công chúng vẫn thường nhớ đến Trần Thế Trung với danh hiệu nhà vô địch hơn là những vai trò khác như Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Shogi Việt Nam hay trọng tài trong một số trận thi đấu bóng rổ.

Việc đảm nhận thêm nhiều vai trò mới ngoài việc làm một sinh viên bình thường khiến Trung cảm thấy bản thân đang dần thoát khỏi cái bóng của một nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia.

Quán quân Olympia 2019: Không đi du học Úc, không muốn bị coi là nhân tài - 3
Sau 4 năm giành giải nhất Đường lên đỉnh Olympia năm 2019, Thế Trung đang dần thoát khỏi cái bóng của nhà vô địch (Ảnh: Toàn Vũ)

“Không giống như những Quán quân Đường lên đỉnh Olympia khác thường chọn hướng phát triển trong giới học thuật hoặc nghiên cứu, mình chọn ngành thiết kế và chọn việc phát triển thêm cả trong lĩnh vực thể thao như làm trọng tài trong các giải đấu bóng rổ và điều hành một câu lạc bộ về cờ Shogi”, Trung chia sẻ.

Đối với Trung, bóng rổ và cờ Shogi không chỉ đơn thuần là sở thích, đam mê mà nó còn được xem như một “nghề tay trái” của cậu. Đặc biệt với cờ Shogi, Trung có định hướng sẽ phát triển và lan rộng nó hơn nữa trong cộng đồng Việt Nam bằng cách tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ hàng tuần.

Mặc dù cùng một lúc đảm nhận nhiều vai trò khác nhau như vậy nhưng Trung không hề cảm thấy “quá tải” hay bị áp lực, cậu cảm thấy mình đang kiểm soát và cân bằng khá tốt mọi việc. Các đầu việc của Trung vẫn luôn bổ trợ lẫn nhau và giúp cậu phát triển rất nhiều trong các lĩnh vực.

“Mình vẫn luôn áp dụng kiến thức thiết kế vào trong các hoạt động và công việc khác của mình. Đơn cử như việc mình hiện đang phụ trách chính hoạt động truyền thông, thiết kế trên trang Fanpage của Câu lạc bộ Shogi Việt Nam”, Trung kể lại.

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Hội sinh viên Việt Nam tại Úc – Ngôi nhà của các thanh niên, du học sinh

Ngày 6/8, Hội sinh viên Việt Nam tại Úc đã tổ chức...

Ngày hội Việc làm 2022 của du học sinh Việt tại bang New South Wales, Úc

Ngày 30/7, tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho cộng đồng...

Úc có quyết định mới về giới hạn giờ làm thêm của du học sinh

Bộ Nội vụ Úc thông báo nước này tạm thời nới lỏng...