Home Cộng Đồng Cách WHO đối phó COVID-19: Hãng tin AP công bố băng ghi âm gây sốc
Cộng Đồng

Cách WHO đối phó COVID-19: Hãng tin AP công bố băng ghi âm gây sốc

Trong những ngày đầu COVID-19 bùng phát, các nhà khoa học của WHO đã gọi một số quốc gia là ‘những phòng thí nghiệm bất đắc dĩ nghiên cứu virus’, thậm chí có ý kiến còn mang tâm lý chờ đợi cách chống dịch của quốc gia nào sẽ hiệu quả.

Hàng chục bản ghi âm các cuộc thảo luận nội bộ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa được Hãng thông tấn AP của Mỹ hé lộ đã cho thấy “sự cả nể” của cơ quan này trong việc cảnh báo đại dịch COVID-19.

Tại cuộc họp thường niên vừa được tiến hành trong tuần này, WHO phải hứng chịu những chỉ trích gay gắt vì đã không quyết liệt hơn trong việc xử lý đại dịch bước đầu.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần 3 ngày 4-11-2020 tại Thượng Hải, Trung Quốc – Ảnh: AFP

Xem ổ dịch “du thuyền ở Nhật” như… cơ hội nghiên cứu

Hàng chục bản ghi âm tại các cuộc họp nội bộ của WHO và tài liệu từ tháng 1 đến tháng 4-2020 do AP thu thập được cho thấy từ khi COVID-19 bắt đầu lan rộng, WHO đã lảng tránh việc “chỉ mặt điểm tên” các quốc gia chống dịch không phù hợp, đặc biệt là các “nhà tài trợ lớn” như Nhật Bản, Pháp hay Anh bất chấp các nước liên tục phạm sai lầm.

Trung Quốc là điểm khởi đầu cho chuỗi dè dặt của WHO dưới thời ông Tedros Adhanom Ghebreyesus. Dù tổng giám đốc WHO và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp mặt vào tháng 1-2020, thông tin về đợt dịch bùng phát vẫn còn là dấu chấm hỏi trong suốt tháng 2 sau đó.

Cũng trong tháng 2, các nhà khoa học của WHO đã bày tỏ sự lo ngại về tình trạng lây nhiễm trên siêu du thuyền Diamond Princess ở Nhật Bản. Số ca nhiễm đã tăng gấp đôi, gấp ba chỉ trong thời gian ngắn khiến chính quyền Tokyo bị bất ngờ.

Theo các cuộc ghi âm và biên bản nội bộ, các nhà khoa học hàng đầu của WHO khi đó đang bận tranh luận nên làm gì tiếp theo. Một nhà khoa học của WHO cho biết tình hình “khá nhạy cảm” vì chính quyền Nhật Bản chưa chia sẻ đủ thông tin.

Mặc dù WHO đã nhận thức rõ ràng rằng tình hình đang dần tệ hơn, các đoạn băng ghi âm cho thấy họ xem đợt bùng phát trên du thuyền như một cơ hội để hiểu về các những cách thức lây lan của virus corona chủng mới.

“Đây là một cơ hội tốt để nghiên cứu bản chất tự nhiên của virus”, AP trích lời tiến sĩ Michael Ryan – người đứng đầu nhóm phản ứng khẩn cấp của WHO, nói trong một cuộc họp nội bộ.

Tiến sĩ Michael Ryan trong một cuộc họp báo của WHO – Ảnh: REUTERS

Trong suốt tháng 2 và tháng 3, COVID-19 tiếp tục bùng phát ở Hàn Quốc, Singapore, Iran và nhiều quốc gia khác. Virus sau đó “đổ bộ” và nhanh chóng biến châu Âu thành “tâm chấn” của đại dịch. Các quan chức của WHO trong lúc đó vẫn bày tỏ mối quan ngại tại các cuộc họp nội bộ về vấn đề thiếu thông tin từ các nước châu Âu.

Đến ngày 8-3, tổng giám đốc WHO Tedros còn đăng lên Twitter một dòng ca ngợi cách chống dịch của nước Ý. “Chính phủ và người dân Ý đang thực hiện những bước đi quyết liệt, mạnh mẽ nhằm làm chậm quá trình lây lan của đại dịch, bảo vệ tốt đất nước của họ và góp phần bảo đảm an toàn cho thế giới”.

Chỉ 3 ngày sau, ông Tedros tuyên bố COVID-19 là một đại dịch toàn cầu, rằng thông báo này được đưa ra một phần là do “sự ì ạch” trong phản ứng đối phó với dịch bệnh của một số quốc gia, nhưng ông đã không nêu tên thẳng thắn chính phủ của nước nào.

Trao quyền nhiều hơn cho WHO?

Trong một cuộc họp báo hồi tháng 3, khi được hỏi liệu WHO có sẵn sàng chỉ mặt gọi tên các nước chống dịch không tốt, tiến sĩ Ryan trả lời một cách chung chung: “Bạn phải biết mình là ai trước đã. WHO không sa vào các cuộc tranh luận công khai hoặc chỉ trích các quốc gia thành viên trước đại chúng. Những gì chúng tôi luôn nỗ lực là làm việc với các quốc gia thành viên trên tinh thần xây dựng”.

Vài người cho rằng sẽ là không khôn ngoan về mặt chính trị nếu WHO lên án các quốc gia, trừ khi tổ chức này được trao thẩm quyền đó. Đây cũng là một phương án cải tổ WHO được Pháp và Đức đề xuất gần đây, theo AP.

Hàng quán tại Ý trống trơn vì COVID-19 – Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, giáo sư Sophie Harman (Anh) nhận định WHO đang tự đánh mất quyền lực tự có của mình. “Do không lên tiếng về những việc đáng nghi vấn ở các quốc gia, WHO đang tự hạ thấp quyền lực của chính mình trong khi cả thế giới đang bị hủy hoại”.

Trên thực tế, việc WHO công khai chất vấn các quốc gia thành viên không có gì mới lạ. Tổ chức này đã từng đe dọa đóng cửa văn phòng Trung Quốc khi nước này có động thái che giấu số ca bệnh trong đợt bùng phát dịch SARS, gây sức ép buộc Nigeria chấm dứt tẩy chay vắc xin bại liệt năm 2003 và thẳng thắn lên án Tanzania vì đã không chia sẻ đủ thông tin về dịch Ebola hồi năm ngoái.

Giáo sư Lawrence Gostin thuộc Đại học Georgetown, khi nhìn lại sự cố du thuyền Diamond Princess, đã cho rằng WHO lẽ ra nên lên tiếng cảnh báo.

“Rõ ràng mọi thứ trên con tàu đó đang diễn ra rất tệ và lẽ ra đó là lúc WHO nên lên tiếng. Khi những quốc gia có các quyết định sai trái, WHO cần thể hiện rõ lập trường của mình”. Ông Gostin cũng cho rằng WHO cần phải công bố các nước không chia sẻ đầy đủ dữ liệu với tổ chức.

Giáo sư Sophie Harman – một chuyên gia từ Đại học Queen Mary – lại tỏ ra thông cảm cho WHO về những trách nhiệm to lớn trong giai đoạn đầu của dịch bệnh. Song bà nhấn mạnh từ nay trở đi, WHO sẽ còn gặp nhiều thách thức hơn thế nữa.

“Đây không phải một cuộc thử nghiệm để WHO rút kinh nghiệm cho tương lai, đó là cái giá quá đắt để trả cho những bài học ấy. Trong làn sóng dịch tiếp theo, tôi hi vọng rằng sẽ không còn chỗ cho những cuộc ngoại giao ‘nhẹ nhàng’ như vừa qua nữa”, giáo sư Harman nêu quan điểm.

Theo Báo Tuổi trẻ

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *