Victoria là quê hương của các thành phố hẻo lánh đáng sống nhất ở Úc – Ballarat, Bendigo và Geelong – theo một nghiên cứu mới lần đầu tiên thiết lập bản đồ sức khỏe và mức độ đáng sống trên khắp 21 thành phố lớn nhất đất nước.
Ballarat là thành phố tốt nhất để tiếp cận giao thông công cộng và không gian mở, theo nghiên cứu của Đại học RMIT, và được xếp hạng trong top năm về khả năng tiếp cận với các siêu thị, việc làm, dịch vụ địa phương và khả năng mua nhà.
Geelong cũng được xếp hạng cao cùng với Bendigo trong bốn tiêu chí đánh giá mức độ đáng sống.
Ở các tiểu bang khác, các thành phố hẻo lánh đáng sống nhất là Wollongong (NSW), Toowoomba (Queensland) và Launceston (Tasmania).
Trong khi các thành phố thủ phủ của Úc đang bùng nổ dân số, người dẫn đầu thực hiện nghiên cứu, Tiến sĩ Lucy Gunn thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đô thị thuộc Đại học RMIT cho biết các thành phố hẻo lánh thường bị lãng quên vì chúng không nằm trong dữ liệu về các thành phố đáng sống của quốc gia.
“Một trong những lợi ích chính của việc sống ở một thành phố hẻo lánh là mọi người có xu hướng sống gần nơi họ làm việc.
Ballarat và Bendigo có kết quả tốt khi xét về tiêu chí này, cũng như dễ tiếp cận giao thông công cộng.
Đây là điều mà nghiên cứu của chúng tôi nhận định là tốt cho sức khỏe và phúc lợi của người dân vì nhờ đó mà người dân có cơ hội hoạt động nhiều hơn.
Lợi ích của việc xem xét các tiêu chí mức độ đáng sống này là bạn có thể thấy mỗi thành phố đang hoạt động tốt và có thể cải thiện”, Tiến sĩ cho hay.
Thế nhưng, Tiến sĩ cũng cho rằng một số thành phố hẻo lánh có nguy cơ phạm phải sai lầm tương tự như các thành phố lớn.
“Ballarat, Bendigo và các thành phố hẻo lánh có diện tích tương tự khác đang ở điểm bùng phát.
Chúng ta có thể thấy rõ điều này vì các bản đồ và dữ liệu cho thấy các thành phố hẻo lánh cũng đang tiếp nối các thành phố lớn.
Điều này được hiểu là việc tiếp cận với giao thông công cộng, thực phẩm lành mạnh và các dịch vụ cộng đồng chỉ tập trung ở khu vực trung tâm thành phố và ở các đô thị lớn nhưng càng giảm dần khi ra đến các vùng ven.
Như chúng ta đã chứng kiến ở các thành phố lớn, người dân ở các vùng ven ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ và điều này làm ảnh hưởng đến sức khỏe, phúc lợi của họ”, Tiến sĩ cho biết thêm.
Để duy trì mức độ đáng sống của các thành phố hẻo lánh, bà Gunn cho rằng cần phải lập kế hoạch cẩn thận về vấn đề tăng trưởng dân số và khuyến nghị tránh phát triển đô thị nhiều hơn ở vùng ven.
“Tin tốt là vẫn còn thời gian để tránh lặp lại những vấn đề tương tự như ở các thành phố lớn.
Hiện đang có cơ hội để tận dụng khả năng của các thành phố hẻo lánh và cải thiện mức độ đáng sống ở những nơi này trong vài năm tới”, bà Gunn nói.
Dựa trên những kết luận được đúc kết sau tám năm thực hiện nghiên cứu, dữ liệu về 21 thành phố lớn nhất nước Úc hiện có sẵn tại Đài Quan sát Đô thị Úc được thành lập gần đây bởi Tiến sĩ Melanie Davern và được phát triển bởi Nhóm Nghiên cứu Các thành phố Đáng sống thuộc Đại học RMIT.