Home Tin Nước Úc Perth: Thử nghiệm công nghệ nhận diện giám sát người dân
Tin Nước Úc

Perth: Thử nghiệm công nghệ nhận diện giám sát người dân

Facial recognition of Caucasian businessman
Sau NSW, Victoria và Queensland, Perth là tiểu bang thứ tư thử nghiệm công nghệ nhận diện gương mặt tại sân vận động. Việc thử nghiệm hệ thống camera nhận dạng khuôn mặt ở trung tâm thành phố Perth đã dấy lên mối quan ngại liệu chính phủ có đang âm thầm sử dụng công nghệ này để giám sát người dân của họ.

Mới đây tại Úc, việc kích hoạt hệ thống camera nhận dạng khuôn mặt mới ở khu vực trung tâm thành phố Perth đã dấy lên mối quan ngại liệu chính phủ có đang âm thầm sử dụng công nghệ này để giám sát người dân của họ.

Công nghệ camera nhận diện gần đây đã được triển khai ở vùng duyên hải phía tây và phía đông nước Úc mà hầu như chưa được tham khảo qua với công chúng.

Các chuyên gia pháp lý nói rằng công chúng phải tham gia tranh luận về việc họ có muốn công nghệ hiện đại này đặt trong thành phố của mình hay không và những ảnh hưởng nó có thể gây ra trong đời sống hằng ngày của mình.

Trung tâm thành phố Perth vừa triển khai thử nghiệm công nghệ này trong 12 tháng với hơn 30 cameras quan sát được lắp đặt ở phía Đông của Perth, nhưng chỉ ba máy trong số đó có thể được kích hoạt hệ thống nhận diện bất cứ lúc nào.

Cả thị trưởng và hội đồng thành phố đều từ chối cung cấp thông tin chính xác những vị trí có gắn camera nhận diện để giám sát người dân với “lý do an ninh”.

Đặt cameras nhận diện nhưng không thông báo

Tuần qua, truyền thông cũng cho người hâm mộ thể thao và người yêu hòa nhạc ở Queensland biết rằng họ bị theo dõi bằng hệ thống nhận diện tại các sân vận động lớn.

Còn ở Perth, biển báo tại các sân vận động chỉ cho người dân biết rằng họ sẽ bị giám sát qua CCTV nhưng không hề đề cập đến việc công nghệ nhận dạng khuôn mặt có thể được cảnh sát sử dụng.

Công nghệ quét và lưu trữ các đặc điểm nhân dạng là những dữ liệu độc đáo.

Những dữ liệu này sau đó được ghép với hình ảnh – ví dụ: hình được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu sinh trắc học của Chính phủ Liên bang, bao gồm giấy phép lái xe, chiếu khán và những thông tin thu thập được từ các tài khoản truyền thông xã hội.

Thật ra, công nghệ này đã được sử dụng từ lâu bởi các tập đoàn tư nhân lớn trên thế giới, nổi bật nhất là Facebook, Amazon và Apple.

Đây cũng là công cụ hỗ trợ an ninh quốc gia được Lực lượng Biên phòng Úc sử dụng tại các trạm kiểm soát hải quan ở phi trường.

Tuy nhiên, tiến sĩ Monique Mann từ Tổ chức Bảo mật Úc quan ngại việc gia tăng sử dụng thiết bị này như một công cụ giám sát công chúng.

‘Mọi người có thể sẽ chẳng còn làm những việc mà họ thường làm nữa bởi lo ngại họ đang bị giám sát và theo dõi khắp mọi nơi.’

Bảo vệ an toàn hay vi phạm quyền riêng tư?

Những cuộc tranh luận đã diễn ra trên khắp thế giới về việc sử dụng công nghệ nhận diện của các chính phủ dân chủ. Trọng tâm của các buổi tranh luận đều hướng đến việc bảo vệ quyền riêng tư khỏi lợi ích chung của an toàn cộng đồng.

Tại Anh, một người đàn ông đã kiện cảnh sát ở South Wales do vi phạm nhân quyền bằng cách lấy dữ liệu nhân dạng mà không có sự đồng ý của anh ta.

Tháng trước, San Francisco đã trở thành thành phố lớn đầu tiên của Hoa Kỳ cấm sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, với lý do lo ngại về quyền tự do dân sự.

Tiến sĩ Monique Mann, nghiên cứu về công nghệ và quy định của Đại học Queensland, cho biết việc triển khai các thiết bị cameras nhận diện tại các địa điểm công cộng đã đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.

Phó giáo sư Julia Powles của trường Đại học Tây Úc nói rằng chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc và cùng bàn luận về viễn cảnh thành phố mà chúng ta đang sống sẽ ra sao nếu như mọi người đều bị giám sát như thế này.

“Đó là một tầm nhìn hạn chế khi tất cả mọi người sống ở đô thị đều bị giám sát. Điều đó thật lố bịch”, bà nói.

Cả Tiến sĩ Mann và Phó giáo sư Powles đều cho rằng có rất ít bằng chứng cho thấy công nghệ này hỗ trợ việc ngăn chặn tội phạm.

Dữ liệu sẽ bị xóa sau 31 ngày!

Theo thông tin từ Giám đốc quản lý phát triển hoạt động kinh tế Perth Daniel High, quyền kích hoạt chức năng này chỉ nằm trong tay các cơ quan thực thi pháp luật như Cảnh sát Liên bang hoặc Cảnh sát Tây Úc.

Chân dung ông Daniel High.

Bên cạnh đó, chỉ có cơ quan bảo vệ an toàn cộng đồng và thực thi pháp luật của chính phủ mới có quyền truy cập vào dữ liệu, và chúng sẽ bị xóa sau 31 ngày.

Chức năng mới này sẽ là công cụ đắc lực cho chính phủ trong việc đảm bảo an ninh, nhất là ở các sự kiện lớn tổ chức tại Sân vận động Perth.

“Công nghệ trên sẽ giúp chúng tôi phản ứng nhanh và hiệu quả hơn trước các tình huống cần bảo vệ an ninh, đồng thời hỗ trợ tốt trong các trường hợp bất ngờ như trẻ em mất tích chẳng hạn,” ông cho biết.

High cho biết cộng đồng dân cư đã được thông báo về việc áp dụng công nghệ của chính phủ, đặc biệt là qua các phương tiện truyền thông.

“Chúng tôi đã tuyên truyền trên phạm vi rộng về quyết định lắp đặt CCTV giám sát và đang chạy chương trình thử nghiệm. Mọi người đã được phổ cập thông tin,” ông nói.

Hình ảnh so sánh lấy từ Facebook

Giáo sư luật hình sự học của Đại học Monash, Liz Campbell, nhấn mạnh rằng người dân phải được thông báo về việc hình ảnh của họ sẽ bị thu thập qua camera.

“Có hai đặc điểm của hệ thống nhận diện mà có lẽ họ sẽ phản đối,” bà nói.

“Mọi người không biết mình đang nằm trong danh sách bị theo dõi hoặc ảnh trên Facebookcủa mình bị mang ra làm tư liệu so sánh. Hơn nữa, họ cũng có thể không nhận ra rằng mình đang bị camera nhận diện khuôn mặt trực tiếp ghi lại hình ảnh.”

Giáo sư Campbell cho biết công nghệ này giúp giám sát các đám đông lớn để phòng ngừa mối nguy khủng bố rất tốt, song vẫn gặp khá nhiều rắc rối về tính chính xác.

Nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ có 1 – 3 trong số 10 kết quả nhận diện là chính xác. Hệ thống này thường hoạt động không ổn định khi xác định nhân dạng của phụ nữ và người da màu.

“Vấn đề là mất bao lâu người ta mới phát hiện máy nhận dạng không đúng,” bà cho biết.

“Nếu quá lâu, có thể xảy ra tình huống cảnh sát bắt lầm người do camera nhận diện sai.”

Theo SBS

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...