Chính phủ liên bang nói rằng các chủ lao động sẽ được phép đưa ra “những hướng dẫn hợp lý” cho nhân viên của họ về việc chủng ngừa COVID-19. Nhưng chính xác thì điều đó có nghĩa là gì?
Những ngành nghề nào bắt buộc phải tiêm vắc-xin?
Giống như tất cả các loại vắc-xin khác tại Úc, việc tiêm vắc-xin COVID-19 là hoàn toàn tự nguyện, trừ một vài ngoại lệ.
Hồi tháng Sáu, nội các quốc gia yêu cầu tất cả nhân viên chăm sóc người cao niên tại Úc phải chủng ngừa trước giữa tháng Chín. Đối với những người lao động có nguy cơ cao khác, chẳng hạn như nhân viên kiểm dịch khách sạn, nhân viên sân bay và vận chuyển, mỗi tiểu bang có thể có quy định riêng.
Nhưng có một hạng mục khác hiện đang gây tranh cãi, đó là những nhân viên làm việc tại các điểm nóng COVID-19 và có khả năng nhiễm virus.
Các hướng dẫn sửa đổi tại nơi làm việc là gì?
Lời khuyên cập nhật của Fair Work Ombudsman hồi tuần trước nêu ra bốn “cấp độ” công việc để giúp đánh giá xem yêu cầu tiêm vắc-xin COVID-19 có “hợp lý” hay không.
- Cấp độ 1 là các nhân viên tiếp xúc với những người có nguy cơ cao, chẳng hạn như nhân viên kiểm dịch khách sạn và nhân viên sân bay.
- Cấp độ 2 là các nhân viên tiếp xúc với những người dễ bị tổn thương, chẳng hạn như nhân viên y tế và nhân viên chăm sóc người cao niên.
- Cấp độ 3 là các nhân viên tiếp xúc hàng ngày với công chúng, chẳng hạn như nhân viên bán lẻ và nhân viên siêu thị.
- Cấp độ 4 là các nhân viên ít tiếp xúc trực tiếp với người khác.
Chính phủ liên bang nói gì?
Thủ tướng Morrison đã bác bỏ việc bắt buộc tiêm vắc xin COVID-19 ở cấp chính sách liên bang. Ông tuyên bố hồi tuần trước rằng người sử dụng lao động phải “đưa ra quyết định của riêng họ” khi nói đến việc thực hiện tiêm chủng cho những công nhân có nguy cơ cao.
“Chúng tôi không có chính sách tiêm chủng bắt buộc ở đất nước này. Chúng tôi không đề xuất điều đó. Điều đó không thay đổi,” ông nói với các phóng viên tại Canberra.
“Về cơ bản, người sử dụng lao động cần phải xem xét những vấn đề này và đưa ra quyết định của riêng họ.”
Ông cho biết người sử dụng lao động có thể đưa ra “hướng dẫn hợp lý” cho nhân viên của họ, miễn là nó tuân thủ luật chống phân biệt đối xử.
“Trong trường hợp một nhân viên có nguy cơ nhiễm virus cao, người sử dụng lao động có thể tìm cách bảo vệ nhân viên của họ và duy trì nghĩa vụ về sức khỏe và sự an toàn cho các nhân viên,” ông nói.
Nhân viên hàng không, nhân viên chăm sóc người cao niên và nhân viên bán lẻ là một số ví dụ, do họ thường xuyên tiếp xúc gần với những người có thể nhiễm virus.
“Chính phủ liên bang hoặc các chính phủ tiểu bang và lãnh thổ không có ý định tạo ra bất kỳ điều luật đặc biệt nào trong các lĩnh vực này,” ông nói thêm rằng các quyết định như vậy sẽ do “tòa án quyết định”.
Khi nào thì yêu cầu chủng ngừa trở nên “hợp lý”?
Điều này phụ thuộc vào môi trường làm việc, địa điểm làm việc, và tình trạng sức khoẻ của người lao động.
Fair Work Ombudsman cho biết ở những khu vực không có sự lây nhiễm cộng đồng trong một thời gian dài, việc bắt buộc nhân viên chủng ngừa khó có thể được coi là hợp lý.
Thế nhưng đối với các doanh nghiệp cần duy trì hoạt động trong thời gian phong toả, rủi ro lây nhiễm cộng đồng khiến cho việc bắt buộc chủng ngừa tại nơi làm việc trở nên hợp lý hơn.
Ông Kamal Farouque, luật sư chuyên về luật lao động, cho biết có một số yếu tố cần xem xét trước khi bắt buộc nhân viên tiêm vắc-xin.
Thứ nhất là bản chất của căn bệnh, trong trường hợp này là rất nghiêm trọng.
“Trong trường hợp của COVID, chúng ta biết nó rất nguy hiểm. Chúng ta biết nó gây ra nguy cơ tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng. Có quá nhiều người bị lây nhiễm,” ông nói.
Thứ hai là cách thức lây truyền.
“Chúng ta biết nó lây qua đường không khí. Điều này có liên quan bởi vì ở nhiều nơi làm việc mà mọi người ở gần nhau, sẽ có nguy cơ lây bệnh.”
Ví dụ, những người làm việc trong nhà sẽ có nguy cơ lây bệnh cao hơn những người làm việc ngoài trời cách xa nhau.
Hoàn cảnh cá nhân của từng nhân viên – chẳng hạn như liệu họ có rủi ro về sức khỏe, hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn do tuổi tác hoặc bệnh sử – cũng là những yếu tố có liên quan.
Người sử dụng lao động cần phải làm gì?
Nếu chủ lao động đang cân nhắc việc bắt buộc nhân viên tiêm vắc-xin COVID-19, ông Farouque cho biết việc đầu tiên cần làm là tham khảo ý kiến của công đoàn và nhân viên.
“Tất nhiên, mục tiêu ở đây là càng nhiều người chủng ngừa càng tốt,” ông nói.
Ông cho biết người sử dụng lao động cũng cần phải đánh giá rủi ro trong môi trường làm việc.
“Hệ thống thông gió tại nơi làm việc có tốt hay không? Quý vị có theo dõi mức CO2 ở nơi làm việc hay không, vốn là một dấu hiệu cho thấy việc thông gió kém? Về cơ bản, quý vị đang làm gì trên cương vị là một chủ lao động ngoài việc đưa ra chỉ đạo,” ông nói.
Ông Farouque cho biết nếu người sử dụng lao động bắt buộc nhân viên tiêm vắc-xin, họ nên trang trải chi phí đi lại cho nhân viên và cân nhắc cho họ nghỉ việc có lương vào ngày tiêm chủng, nếu cuộc hẹn diễn ra trong giờ làm việc, cộng với thời gian nghỉ bệnh được trả lương nếu nhân viên cảm thấy không khỏe sau khi tiêm chủng.
Nếu một nhân viên từ chối tiêm vắc-xin thì sao?
Trong trường hợp một nhân viên không muốn chủng ngừa, ông Farouque nói rằng điều đó còn tuỳ thuộc vào lý do mà họ đưa ra.
Chẳng hạn, nếu một nhân viên có vấn đề về sức khoẻ khiến họ không thể chủng ngừa, chủ lao động có thể yêu cầu nhân viên cung cấp thông tin y tế để đánh giá xem liệu rủi ro khi tiêm vắc-xin có cao hơn nguy cơ nhiễm COVID-19 hay không.
Trong trường hợp đó, chủ lao động sẽ phải xem xét các biện pháp khác để cho phép nhân viên đó tiếp tục làm việc mà không cần phải chủng ngừa, chẳng hạn như bắt buộc đeo khẩu trang và làm việc từ xa.
Nhưng nếu một nhân viên không muốn tiêm vắc-xin mà không có lý do chính đáng, chủ lao động có thể sa thải họ nếu nguy cơ nhiễm hoặc lây lan COVID-19 ở nơi làm việc đó đủ cao.
Theo SBS
Leave a comment