Home Tin Nước Úc Chuyên gia luật Úc đập tan lý lẽ của những người chống đối quy định đeo khẩu trang
Tin Nước Úc

Chuyên gia luật Úc đập tan lý lẽ của những người chống đối quy định đeo khẩu trang

Trước tình hình lây nhiễm coronavirus trong cộng đồng đáng lo ngại ở Melbourne, đã có nhiều người tự quay phim ở nhiều địa điểm khác nhau, phản đối việc đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng. Những người này đã sử dụng các lý lẽ để tranh cãi tương tự nhau, thách thức từ cảnh sát đến nhân viên cửa hàng. Thế nhưng các chuyên gia luật pháp đã chứng minh rằng những luận điểm trên là hoàn toàn sai.

Trong một đoạn video được truyền đi rộng rãi trên các trang mạng, một phụ nữ ở một cửa hàng Bunnings tại Melbourne đã tranh cãi khi được yêu cầu đeo khẩu trang. Bà này tranh cãi với nhân viên tại đây rằng họ không có thẩm quyền để tra hỏi về chuyện đó.

Bắt đầu từ ngày 23/7, cư dân khu vực Melbourne và Mitchell Shire phải dùng khẩu trang hoặc các đồ khác để che mũi miệng khi rời nhà, với một số trường hợp được ngoại lệ.

Những ai không tuân thủ có thể nhận vé phạt 200 đô la.

Nhiều người chống lại việc đeo khẩu trang sử dụng các lý lẽ “giả bộ có tính pháp lý” được lan truyền trên các trang web về thuyết âm mưu và các trang mạng xã hội.

Một trong số những luận điểm các nguồn này đưa ra đó là: “Nó chưa được thông qua như là một điều luật.”

Thế nhưng, Giáo sư Luke Beck, từ Khoa Luật trường Đại học Monash, nói rằng đây chỉ là một trong những lý lẽ không có cơ sở.

Đây hoàn toàn là luật – Luật Về Sức khỏe cộng đồng tại Victoria đã được quốc hội thông qua. Và luật đó cho phép giới hữu trách y tế đặt ra các giới hạn, như giờ đây chúng ta phải đeo khẩu trang, không được rời nhà ngoại trừ với bốn lý do.

“Luật này cũng quy định cá nhân nào vi phạm các giới hạn, thì sẽ phải lãnh phạt, và đó là điều đang diễn ra ở đây.”

Một luận điểm khác cũng khá phổ biến trong những người chống đối việc đeo khẩu trang đó là: “Nó vi phạm nhân quyền của tôi.”

Người phụ nữ ở cửa hàng Bunnings Melbourne cũng đã đưa ra căn cứ này trong cuộc tranh cãi. Trích dẫn: “Nó vi phạm Luật Nhân quyền năm 1948 về phân biệt đối xử với đàn ông và phụ nữ.”

Nhưng Giáo sư Beck đã bác bỏ luận điểm này.

“Bà ấy đã lấy nguồn trích dẫn sai. Bà ấy đề cập năm 1948, khi mà có một tài liệu được gọi là Tuyên bố toàn cầu về nhân quyền do Liên hợp quốc soạn thảo sau đệ nhị thế chiến, nhưng đó không thuộc bộ luật của Úc.”

Luật nhân quyền quốc tế cũng không tuyệt đối – không có luật nhân quyền nào về việc đi tới Bunnings mà không mang khẩu trang. Và luật nhân quyền quốc tế ghi nhận rằng các hạn chế đối với quyền tự do lựa chọn có thể được chấp nhận khi nó được đưa ra một cách hợp lý để đạt được một mục đích chính đáng – như bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Giáo sư Jonathan Liberman từ trường Luật thuộc Đại học Melbourne cũng đồng ý.

“Điều mà chính phủ đang làm đó là yêu cầu người dân đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng và đóng góp vào việc chúng ta có thể tận hưởng quyền sống và quyền về sức khỏe.”

Giám đốc Trung tâm Nhân quyền Hugh de Kretser cho rằng các yêu sách của những người phản đối “bị dẫn dắt một cách sai lầm”.

Đây là một giới hạn rất nhỏ đối với tự do cá nhân cho một mục đích rất tốt đẹp. Tại Victoria, chúng ta có một điều lệ về nhân quyền. Điều lệ này đặt ra nghĩa vụ cho chính phủ phải bảo vệ cuộc sống và sức khỏe cộng đồng.

“Do đó chính phủ đang hành động trong mối tương thích với điều luật, bằng cách đưa ra các quy định đeo khẩu trang dựa trên các bằng chứng và lời khuyên y tế. Đây là một công cụ hữu ích mà có thể giúp bảo vệ mạng sống. Như vậy chính phủ đang làm điều đúng đắn.”

Một lý lẽ thứ ba của người chống đeo khẩu trang đó là: “Tôi không chấp thuận việc đó.”

Một trong những hướng dẫn được chia sẻ trên mạng nói rằng, họ chỉ cần nói với cảnh sát “tôi không chấp thuận [khoản tiền phạt 200 đô la] này.”

Thế nhưng Giáo sư Liberman chỉ ra rằng:

“Luật không được thực thi theo cách thức mà mọi người được lựa chọn luật nào họ chấp thuận và luật nào họ từ chối.”

Luận điểm phổ biến thứ tư là “Tôi sẽ kiện.”

Một số người trong các videos được truyền đi đã dọa sẽ kiện các doanh nghiệp, như Bunnings.

Nhưng giáo sư Beck nói rằng Bunnings đã không hề vi phạm luật khi yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang.

“Luật về tài sản tư hữu cho phép người chủ tài sản được phép đặt ra điều kiện đối với người đi vào cơ ngơi của họ. Bạn sẽ thấy các bảng hiệu ở trước các cửa hàng ghi điều kiện đi vào – như đi giầy trong quán rượu hay không được mặc áo không có ống tay. Hay ở trong các cửa tiệm bán lẻ, có thể có điều kiện là bạn phải mở túi để kiểm tra. Đó chỉ đơn giản là những điều bình thường trong luật sở hữu tài sản.”

Ông cho hay, trong khi tình hình lây lan đang trở nên phức tạp ở Melbourne, những thông tin giả được lan truyền và các hành vi khiêu khích mà chúng ta đã chứng kiến có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm.

Những người này đang tìm cách khuyến khích những người khác làm những điều mà đặt người khác vào tình thế nguy hiểm, và sẽ có thể dẫn đến việc các hạn chế phải kéo dài thêm nữa. Họ đang vận động việc bác bỏ luật pháp và bác bỏ việc chúng ta đang chung sống trong một xã hội ôn hòa.

Theo SBS

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...