Những bệnh nhân nằm lâu trên giường có thể bị lở loét do tì đè, từ đó phát triển thành bệnh loét da mãn tính có khả năng gây tử vong. Tin vui là các chuyên gia tại Ðại học Nam Úc vừa phát triển một hệ thống cảm biến sợi quang học mới có thể ngăn ngừa nguy cơ này.
Cụ thể, hệ thống cảm biến mới chứa các sợi quang học mỏng và có giá thành rẻ, được tích hợp vào bề mặt của tấm nệm. Bằng cách phân tích cách ánh sáng vào-ra giữa các sợi quang học mỗi khi bệnh nhân dịch chuyển cơ thể trên nệm, các chuyên gia có thể biết liệu bệnh nhân đó đã nằm 1 tư thế quá lâu hay không. Hơn nữa, cảm biến còn cho phép theo dõi cả nhịp tim và nhịp thở của người bệnh.
Theo nhóm nhiên cứu, cảm biến mới cung cấp một phương pháp theo dõi bệnh nhân nằm lâu trên giường đơn giản mà vẫn hiệu quả, đồng thời ít gây khó chịu hơn so với các thiết bị theo dõi hiện có, vốn buộc bệnh nhân phải đeo trên người. Việc dùng cảm biến sợi quang học cũng ít gây ra các vấn đề về quyền riêng tư hơn so với dùng hệ thống camera giám sát bệnh nhân. Trong tương lai, công nghệ này có thể được phát triển để cảnh báo nhân viên y tế biết những bệnh nhân nào nằm một tư thế quá lâu hoặc cần xoay trở cơ thể, cũng như theo dõi các dấu hiệu sinh tồn quan trọng mà không cần phải kết nối các thiết bị cồng kềnh vào cơ thể người bệnh.
Theo baocantho.com.vn
Leave a comment