Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) hồi tuần này đã tịch thu khối tài sản tham ô khổng lồ của cựu bí thư tỉnh Thiểm Tây Triệu Chính Vĩnh, người được coi là nhận số tiền tham ô lớn nhất kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng.
Cựu bí thư tỉnh Thiểm Tây Triệu Chính Vĩnh hôm 11.5 ra hầu tòa ở thành phố Thiên Tân với cáo buộc lợi dụng chức vụ và quyền hạn để nhận hối lộ từ các nhà thầu và những người mua chức, sắp xếp nhân sự, chống lưng cho các doanh nghiệp.
Nguồn tin trên Tân Hoa xã cho biết ông Triệu đã nhận tội và tòa sẽ sớm tuyên án. Theo nguồn tin, CCDI đã tịch thu số tài sản tham ô trị giá 630 triệu Nhân dân tệ (hơn 2.000 tỉ đồng) của ông Triệu.
Triệu Vĩnh Chính xuất hiện trong phiên tòa hôm 11.5
Ngoài ra, khối tài sản không rõ nguồn gốc trị giá 100 triệu USD (khoảng 2.300 tỉ đồng) khác của ông Triệu, bao gồm bất động sản và chứng khoán, cũng bị tịch thu.
Số tiền ông Triệu nhận hối lộ hơn 2.000 tỉ đồng được coi là nhiều nhất trong các vụ án tham nhũng bị phanh phui kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền.
Theo SCMP, một cư dân mạng Trung Quốc bày tỏ sự phẫn nộ trên Weibo: “Tôi từng tận mắt thấy một trường tiểu học ở vùng núi có cơ sở vật chất hết sức nghèo nàn, trẻ em dùng xi măng để làm bàn học. Có bao nhiêu gia đình có thể thoát nghèo với 700 triệu Nhân dân tệ? Bao nhiêu trường học được tân trang lại?”
Thăng tiến vượt bậc nhờ người vợ
Triệu Vĩnh Chính trước khi bị bắt.
Theo Caixin, ông Triệu Chính Vĩnh sinh năm 1951, ở Mã An Sơn, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Xuất thân trong gia đình công nhân có cha làm nghề khai mỏ, năm 19 tuổi, ông Triệu làm công nhân phân xưởng tại công ty sắt thép Mã An Sơn.
Năm 1974, ông Triệu theo học chuyên ngành vật lý kim loại khoa vật liệu ở Học viện Khai thác mỏ và Luyện kim Trung Nam và trở về công ty làm cán bộ phòng kỹ thuật.
Không rõ ông Triệu gặp người vợ, bà Sun Jianhui vào lúc nào. Nhưng nhờ mối quan hệ chính trị của gia đình bà Sun, ông Triệu nhanh chóng thăng tiến khi chuyển sang công tác tại văn phòng thành ủy Mã An Sơn, nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề nói trên tờ Caixin.
Chỉ trong vòng 10 năm, ông Triệu từ một nhân viên kỹ thuật bình thường, giữ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Mã An Sơn. Năm 2011, ông Triệu giữ chức tỉnh trưởng tỉnh Thiểm Tây, được bầu vào Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII.
Một năm sau, ông Triệu trở thành Bí thư tỉnh Thiểm Tây và đây cũng là thời điểm gia đình ông Triệu tích cực tham nhũng, vơ vét tiền của nhất.
Ông Triệu bị giáng chức vào năm 2016, đến năm 2019 thì bị CCDI bắt giữ vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Tháng 1.2020, ông Triệu bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông bị CCDI cáo buộc là kẻ “hai mặt”, “không trung thành và thiếu tôn trọng”.
Mạng lưới tham nhũng sâu rộng
Vợ của ông Triệu, bà Sun Jianhui, không chỉ giúp chồng thăng tiến vượt bậc, mà còn trực tiếp đóng vai trò quản lý mạng lưới làm ăn của gia đình, theo Caixin. Bà Sun cũng trực tiếp can thiệp công việc thường ngày của ông Triệu.
“Ông Triệu nổi tiếng là người cao tay, nhưng vẫn phải sợ vợ một phép”, nguồn tin nói với tờ Caixin.
Triệu Vĩnh Chính từng là Bí thư tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc giai đoạn năm 2012-2016.
Bà Sun được biết đến là người đặc biệt yêu thích đồ trang sức, ngọc bích. “Bà ấy rất ghê gớm, trực tiếp can thiệp vào công việc thường ngày của ông Triệu, tự mình quản lý mạng lưới đối tác của ông Triệu”, nguồn tin nói thêm.
Gia đình ông Triệu trực tiếp thu lời từ hoạt động khai thác dầu khí, khai thác than, bất động sản và lĩnh vực tài chính ở tỉnh Thiểm Tây.
Theo nhật báo Beijing Youth Daily, bà Sun Jianhui chỉ thị cho cấp dưới của ông Triệu để ăn chia trong nhiều dự án phát triển bất động sản, năng lượng ở tỉnh Thiểm Tây, cáo trạng của tòa cho biết. Tuy nhiên, bản cáo trạng không nêu rõ liệu bà Sun có phải ra hầu tòa hay không.
Li Hua, người làm việc tại công ty xây dựng kỹ thuật Thiểm Tây, nói bà Sun giúp anh ta có được các hợp đồng xây dựng béo bở, từ đó thu lời cho chính gia đình ông Triệu.
Mối quan hệ của gia đình ông Triệu còn giúp cô con gái duy nhất thu lời 20 triệu Nhân dân tệ (hơn 65 tỉ đồng) trong khi cô này chỉ làm nhân viên một ngân hàng thương mại địa phương.
Đại diện ngân hàng khi đó nói rằng khoản tiền trên là hợp pháp, do những đóng góp tích cực của con gái ông Triệu vào hoạt động của ngân hàng, theo Caixin.
Các nguồn tin khác cho rằng nếu không có ông Triệu, một nhân viên ngân hàng bình thường không thể làm ra được chừng ấy tiền.
“Tuyển dụng người thân của các quan chức là cách nhanh nhất để các ngân hàng nhận được sự hậu thuẫn của chính quyền địa phương, nhận được các khoản tiền gửi khổng lồ từ công ty nhà nước”, nguồn tin cho biết.
Theo Caixin, các lãnh đạo công ty nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực dầu khí và khai thác than ở tỉnh Thiểm Tây nằm trong diện điều tra kể từ khi ông Triệu “ngã ngựa”.
Wang Yong, chủ tịch và là người sáng lập Công ty TNHH Đầu tư Beston được ông Triệu giới thiệu với Hao Xiaochen, chủ tịch công ty nhà nước về khai thác khí đốt, nhờ đó mà Beston có chỗ đứng vững chắc trong ngành công nghiệp khai thác khí đốt ở Thiểm Tây và mở rộng sang các lĩnh vực khác như viễn thông và du lịch.
Tháng 1.2019, Wang nói Beston đã đóng góp hơn 100 triệu Nhân dân tệ tiền thuế cho tỉnh Thiểm Tây, nghĩa là công ty này có doanh thu hàng tỉ Nhân dân tệ.
Theo Dân Việt
Leave a comment