Tổng thống Uganda Yoweri Museveni hôm 14-11 tuyên bố sẽ triển khai binh sĩ bảo vệ cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc tại quốc gia của ông theo sau hàng loạt vụ cướp nhằm vào họ.
Tại cuộc họp với cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc ở Văn phòng chính phủ, Tổng thống Museveni khẳng định binh lính sẽ được triển khai đến các khu công nghiệp Trung Quốc tại Uganda để ngăn chặn nạn cướp bóc.
Được biết, cuộc họp này còn có sự tham gia của đại sứ Trung Quốc tại Uganda Zheng Zhuqiang và giới chức an ninh cấp cao của Uganda.
Tổng thống Museveni nói rằng cần phải thiết lập một đường dây liên lạc giữa các xí nghiệp Trung Quốc và cảnh sát Uganda để giải quyết những vấn đề cấp bách. “Tôi không lo ngại về loại tội phạm này. Tôi biết chúng tôi có thể giải quyết được” – Tổng thống Museveni tuyên bố nhưng không tiết lộ số lượng cũng như thời gian triển khai binh sĩ.
Tổng thống Uganda Yoweri Museveni bắt tay cùng Đại sứ Trung Quốc ở Uganda Zheng Zhuqiang. Ảnh: Chimp Reports
Theo Tân Hoa Xã, cuộc họp nói trên diễn ra một ngày sau khi Đại sứ Zheng trình đơn kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc lên Tổng thống Museveni, yêu cầu giải quyết cấp bách tình trạng cướp bóc bạo lực gia tăng nếu không họ sẽ rút khỏi quốc gia này.
Phát ngôn viên quân đội Uganda, ông Richard Karemire, nói rằng các nhà đầu tư Trung Quốc trở thành mục tiêu của bọn tội phạm vì thói quen cất nhiều tiền mặt và vật dụng quý hiếm trong xí nghiệp của họ.
“Các lực lượng an ninh, bao gồm quân đội, sẽ được triển khai…Chúng tôi không muốn họ rời đi vì những cơ hội việc làm mà họ mang lại” – ông Karemire chia sẻ, ám chỉ các nhà đầu tư Trung Quốc.
Tổng thống Museveni kêu gọi các nhà đầu tư Trung Quốc đừng để bị tình trạng cướp bóc làm nản lòng, nói thêm rằng có rất nhiều cơ hội kinh doanh tại Uganda.
Binh sĩ Uganda tuần tra một tuyến đường ở thủ đô Kampala. Ảnh: Reuters
Các nhà đầu tư Trung Quốc đã xây dựng các khu công nghiệp trên khắp quốc gia 40 triệu dân này. Cùng lúc, Bắc Kinh hỗ trợ tài chính cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn cho quốc gia Đông Phi này, chẳng hạn như nhà máy thủy điện Karuma và Isimba trên sông Nile với chi phí ước tính 2 tỉ USD, bên cạnh dự án mở rộng đường sá và sân bay quốc tế Entebbe.
Theo Reuters, các doanh nghiệp Trung Quốc đã “cắm rễ” vào ngành bán lẻ và công nghiệp nhẹ của Uganda, khiến doanh nghiệp địa phương gặp khó khăn.
Theo NLĐ