Quốc gia có diện tích chỉ bằng 1/19 Việt Nam đang có đồng tiền đắt giá nhất thế giới.
Đồng USD đang hoành hành trên thế giới với đà tăng giá mạnh, trở thành một trong những loại tài sản trú ẩn ưa thích của giới đầu tư hiện nay. Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất chống lạm phát cùng những bất ổn kinh tế tại nhiều nơi trên thế giới đã khiến các nhà đầu tư đổ về đồng tiền này.
Thế nhưng theo bảng xếp hạng của CmC Market, đồng USD lại không phải loại ngoại tệ mạnh nhất trên thế giới về giá trị, thay vào đó là đồng Dinar (KWD) của Kuwait. Tính đến sáng ngày 20/7/2022, 1 USD chỉ đổi được 0,3 KWD.
Thậm chí, danh hiệu đồng tiền ổn định nhất thế giới cũng không thuộc về USD mà là Franc Thụy Sĩ (CHF). Suốt từ năm 2010 đến nay, đồng Franc đã được chính phủ Thụy Sĩ giữ ổn định nhờ chính sách giữ lãi suất dài hạn. Tính đến sáng ngày 20/7/2022, 1 USD chỉ đổi được 0,968 Franc.
Trên thực tế, đồng USD chỉ là đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên thế giới và được hậu thuẫn bởi nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ. Việc các nhà đầu tư coi đồng USD như một tài sản trú ẩn là do họ tin tưởng vào khả năng thanh khoản của đồng tiền này cũng như có niềm tin vào nền kinh tế Mỹ.
Hòn ngọc Trung Đông
Quay trở lại với câu chuyện Kuwait, nơi được mệnh danh là hòn ngọc Trung Đông. Quốc gia này được coi là một trong những nền kinh tế giàu nhất thế giới. Báo cáo của World Bank cho thấy Kuwait đứng thứ 5 toàn cầu về GNP (Tổng thu nhập quốc dân) bình quân đầu người và đứng thứ 20 về GDP (Tổng thu nhập quốc nội) bình quân đầu người.
Đồng Dinar của Kuwait được phát hành vào năm 1961 sau khi giành độc lập từ Anh để thay thế đồng Gulf Rupee với mệnh giá ban đầu tương đương 1 Bảng Anh. Tuy nhiên đến năm 1990 quốc gia này đã có 1 thời gian ngắn phải dùng đồng Dinar của Iraq. Sau đó, đồng KWD được phát hành mới và dần có giá trở lại cùng đà đi lên của giá dầu.
Mặc dù Kuwait chỉ là nước nhỏ nằm giữa Iraq và Ả Rập Xê Út (diện tích 17.818 km2, bằng 1/19 so với Việt Nam) nhưng lại có trữ lượng dầu thô lên đến 104 tỷ thùng, ước tính chiếm 10% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu. Nhờ có nguồn tài nguyên thiên nhiên này mà Kuwait có thặng dư thương mại rất lớn từ xuất khẩu dầu mỏ, qua đó tích trữ nhiều ngoại tệ để nâng giá đồng KWD.
Trong suốt nhiều năm, đồng KWD của Kuwait không hề mất giá so với đồng USD mà chỉ có đi lên khi nền kinh tế này xây dựng được lượng dự trữ ngoại tệ khủng cùng việc thặng dư thương mại liên tục. Xin được nhắc là trên thị trường quốc tế, dầu mỏ thường được giao dịch bằng đồng USD.
Hiện dầu mỏ đóng góp đến 43% tổng GDP và 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cho Kuwait.
Nhờ sống trên mỏ dầu khí mà Kuwait có lượng tiền lớn. Tuy nhiên quốc gia này không cất tiền trong kho mà đem đi đầu tư. Quỹ Kuwait Investment Authority (KIA) là quỹ đầu tư quốc gia lớn thứ 3 trên thế giới và lâu đời nhất toàn cầu.
Được thành lập từ năm 1953, quỹ KIA đã đổ nguồn tiền thu được từ dầu mỏ của mình sang các thị trường Châu Âu, Mỹ và Châu Á Thái Bình Dương để sinh lời. Tính đến năm 2021, quỹ KIA nắm giữ khoảng 700 tỷ USD tài sản trên toàn cầu.
Quốc gia hạnh phúc
Bên cạnh đồng USD thì đồng Franc Thụy Sĩ (CHF) cũng được coi là một loại tài sản trú ẩn cho nhà đầu tư. Dù không được sử dụng phổ biến như đồng USD nhưng CHF vẫn được các nhà đầu tư tin tưởng nhờ nền kinh tế tăng trưởng của Thụy Sĩ.
Trong khi nền kinh tế toàn cầu trải qua nhiều biến động, từ Thế chiến cho đến khủng hoảng kinh tế thì kinh tế Thụy Sĩ vẫn vượt qua được với tổn thất nhỏ nhất. Thêm nữa, Thụy Sĩ là một trong số những nền kinh tế có tỷ lệ nợ công thấp.
Bất chấp cuộc khủng hoảng lạm phát và năng lượng hiện nay, mức nợ công của Thụy Sĩ vẫn chưa vượt 30% GDP, thấp hơn nhiều so với 116,3% của Pháp và 153,5% của Italy.
Trong năm 2020 khi đại dịch bùng nổ, Thụy Sĩ đã nhận được 1.216 tỷ CHF vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đồng thời đem đi đầu tư 1.460 tỷ CHF ra toàn cầu.
Một yếu tố nữa khiến đồng CHF ổn định được là do chế độ chính trị cân bằng, qua đó giúp nước này tránh được những bất ổn vĩ mô cho đồng tiền.
Cuối cùng, chính lịch sử ổn định của Thụy Sĩ là một minh chứng đảm bảo cho sự yên tâm của nhà đầu tư. Vào thập niên 1920, hàng loạt đồng nội tệ Châu Âu sụp đổ theo chân đồng Mark Đức sau Thế chiến I. Siêu lạm phát tại Đức khiến 1 ổ bánh mỳ vốn có giá 1 Mark bị mất giá thành 750 triệu Mark chỉ trong 10 năm.
Trong giai đoạn này, đồng CHF của Thụy Sĩ trở nên nổi tiếng vì giữ được giá trị của mình nhờ có lập trường trung lập, qua đó thu hút được các nhà đầu tư quốc tế. Đến Thế chiến II, Thụy Sĩ tiếp tục ổn định được nền kinh tế nhờ bán nguyên vật liệu cho Đức Quốc Xã để đổi lấy vàng.
Thậm chí khi Thế chiến II kết thúc, Thụy Sĩ còn từ chối ký vào bản hiệp ước Bretton Woods về việc neo tỷ giá vào vàng, thế nhưng đồng CHF vẫn đắt giá nhờ sự ổn định của nó.
Sau khi hiệp ước Bretton Woods kết thúc vào năm 1971, nhà đầu tư tiếp tục đổ vào CHF dù nền kinh tế Thụy Sĩ gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp cao do khủng hoảng dầu mỏ.
Thế rồi liên tiếp những biến động năm 1987, thập niên 1990 diễn ra với nền kinh tế nhưng đồng CHF vẫn giữ được ổn định so với các đồng tiền khác.
Đặc biệt trong cuộc khủng hoảng 2008, Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ (SHB) đã phải hạ lãi suất xuống dưới 0% và đẩy một lượng lớn tiền ra thị trường. Bất chấp điều đó, đồng CHF vẫn giữ được giá trị và là tài sản trú ẩn của nhà đầu tư. Tỷ giá đồng CHF vẫn tăng so với Euro lẫn USD.
Tình hình này đã buộc SHB phải áp tỷ giá sàn với đồng Euro nhằm bảo vệ ngành xuất khẩu của mình khi đồng tiền tăng giá quá mạnh. Quy định này chỉ được gỡ bỏ vào năm 2015 sau khi tình hình đã ổn định trở lại.
Nhờ nền kinh tế ổn định như vậy mà Thụy Sĩ nhiều năm liền lọt top những quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới.
Theo Cafebiz
Leave a comment