Alan Phan, người gốc Việt đầu tiên hiến tinh trùng và làm cha của 23 đứa trẻ ở Úc, bị giới chức điều tra vì có quá nhiều con cái.
Alan Phan, 40 tuổi, ở thành phố Brisbane, đang bị Cơ quan Hỗ trợ Sinh sản bang Victoria (VARTA), cơ quan quản lý những người đăng ký hiến tinh trùng, điều tra. Alan, người đã có hai con riêng, hiến tinh trùng cho phụ nữ thông qua Phòng khám IVF Số 1 và Phòng Sinh sản thành phố ở Melbourne. Tuy nhiên, anh cũng hiến một cách phi chính thức thông qua nhóm trực tuyến Sperm Donation Australia. Những người đàn ông trong nhóm này có tính cạnh tranh rất cao.
Một số phòng khám báo với chính quyền rằng Alan đã hiến tinh trùng cho cả những trường hợp ngoài đăng ký và có thể đã tạo ra nhiều đứa trẻ hơn quy định. Theo luật của bang Victoria, một người chỉ được phép tạo ra 10 “gia đình”, bao gồm cả gia đình riêng của họ.
Phan cho biết anh cảm thấy rất khó từ chối những phụ nữ tuyệt vọng muốn có con và có ngày đã cung cấp tinh trùng cho 3 người phụ nữ.
“Khi tôi mới bắt đầu, tôi chỉ định hiến tinh trùng 9 lần. Khi kết thúc lần thứ 9, tôi nghĩ thế là đủ. Sau đó tôi nhận được tin nhắn từ một phụ nữ vào dịp Giáng sinh cho biết đã có thai và lần đó trở thành lần thứ 10 của tôi”, người đàn ông gốc Việt giải thích. “Tôi nghĩ, ồ, mình đã vượt quá giới hạn, mình sẽ giúp thêm vài người nữa và mọi việc vỡ lở. Một số người nhận tinh trùng ban đầu không vui về điều đó”.
Phan cho hay anh hiến tinh trùng như một sở thích, nhưng đó cũng giống như một công việc toàn thời gian. Anh phải kiêng hoạt động tình dục, tập thể dục tại phòng gym hàng ngày và bổ sung nhiều vitamin để đảm bảo tinh trùng khỏe mạnh.
Phan tự nhận anh là người đàn ông Việt Nam đầu tiên hiến tinh trùng ở Australia và nhu cầu tinh dịch của anh rất cao không chỉ vì tỷ lệ thành công lớn mà còn vì sắc tộc của anh.
“Tôi khá ngạc nhiên về sự quan tâm mà tôi nhận được”, anh nói.
Hiệp hội Sinh sản Australia yêu cầu các phòng khám sản không được tạo ra nhiều hơn số gia đình cho phép và con số giới hạn được đặt ra là 10. Các bang New South Wales, Victoria, Tây Australia và Nam Australia còn đề ra luật riêng quy định về số gia đình một người được có, trong đó Tây Australia chỉ cho phép 5 gia đình. Đàn ông hiến tinh trùng qua các phòng khám phải ký cam kết họ không vượt quá giới hạn.
Giám đốc điều hành VARTA, Louise Johnson, cho biết cuộc điều tra đang ở những bước đầu và họ cần đảm bảo không có thêm đứa trẻ nào được chào đời nhờ tinh trùng của Phan.
“Các phôi thai trong kho sẽ không được sử dụng”, bà Johnson nói. “Một khi một phòng khám biết rằng một người hiến tinh trùng đã tạo ra hơn 10 gia đình, họ không được tiếp tục sử dụng tinh trùng của người đó. Ngoài ra, khi một người hiến tặng đạt đến giới hạn 10 gia đình, phòng khám không được sử dụng phôi tạo ra bằng tinh trùng của người đó cho người nhận vốn chưa có con bằng tinh trùng của người hiến tặng”.
Bà Johnson cho biết “vô cùng buồn” khi Phan tiếp tục hiến tinh trùng cho rất nhiều người và nhấn mạnh điều quan trọng là người hiến phải trung thực. Việc cung cấp thông tin gây hiểu lầm cho phòng khám trong quy trình hiến tặng là vi phạm pháp luật.
Theo bà, giới hạn 10 gia đình được đưa ra nhằm ngăn chặn những người được hiến tặng có nhiều anh chị em sống trong cùng một cộng đồng với họ.
Người sáng lập nhóm Sperm Donation Australia, Adam Hooper, cho biết đàn ông thích hiến tinh trùng một cách cá nhân vì được lựa chọn người nhận. Họ cũng có thể thỏa thuận với người nhận về mức độ tiếp xúc với những đứa trẻ trong tương lai.
Stephen Page, chuyên gia luật gia đình, khuyến cáo các nhà tài trợ và người nhận tinh trùng nên đến phòng khám để đảm bảo an toàn. Những người đàn ông hiến tinh trùng ngoài phòng khám cần suy nghĩ cẩn thận, đặc biệt là nếu họ chọn hiến thông qua hình thức giao hợp.
“Luật trong lĩnh vực này không rõ ràng. Nếu những người đàn ông không cẩn thận, họ có thể phải chu cấp tiền nuôi con hoặc những đứa trẻ có thể được thừa kế tài sản của họ”, ông Page nói. “Ngay khi một người đàn ông quan hệ tình dục với một người phụ nữ, anh ta sẽ là cha cho dù muốn hay không”.
Theo Vnexpress