Home Tin Nước Úc Khi nào thì người dân Úc cần tiêm nhắc lại vắc-xin COVID-19?
Tin Nước Úc

Khi nào thì người dân Úc cần tiêm nhắc lại vắc-xin COVID-19?

Chương trình chủng ngừa tại Úc đã bắt đầu tăng tốc, đặc biệt là tại NSW và Victoria. Các loại vắc-xin Pfizer, Moderna và Astra Zeneca tiếp tục được chứng minh là có hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, nhập viện và tử vong. Thế nhưng hiện có những tranh luận về việc liệu người dân Úc có cần tiêm nhắc lại hay không?

Khi nào thì tôi cần tiêm nhắc lại?

Đầu tiên, chúng ta cần phải phân biệt giữa liều nhắc lại và liều thứ ba như một phần của đợt tiêm chủng ban đầu. Chúng là hai thứ rất khác nhau.

Một số người bị suy giảm miễn dịch có thể cần tiêm liều thứ ba như một phần của đợt chích ngừa COVID-19 chính của họ. Nói cách khác, liều thứ ba được tiêm gần liều thứ hai, nhằm cải thiện khả năng bảo vệ.

Liều nhắc lại được tiêm trễ hơn nhiều sau hai liều đầu tiên, giống với trường hợp của vắc-xin phòng bệnh uốn ván và ho gà. Tuy nhiên, hiện chưa rõ thời điểm nào là lý tưởng nhất – sáu tháng, tám tháng, hoặc lâu hơn – bởi vì quá trình nghiên cứu vẫn còn đang tiếp tục.

Theo nghiên cứu của Pfizer, việc tiêm liều bổ sung giúp gia tăng các kháng thể chống lại chủng virus ban đầu ở Vũ Hán, cũng như biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao. Cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu (EMA) cũng đã bắt đầu đánh giá đơn đăng ký sử dụng liều vắc-xin tăng cường của Pfizer.

Trong một bức thư gần đây gửi cho Tạp chí Y học New England, các bác sĩ và chuyên gia y tế công cộng tại Đại học California San Diego nói rằng dữ liệu của họ cho thấy hiệu quả của vắc-xin có thể suy giảm theo thời gian sau khi tiêm chủng.

Một số nhóm người nhất định trong xã hội có thể cần tiêm nhắc lại, chẳng hạn như người cao niên và nhân viên tuyến đầu. Cũng có những cuộc thảo luận về việc liệu những người bị ức chế miễn dịch nghiêm trọng có nên tiêm nhắc lại sau 6 tháng hay không.

Hoa Kỳ đang có kế hoạch cung cấp rộng rãi các liều vắc-xin tăng cường cho người dân từ tháng 9/2021 trở đi, bắt đầu từ 8 tháng sau khi tiêm liều thứ hai của vắc-xin Pfizer hoặc Moderna.

Kế hoạch này phụ thuộc vào việc liệu Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) có xác định liều thứ ba là an toàn và hiệu quả hay không, và dựa trên lời khuyên từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC).

Trong khi đó, người dân Israel có thể tiêm liều bổ sung 5 tháng sau khi tiêm liều thứ hai.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu gần đây cho biết không cần thiết phải tiêm nhắc lại cho các cá nhân đã được tiêm chủng đầy đủ.

Tôi có nên tiêm nhắc lại bằng một liều vắc-xin khác?

Có thể có những lợi ích khi tiêm nhắc lại bằng một loại vắc-xin khác với vắc-xin mà bạn tiêm lần đầu tiên. Giới khoa học cũng đang nghiên cứu những loại vắc-xin mới được thiết kế đặc biệt để nhắm vào các biến thể sau này.

Nhóm COV-BOOST tại Anh quốc đang thực hiện một thử nghiệm quan trọng nhằm tìm ra loại vắc-xin hiệu quả nhất để tiêm nhắc lại, tuỳ thuộc vào loại vắc-xin đã được sử dụng trong đợt tiêm chính.

Việc pha trộn và kết hợp các loại vắc-xin khác nhau có thể giúp cải thiện khả năng bảo vệ, nhưng nghiên cứu vẫn đang diễn ra và còn quá sớm để kết luận.

Hiệu quả của các loại vắc-xin COVID-19 sẽ tiếp tục được giám sát, đặc biệt đối với biến thể Delta và bất kỳ biến thể mới nào xuất hiện.

Trọng tâm vào thời điểm hiện tại vẫn là tăng tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu đối với các đợt tiêm chủng chính.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát biểu hồi tháng Tám: “Trong bối cảnh nguồn cung cấp vắc-xin toàn cầu hạn chế, việc tiêm nhắc lại sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng do thúc đẩy nhu cầu và tiêu thụ nguồn cung khan hiếm, trong khi các nhóm ưu tiên ở một số quốc gia hoặc địa phương vẫn chưa nhận được đợt tiêm chủng chính.”

Theo SBS

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...