Các nhà khoa học lý giải việc ồ ạt tích trữ giấy vệ sinh và nhu yếu phẩm xuất phát từ tâm lý đám đông, sự mâu thuẫn về thông tin và thiếu cam kết của chính phủ.
Khẩu trang và nước rửa tay là 2 mặt hàng được “vét sạch” đầu tiên khi trong vùng xuất hiện ca Covid-19, tiếp theo đó là giấy vệ sinh.
Các nhà bán lẻ ở Mỹ và Canada phải giới hạn số lượng mua giấy vệ sinh cho mỗi khách. Một số siêu thị ở Anh hết hàng. Các cửa hàng tạp hóa ở Australia thuê nhân viên bảo vệ để giám sát việc mua bán. Một tờ báo tại Australia thậm chí đã in thêm 8 trang để làm “giấy vệ sinh khẩn cấp” cho người đọc.
Các nhà khoa học tìm cách giải thích câu hỏi “tích trữ giấy vệ sinh để làm gì?”.
Một siêu thị tại Mỹ treo bảng “Chúng tôi đã hết nước, giấy vệ sinh và giấy ăn”, ngày 2/3. Ảnh: SCNG |
Steven Taylor, một nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học British Columbia, tác giả cuốn Tâm lý học đại dịch đưa ra góc nhìn lịch sử về cách mọi người phản ứng và đối phó với dịch bệnh. So sánh với các đại dịch trong quá khứ, ông chỉ ra rằng phản ứng toàn cầu đối với Covid-19 là “cơn hoảng loạn lan rộng”.
“Một mặt, phản ứng này là dễ hiểu, nhưng mặt khác nó quá cực đoan. Chúng ta có thể chuẩn bị mà không cần phải hoảng loạn”, ông nói.
Covid-19 khiến người dân các nước lo ngại vì nó chưa từng xuất hiện trước đây. Có nhiều điều về căn bệnh, khoa học chưa thể lý giải. Khi có tin tức mâu thuẫn về rủi ro mà virus gây ra, nhiều người có xu hướng phản ứng cực đoan.
Taylor chia sẻ: “Mọi người được thông báo điều gì đó nguy hiểm đang đến, nhưng tất cả những gì bạn cần làm là rửa tay, một hành động dường như không tương xứng với mối đe dọa. Họ nghĩ một mối nguy hiểm đặc biệt phải cần một biện pháp phòng ngừa đặc biệt”.
Lý do khác là thiếu thông tin từ chính phủ. Một số quốc gia đã áp dụng biện pháp cách ly diện rộng. Giáo sư Baruch Fischhoff, nhà tâm lý học tại Khoa Kỹ thuật và Chính sách công, Viện Chính trị và Chiến lược tại Đại học Carnegie Mellon cho biết những người mua giấy vệ sinh và đồ dùng gia đình có thể vì họ đang chuẩn bị phòng khi bị cách ly.
“Trừ khi người dân thấy tận mắt một cam kết chính thức rằng tất cả sẽ được chăm lo đầy đủ, họ thường phỏng đoán xác suất cho nhu cầu cần thêm giấy vệ sinh, sớm còn hơn muộn. Thực tế, việc không đưa ra cam kết sẽ làm gia tăng khả năng phỏng đoán này”, Giáo sư Baruch Fischhoff nói.
Steven Taylor cũng cho biết mua sắm cực đoan còn xuất phát từ tâm lý đám đông. Hình ảnh các kệ trống và giỏ mua hàng chất đống nhu yếu phẩm tràn ngập tin tức và mạng xã hội. Người dùng khác nhìn thấy cũng hoảng loạn và bắt đầu đi tích trữ hàng hóa.
“Con người là những sinh vật xã hội, chúng ta nhìn vào những người xung quanh để nhận biết tín hiệu cho điều gì an toàn và điều gì nguy hiểm. Nhìn thấy ai đó mua sắm trong hoảng loạn có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền”, ông nói.
Phương tiện truyền thông xã hội đóng một vai trò rất quan trọng trong việc lan tỏa nỗi sợ thời đại dịch. Thông tin sai lệch và các diễn đàn mở khuếch đại sự hoảng loạn.
Trên thực tế, tâm lý muốn chuẩn bị quá mức cần thiết là hoàn toàn tự nhiên.
Frank Farley, giáo sư tại Đại học Temple kiêm cựu chủ tịch Hiệp hội Tâm lý học Mỹ nói rằng việc tích trữ cũng có một số ý nghĩa thực tiễn. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và các cơ quan y tế quốc tế khác hiện đang khuyến cáo người dân nên ở nhà và tránh tiếp xúc đám đông. Việc chuẩn bị là điều dễ hiểu.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ khuyến nghị người dân nên tích trữ thực phẩm, đồ dùng vệ sinh và vật tư y tế ít nhất cho hai tuần. Song ông Taylor cho biết hầu hết mọi người không làm vậy. Nhận được khuyến cáo, họ đẩy nó đến mức cực đoan.
Fischhoff cho rằng việc tích trữ còn đem lại cho con người cảm giác kiểm soát đối với một tình huống có vẻ như bất lực.
“Tùy thuộc vào cách mọi người ước tính khả năng cần giấy vệ sinh, họ sẽ không ngại khó khăn để mua chúng. Nếu điều này mang lại cảm giác rằng họ đã làm mọi thứ trong khả năng, giúp giải phóng tâm trí, để họ nghĩ về những thứ khác ngoài dịch bệnh”, ông nói.
Taylor cho biết, những người mua gom nhu yếu phẩm đang nghĩ về bản thân và gia đình họ thay vì các nhân viên y tế hoặc người bệnh.
Ông nói: “Tất cả do tâm lý lo xa. Mọi người trở nên sợ hãi trước khi bị lây nhiễm. Họ không nghĩ về bức tranh lớn hơn, giống như hậu quả của việc dự trữ giấy vệ sinh là gì.”
Theo Vnexpress