Số liệu mới nhất về sinh viên đại học đã làm dấy lên cuộc tranh luận mới về động thái thu phí gây tranh cãi của Chính phủ Liên bang. Với chi phí đăng ký khóa học thấp hơn, Tổng trưởng Giáo dục cho biết nỗ lực định hướng sinh viên vào các lĩnh vực việc làm quan trọng đang mang lại hiệu quả. Nhưng các nhà phê bình nói rằng chính sách này sẽ là gánh nặng cho một số sinh viên tốt nghiệp với khoản nợ phải trả trong hàng chục năm.
Sau nhiều năm học hàng chăm chỉ ở bậc trung học, Will Chen đã đạt kết quả tương xứng khi anh được nhận vào đồng thời hai ngành Luật và Trí tuệ sáng tạo và đổi mới tại Đại học Công nghệ Sydney.
Nhưng với học phí đại học mới tăng lên, chàng trai 18 tuổi sẽ phải chịu gánh nặng tài chánh.
“Tôi nghĩ rằng tôi sẽ phải trả thêm tổng cộng khoảng 20 ngàn đô la, nên chắc chắn đó là điều mà tôi phải cân nhắc. Nhưng về lâu dài tôi hy vọng có thể trả hết nợ nếu tôi kiếm được một công việc tốt và làm được những gì tôi muốn.”
Nhà nghiên cứu giáo dục của Đại học Quốc gia Úc, ông Andrew Norton cho biết dữ liệu sơ bộ về hồ sơ đăng ký đại học năm 2021 cho thấy một gói hỗn hợp cho đợt khởi động khóa học được thiết kế để hướng sinh viên tốt nghiệp theo hướng việc làm trong tương lai.
“Dường như một số khóa học về giáo dục đã trở nên rẻ hơn nhiều, khi nhu cầu gia tăng khá lớn. Còn các khóa học khác đang được cố gắng quảng bá như kỹ thuật hoặc khoa học thì có mức phí tăng tương đối ít.”
Học phí giảm đã dẫn đến việc tăng vọt số đơn xin nhập học vào các khóa như nông nghiệp và nghiên cứu môi trường, y tế, giáo dục và đào tạo, kiến trúc và xây dựng.
Ngược lại, mức phí tăng 28% của các khóa học quản lý và thương mại đã dẫn đến số lượng xin nhập học giảm 4,6%.
Tuy nhiên, mức tăng học phí hơn 100% đã không thể ngăn cản sinh viên theo đuổi các ngành xã hội và văn hóa.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục Alan Tudge, mục đích của Chính phủ là khuyến khích nhiều sinh viên tham gia các khóa học với cơ hội kiếm việc làm tốt nhất và chính sách đó đang diễn ra một cách suôn sẻ.
Ông nói rằng tất cả các nỗ lực chỉ nhằm mang lại cho người Úc những kỹ năng và trình độ cần thiết để có được việc làm trong quá trình phục hồi kinh tế hậu COVID.
Các trường đại học cho biết sẽ không xác định được bức tranh tuyển sinh thực sự cho đến khi số lượng khóa học được chốt vào tháng tới, trong khi các nhà phê bình đặt câu hỏi về tính công bằng và hiệu quả của chính sách học phí mới của chính phủ.
Ông Andrew Norton nói rằng một số sinh viên tốt nghiệp sẽ phải gánh chịu các khoản vay sinh viên trong hàng chục năm.
“Một số sinh viên có thể sẽ mất 20 đến 30 năm để trả món nợ học phí, trong khi những sinh viên khác sẽ có thể trả hết trong vòng 4 đến 5 năm, và tôi không nghĩ rằng đó là chính sách xã hội tốt để đạt được một sự thay đổi khá nhỏ trong mô hình tuyển sinh.”
Dù thế nào thì chàng sinh viên Will Chen cũng không suy nghĩ quá nhiều về gánh nặng tài chánh trước mắt.
“Rõ ràng là tôi sẽ phải trả rất nhiều tiền, nhưng hiện tại tôi hài lòng với việc học của mình, tôi sẽ cố gắng hoàn thành khóa học, và điều gì đến sẽ đến, sau đó tôi sẽ lo lắng về việc trả nợ vay.”
Theo SBS
Leave a comment