Không ít nhân tài du học về nước đã không tìm được chỗ đứng, hoặc không thích nghi được với môi trường làm việc của quốc gia “đang phát triển”. Nhưng vẫn có nhiều người tuy rất thành công ở nước ngoài nhưng vẫn quyết định về để đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Từ bỏ danh vọng để về nước cống hiến
Nhiều người Việt Nam không hề biết đến cái tên Đỗ Hoài Nam, bởi lẽ anh đã xa xứ từ gần 20 năm trước theo chương trình học bổng toàn phần của Chính phủ Úc dành cho những sinh viên giỏi có tố chất đặc biệt để làm lãnh đạo, tại Đại học RMIT (Úc). Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Hoài Nam đã cùng với một người bạn thành lập Công ty SASme, chuyên cung cấp công nghệ truyền tin nhắn cho các công ty viễn thông lớn ở Úc, châu Á và châu Âu. Năm 2003, anh đã quyết định bán SASme và thành lập Emotiv Systems cùng 3 người Úc. Sản phẩm của Emotiv Systems đã được cả thế giới ghi nhận: Thiết bị “đọc” não người, được hầu hết các viện nghiên cứu và trường đại học trên thế giới sử dụng. Được tôn vinh là 1 trong số 60 công ty triển vọng nhất Silicon Valey, trường hợp Emotiv Systems đã được đưa vào giảng dạy tại khoa kinh tế Đại học Harvard và sản phẩm của Công ty được đạo diễn James Cameron sử dụng để đo cảm xúc của người xem trước khi công chiếu bộ phim “Avatar”.
Cuối năm 2010, Đỗ Hoài Nam quyết định trở về nước Việt Nam mở công ty truyền thông vào tháng 3/2011, công ty anh đã mời được ban nhạc đình đám Backstreet Boys đã tới Việt Nam biểu diễn. Tháng 7/2015 Đỗ Hoài Nam thành lập ra Startup Warriors, đây là cộng đồng những nhà sáng lập các công ty khởi nghiệp đầu tiên tại Việt Nam.
Nói về quyết định về Việt Nam để phát triển sự nghiệp, Đỗ Hoài Nam chia sẻ, ước nguyện của mình là được làm những công việc yêu thích, luôn đam mê với các thử thách. Chia sẻ về việc những tài năng đi du học và câu chuyện ở lại hay về nước lập nghiệp, Đỗ Hoài Nam cho rằng: “Việc lựa chọn học tập, làm việc ở nước ngoài hay trở về nước tùy thuộc vào quan điểm, trải nghiệm của mỗi người. Người tài cần phải được chứng minh bằng đóng góp cho xã hội, có thành quả được ghi nhận. Nhiều bạn đi du học chưa có nhiều thông tin để thực sự hiểu về đất nước, những ưu điểm cũng như bất cập nên cách lựa chọn chỉ có thể dựa vào thông tin mình có. Vì vậy, việc họ ở lại cũng là dễ hiểu. Trên thực tế, ở nơi kém hoặc đang phát triển thì càng mở ra nhiều cơ hội. Nếu giải quyết được một bất cập thôi là đã có thể thành công”.
Thất bại không phải do “môi trường”
Nguyễn Chí Hiếu – chàng sinh viên trong top 3 sinh viên giỏi nhất nước Anh năm 2004, sau nhiều năm làm trong lĩnh vực tài chính ở Mỹ, Anh nhưng trong Hiếu vẫn luôn thôi thúc muốn về quê hương lập nghiệp theo con đường riêng.
Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ: “Đã có lúc tôi nghĩ mình khi trở về nước sẽ không thích nghi được với cuộc sống, công việc sau một thời gian học tập và làm việc ở nước ngoài. Nhưng khi trở lại, tôi đã theo đuổi được mong ước của mình và cống hiến cho những việc cần làm trong cuộc đời của mình”.
Trước thực tế người tài ở Việt Nam đi du học thường ít người trở về phục vụ đất nước, PGS.Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, “lẽ ra người tài phải phục vụ đất nước, nhưng người tài của chúng ta chỉ thích ở nước ngoài đó là một thực tế buồn. Ông cha ta đã có câu “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, trước thực trạng hàng năm nước ta tiêu tốn rất nhiều tiền của du học, nhưng rất ít du học sinh mang những điều học được ở các nước tiên tiến về xây dựng, phát triển đất nước”.
“Tôi cho rằng cách sử dụng người tài của nước ta và môi trường hoạt động không tạo điều kiện để họ phát triển khả năng nên họ không về. Chính sách đãi ngộ hiện nay còn bất cập, đãi ngộ không đủ họ nuôi con, chi phí sinh hoạt thì sao họ yên tâm công tác. Đó là thực tế, nhưng bản thân người tài thì đi đâu, ở đâu cũng sống rất đàng hoàng, đầy đủ. Theo đó, muốn thu hút người tài một cách thực sự thì hãy cho họ một môi trường làm việc tốt, được coi trọng đúng mức”, PGS Trần Xuân Nhĩ cho biết thêm.
Câu chuyện của những nhà leo núi trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, 12/13 gương mặt đi du học ở Úc và không trở về được xem như là điển hình cho việc “ngại” quay về của du học sinh sau khi tốt nghiệp. Cùng với “lùm xùm” câu chuyện TS. Doãn Minh Đăng (Đại Học Kỹ Thuật – Công Nghệ Cần Thơ) cho là bị “o ép”, khó phát triển tài năng… đã dấy lên làn sóng tranh luận từ việc những người tài trở về nước làm việc sẽ là một thất bại? Có muôn vàn lý do được “mổ xẻ”, có nhiều người thất bại, nhưng thực tế không ít du học sinh trở về nước để lập nghiệp và thành công.
Theo Quang Anh – Báo Gia đình & xã Hội.