Trước khi sang Đài Loan làm việc, Nguyễn Thị Tuyết, 23 tuổi, được hứa hẹn mức lương tương đương 30 triệu đồng một tháng cho công việc trong ngành thực phẩm.
Nhưng tới nơi, cô chỉ nhận lương 15 triệu đồng.
“Em đi lao động qua môi giới, được người thân giới thiệu cho… Không phải tháng nào cũng đủ 15 triệu, có tháng chỉ được 10-11 triệu, vì ít việc, mức lương không đều”, cô nói.
Tuyết là một trong những khách mời đến từ tỉnh Phú Thọ tại buổi trao đổi gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về chủ đề lao động di cư.
Các chuyên gia của ILO và các khách mời nói người lao động di cư Việt Nam gặp nhiều rủi ro khi tìm cơ hội ra nước ngoài làm việc thông qua các công ty môi giới, như thông tin thiếu minh bạch, bị thu phí quá quy định, gánh nặng nợ nần.
Nợ càng lớn, nguy cơ càng cao là họ phải bỏ việc, cư trú bất hợp pháp, rơi vào cảnh bóc lột, lao động cưỡng bức. Luật về Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng – một bộ luật mới vừa được Quốc hội thông qua vào tháng 11 nhằm bảo vệ lao động di cư Việt Nam – sẽ có hiệu lực từ năm 2022, theo các chuyên gia.
Lao động Việt Nam chịu phí cao so với khu vực
Năm nay, việc ra nước ngoài làm việc của người lao động Việt Nam đang bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, nhưng trong các năm trước đó, chi phí mà lao động di cư Việt Nam phải trả để ra nước ngoài “là khá cao so với người lao động từ các nước khác”, theo Jane Hodge, chuyên gia từ “Dự án Luật 72” của ILO (luật 72 là luật của Việt Nam về lao động di cư theo hợp đồng).
“Đa số phải vay mượn từ ngân hàng, người thân, bạn bè, hoặc thế chấp nhà, đất”, bà Hodge nói. “Chi phí tuyển dụng cao đồng nghĩa với khả năng cao hơn là người lao động sẽ ở lại quá hạn hoặc bỏ việc ra ngoài, nhất là ở các thị trường có thu nhập cao”.
Một lao động di cư Việt Nam bị mất việc do đại dịch Covid-19, đang học tiếng Nhật ngày 2/7 tại đền Nisshinkutsu (ở Tokyo), đang là nơi tạm trú của nhiều lao động Việt Nam gặp khó khăn. Ảnh: Reuters. |
Chẳng hạn, người lao động Việt Nam phải trả khoảng 4.000-7.000 USD chi phí để sang Đài Loan làm công việc giúp việc hoặc nhà máy, trong khi người Philippines trả khoảng 1.300-3.200 USD, người Thái Lan trả 2.000-2.700, theo khảo sát của Nhóm Công tác Mở về Tuyển dụng Lao động Di cư – gồm các tổ chức quốc tế hoạt động về lao động di cư.
Chi phí tuyển dụng mà lao động Việt Nam phải trả cũng thường vượt quá mức trần quy định, theo ILO. Chẳng hạn, thực tập sinh kỹ năng Việt Nam sang Nhật Bản trả khoảng 7.000 USD phí tuyển dụng, so với mức trần quy định 3.600 USD.
Vấn đề thu phí cao hơn quy định ở Việt Nam cũng được báo cáo Trafficking in Persons 2020 của Bộ Ngoại giao Mỹ, về tình trạng mua bán người trên thế giới, nhắc tới. “Nhiều người lao động chịu các khoản nợ lớn và có nguy cơ cao hơn rơi vào cảnh lao động cưỡng bức”, báo cáo này viết về Việt Nam.
Lê Thành Trung, 40 tuổi, từng có nhiều năm lao động tại Hàn Quốc, cho biết chi phí sang Hàn Quốc quá cao hoặc cám dỗ của đồng tiền khiến một số người lao động Việt Nam bỏ việc để đi làm bất hợp pháp.
“Ra ngoài có khi việc chưa thấy đâu, lại cờ bạc, lêu lổng, phức tạp… Chẳng hạn, ra ngoài nếu mình tai nạn lao động thì thiệt cho mình. Nhiều trường hợp người nhà gửi tiền cho mới về (nước) được… Nhiều người nợ nần, ăn trộm, ăn cắp, ảnh hưởng tới những người đang làm theo hợp đồng, hoặc những người sắp sang”, anh trả lời Zing.
“Mong sao ít người bỏ trốn để những người sau muốn đi còn đi được. Hàn Quốc mà cắt nguồn lao động thì rất phí cho lao động Việt Nam”, Dương Mạnh Tiến, 38 tuổi, một lao động sang Hàn Quốc và đã về nước, cho biết.
Theo Bộ Tư pháp Nhật Bản, trong tổng số 9.052 thực tập sinh nước ngoài trốn khỏi nơi làm việc ở Nhật vào năm 2018, có 64% là người Việt Nam (5.801 người), gấp 3 lần so với năm 2016 (2.025 người).
Nhân viên của đền Nisshinkutsu đang an ủi một lao động di cư người Việt vừa tới xin hỗ trợ ngày 2/7. Ảnh: Reuters. |
Phùng Hương Thảo, 26 tuổi, có hơn 6 năm sống và học tập ở Nhật Bản, cho biết: “Những người sống bất hợp pháp mang lại hệ lụy cho những người sống hợp pháp chúng mình… gần đây Nhật Bản bắt rất nhiều người Việt Nam ăn trộm gia súc, buôn ma túy, trồng cần sa, các trường hợp đều đưa lên thời sự, ảnh hưởng đến người Việt đang sinh sống ở Nhật”.
Các thực tập sinh Việt Nam ở Nhật thường bị phạt 4.000-5.000 USD nếu phá vỡ hợp đồng, khiến họ có nguy cơ cao hơn từ lao động cưỡng bức, báo cáo Trafficking in Persons cho biết, dẫn thông tin từ các NGO và truyền thông Nhật Bản.
Đối với Tuyết, dù cho rằng mình được cung cấp thông tin không chính xác, cô nói vẫn dự định quay lại Đài Loan qua công ty môi giới vì được ký làm việc thêm ba năm nữa.
“Lần này em cũng qua môi giới, nhưng phí cụ thể bao nhiêu thì em cũng chưa biết”, cô nói.
Người lao động Việt Nam tại một cuộc biểu tình phản đối phí môi giới bất công và điều kiện lao động tồi tệ ở Đài Bắc. Ảnh: South China Morning Post. |
Bà Hodge cho biết dịch Covid-19 đang khiến các lao động Việt Nam đang gặp khó khăn “ở mọi chặng của quá trình đi lao động”.
“Một số người lao động giờ đây không được đưa ra nước ngoài làm việc nữa, và họ vẫn phải trả nợ dù không có thu nhập. Những người ở nước ngoài không thể về nhà vì các hạn chế đi lại, không được cung cấp đồ bảo hộ, gặp nguy cơ cao”, bà nói.
“Những người đã làm hết hợp đồng… có thể trở thành người nhập cư không hợp thức, rơi vào những tình cảnh nguy hiểm, yếu thế”.
Theo các nhóm nhân quyền, các vụ bóc lột lao động di cư thường được báo cáo ở Đài Loan, nơi đang có 600.000 lao động nước ngoài làm công việc đánh cá, chăm sóc, xây dựng, nhà máy. Ảnh: AFP. |
Luật mới đặt mục tiêu giảm chi phí
Tính đến tháng 3/2020, có khoảng 560.000 người Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 nước trên thế giới, theo ILO. Ước tính, năm 2018, cả nước có hơn 140.000 lao động đi làm việc theo hợp đồng lao động ở nước ngoài, tăng 7% so với năm 2017.
Nhưng các con số trên không tính số lượng đáng kể người lao động ra nước ngoài một cách không hợp thức, không có giấy tờ hợp pháp.
Đầu tháng 12, Thanh tra Chính phủ chỉ ra một số sai phạm của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) trong việc đưa người lao động đi nước ngoài theo diện hợp đồng.
Chẳng hạn, Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng các công ty môi giới lao động Đài Loan và Việt Nam khi ký hợp đồng với nhau thì đều quy định “tiền môi giới” với người lao động, vượt ngoài khoản “phí phục vụ hàng tháng” được phép. Thực trạng này diễn ra từ năm 2002 nhưng Cục Quản lý lao động ngoài nước chưa có biện pháp giải quyết, đàm phán với phía Đài Loan để xử lý, báo Pháp luật TP.HCM đưa tin.
Tương tự, đối với thị trường Nhật Bản, cục này chưa có biện pháp loại bỏ môi giới trong chương trình thực tập sinh, dù đã ký biên bản với phía Nhật từ năm 2000 để phối hợp loại bỏ môi giới.
Hàng nghìn người Việt Nam đang được tuyển qua Nhật Bản để làm công việc chăm sóc người già. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Một luật mới, mang tên “Luật về Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” (luật 69), được Quốc hội thông qua ngày 13/11, với mục tiêu giảm tình trạng lạm thu chi phí tuyển dụng. Luật sẽ có hiệu lực ngày 1/1/2022.
ILO hoan nghênh bộ luật này trong một tuyên bố gần đây, cho biết luật mới loại bỏ “phí môi giới” mà người lao động phải trả cho các doanh nghiệp dịch vụ (tư nhân), và cấm việc thu “phí dịch vụ” khi đi qua các đơn vị sự nghiệp (nhà nước) – các loại phí này được cho phép trong luật hiện hành.
Luật 69 cũng quy định “phí dịch vụ” không được vượt quá mức trần ba tháng lương. Các doanh nghiệp dịch vụ có thể bị thu hồi giấy phép nếu thu phí không đúng quy định, quảng cáo gian dối hoặc dùng các thủ đoạn lừa gạt khác để tuyển dụng lao động, theo tuyên bố của ILO.
Người Việt sống ở Nhật đón Tết Nguyên Đán tại một nhà thờ ở Kawaguchi, gần Tokyo ngày 10/2/2019. Ảnh: Reuters. |
Nguyễn Thị Mai Thủy, điều phối viên của “Dự án Luật 72” của ILO, nêu xu hướng đang có thêm những “đơn hàng không phí” từ bên sử dụng lao động (tức không thu phí môi giới) – kết quả là có rất ít trường hợp bỏ trốn, cho thấy lợi ích mà mô hình này đem lại cho người lao động.
“Người lao động chúng ta đang phải trả phí cao nhất so với các nước khác… Không phải cứ trả phí cao là công việc tốt, lương cao. Trả phí cao thì khả năng phải bỏ trốn rất cao”, bà Thủy nói.
Bà cho biết trước khi luật 69 có hiệu lực, trong năm 2021, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể hơn.
Bà nói thêm luật mới quy định các doanh nghiệp môi giới phải chịu trách nhiệm về sai phạm của các chi nhánh. Các công ty sẽ phải minh bạch có bao nhiêu chi nhánh, đặt ở đâu – có thể khiến việc xác định vi phạm được dễ hơn. Người lao động có thể sẽ biết người đưa thông tin tuyển dụng có phải đúng từ chi nhánh không.
“Hiện giờ doanh nghiệp ghi trên trang web của Cục như thế này, nhưng đến thì có đâu. Giám đốc ghi trên trang web cũng không biết có đúng thế hay không”, bà Thủy nói.
Theo Zing
Leave a comment