Home Người Việt Năm Châu Một Giáng sinh lạ lùng của du học sinh Việt Nam
Người Việt Năm Châu

Một Giáng sinh lạ lùng của du học sinh Việt Nam

Dù phố xá vẫn lấp lánh ánh đèn và ấm sực mùi Giáng sinh, nhưng du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đang trải qua một mùa vọng lạ lùng khi các kế hoạch vui chơi đều chạy đua với lệnh giới nghiêm từ chính quyền sở tại.

Từ Âu sang Á, từ Bắc bán cầu xuống Nam bán cầu, các du học sinh Việt Nam đang đón một Giáng sinh khác xa tưởng tượng.

Phố xá lên đèn lung linh ở thành phố Cork, Ireland nhưng người tham quan ít hẳn so với mọi năm – Ảnh: CTV

Kế hoạch đổ bể

7h sáng 24-12, Nguyễn Thảo Hiền, sinh viên Viện Công nghệ Cork ở tây nam Ireland, hối hả dọn đồ cho chuyến du lịch chóng vánh lên thủ đô Dublin.

Kỳ nghỉ lễ đón năm mới và chuyến du lịch vòng quanh Ireland của Hiền và nhóm bạn đổ bể sau khi chính phủ nước này ra thông báo phong thành từ nửa đêm 27-12.

“Kế hoạch rong ruổi suốt một tháng nay cắt ngắn còn 3 ngày. Tôi và các bạn phải đảm bảo quay về Cork sáng 26-12 nếu không muốn vi phạm giới luật”, Hiền nói với Tuổi Trẻ Online.

Mới sang Ireland được 4 tháng, Hiền đã “nếm mùi” cách ly xã hội hai lần. Sau đợt cách ly thứ hai vào cuối tháng 11, không khí đã rất chộn rộn, mọi người đổ xô đi mua sắm cho dịp lễ lớn nhất năm.

“Vào thời điểm đó mỗi ngày chỉ 100 – 200 ca COVID-19, nhưng một tuần nay con số đã tăng vọt lên 1.000 ca/ngày. Chủng virus corona mới ở Anh cũng được ghi nhận ở Ireland, vì thế chính quyền ban bố lệnh giãn cách xã hội rất nhanh chóng”, Hiền chia sẻ.

Dù phố xá đèn hoa lộng lẫy nhưng lượng người ra đường hưởng không khí Giáng sinh vãn hẳn so với mấy tuần trước. Lệnh giãn cách dự kiến được nới lỏng vào ngày 7-1-2021, khi kỳ nghỉ lễ đã qua.

Trong khi đó tại New York, Đỗ Thu Vân, sinh viên The New School, đang trải qua một mùa Noel lặng lẽ nhất trong suốt 7 năm ở Mỹ khi phiên chợ Giáng sinh ở quảng trường Union gần nhà – một trong những nơi đông đúc nhất thành phố này vào dịp lễ – không mở cửa.

Mọi người cũng không ai dám đến thăm nhà nhau, Thu Vân nói qua màn hình. Các bạn bè người Mỹ cũng về quê, bạn cùng nhà duy nhất của cô đã về Việt Nam trên một chuyến bay giải cứu hồi tháng 11.

“Thường dịp này mỗi năm tôi sẽ đi trượt băng ở Bryant Park. Năm nay người ta vẫn tổ chức nhưng tôi quyết định ở nhà vì không có ai đi cùng”, Thu Vân giãi bày.

Cô nói “vẫn cảm thấy bình thường” vì gia đình không có truyền thống đón Giáng sinh. “Tuy nhiên những ngày tới có lẽ tôi phải xuống khu phố Tàu ăn uống vì phần lớn hàng quán bên đây sẽ đóng cửa qua dịp năm mới”, cô nói.

Quét mã QR trước khi vào nhà hàng ở thành phố Brisbane, bang Queensland, Úc – Ảnh: CTV

Quét mã truy vết

Ở phía nam bán cầu, Trần Vũ Bình, vừa tốt nghiệp Đại học Công nghệ Queensland, đang tận hưởng Giáng sinh đầy nắng với những “tập tục” chỉ mới du nhập từ đầu mùa dịch COVID-19.

“Khác biệt lớn nhất bây giờ có lẽ là đi đâu cũng phải quét mã QR, từ nhà hàng, quán ăn, siêu thị, tiệm cà phê”, Bình nói. Tất cả thông tin thu thập được đều đưa về chính phủ phòng trường hợp có ca nhiễm mới thì sẽ dễ dàng hơn trong việc truy vết.

Queensland, bang Bình sống, từ lâu không có ca nhiễm trong cộng đồng nên mọi thứ đã “tạm trở về trạng thái bình thường”.

“Phố xá đông đúc, mọi người cũng tham gia nhiều vào các hoạt động văn hóa văn nghệ và chuẩn bị để đón Giáng sinh trên các bãi biển”, Bình nói.

Mới hai tuần trước, ở thành phố Sydney, bang New South Wales (NSW) bùng lên một ổ dịch mới nên chính quyền Queensland cũng khuyến cáo người dân hạn chế đi tới NSW cũng như đóng cửa biên giới bang vào 2 ngày trước.

“Thay vào đó, Queensland khởi xướng một chiến dịch mang tên “Good to Go” – gợi ý cho người dân những điểm du lịch khám phá an toàn ngay trong bang mình cũng như nhắc nhở thường xuyên hơn về các biện pháp phòng dịch như quét mã QR, đeo khẩu trang và rửa tay”, Bình cho biết thêm.

Tại Hàn Quốc, Nguyễn Huyền Phương, đang theo học tại Trường Kinh doanh quốc tế SolBridge ở Daejeon, bắt đầu kỳ nghỉ đúng thời điểm chính phủ siết chặt quy tắc phòng dịch.

“Nhà hàng, quán ăn không được phép nhận nhóm khách trên 5 người. Hàng quán, rạp chiếu phim buộc đóng cửa sau 9h đêm. Dù phố xá, trung tâm thương mại vẫn được trang trí bắt mắt nhưng lượng khách ít hẳn, đâu cũng đìu hiu vì dịch bệnh và thời tiết lạnh lẽo”, Phương kể.

Theo kế hoạch, Phương sẽ cùng nhóm bạn du học sinh Việt Nam lên Seoul chơi và ăn uống, nhưng tình hình hiện tại thì “nhà nào biết nhà nấy”.

“Hội sinh viên ở trường cũng đã ra khuyến cáo ai muốn vui chơi thì chơi nốt hôm qua, từ hôm nay tất cả ở nhà”, cô nói.

‘Tồi tệ chỉ là cảm giác’

Từ thủ đô Tallinn của Estonia, Lê Huyền – thạc sĩ nghiên cứu ngành giáo dục người lớn để thay đổi xã hội, 25 tuổi – nói với Tuổi Trẻ Online cô đang trải qua những ngày buồn chán của quãng đời du học.

Dự định về Scotland làm khóa luận tốt nghiệp của Huyền bị lùi lại do tình hình dịch bệnh ở Anh diễn biến căng thẳng, trong khi đó người bạn cùng nhà đã về với gia đình ở một nước châu Âu nghỉ lễ.

Ngày Giáng sinh, 25-12 này, Huyền được mời đến một gia đình Việt kiều để ăn cơm. “Coi như là một niềm an ủi ấm áp”, Huyền nói và cho biết vừa mượn được một cây đàn ukulele để “giải sầu” cho qua cơn cuồng chân khi các kế hoạch du lịch đều bị gác.

“Có thời điểm tôi cảm thấy tồi tệ nhưng nhận ra tồi tệ chỉ là cảm giác. Chưa đến mức cô đơn, nhưng tôi có mong muốn được nói chuyện và chia sẻ nhiều hơn với người khác”, Huyền nói.

Cô nói bất ổn tâm lý là vấn đề mà nhiều du học sinh gặp phải do lo lắng về sức khỏe, bệnh dịch và trống trải trong thời điểm đoàn viên.

Theo Báo Tuổi trẻ

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *