Trong cấp độ song phương, các nhà nghiên cứu Úc cho rằng hai nước nên định hướng lại quan hệ kinh tế song phương thành ứng phó với những thách thức hiện tại trong đó bao gồm năng lượng, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu và an ninh lương thực.
Vào năm 2023 Úc và Việt Nam sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trước ngưỡng cửa mới, các nhà nghiên cứu tại Úc kêu gọi chính phủ nước này thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ với Việt Nam ở cả cấp độ khu vực và song phương và tìm kiếm cách thức hợp tác mới, phù hợp hơn với bối cảnh mới của khu vực và thế giới.
Trung tâm nghiên cứu Perth USAsia thuộc Đại học Tây Úc đã tiến hành một nghiên cứu để tìm hiểu về những lĩnh vực mà Úc muốn thúc đẩy với Việt Nam khi hai nước bước vào một ngưỡng cửa mới sau khi kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023. Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu quan điểm của chính quyền, các cơ quan nghiên cứu chiến lược và các doanh nghiệp để tìm ra mối quan tâm này. Kết quả của nghiên cứu này đã được Trung tâm nghiên cứu Perth USAsia chia sẻ ngày hôm nay tại hội thảo trực tuyến công bố báo cáo có tên gọi “Thu hút một Việt Nam chủ động: một chương trình nghị sự kinh tế thực dụng đối với Úc”.
Các diễn giả tham gia hội thảo.
Trong báo cáo này, hai nhà nghiên cứu Úc là tiến sỹ Huong Le Thu và nhà nghiên cứu Sonia Arakkal cho biết Việt Nam đang ngày càng trở thành đối tác quan trọng của các quốc gia trên thế giới với 3 lý do.
Thứ nhất Việt Nam đã chứng minh là một nền kinh tế năng động ở khu vực Đông Nam Á với một thị trường lớn và tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 7% trong năm 2022. Thứ hai, Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu với môi trường chính trị ổn định, lao động giá rẻ, có tay nghề và là địa điểm đầu tư yêu thích của các nhà đầu tư nước ngoài. Thứ ba, nền kinh tế năng động, chính sách đối ngoại hội nhập và việc tham gia vào các thỏa thuận thương mại quan trọng của khu vực như RCEP, CPTPP đã gia tăng tính cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực.
Trong bối cảnh thế giới và khu vực đang có nhiều thay đổi, nhà nghiên cứu Sonia Arakkal cho biết, Úc không thể chỉ tiếp tục áp dụng cách tiếp cận đã sử dụng trước đây mà cần mở rộng các chương trình hợp tác để giúp nước này đạt được các mục tiêu địa kinh tế. Trong bối cảnh này, các nhà nghiên cứu của Trung tâm Perth USAsia đề xuất Úc cần đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam ở cả cấp độ khu vực và song phương.
Ở cấp độ khu vực, các nhà nghiên cứu Úc nhấn mạnh nước này cần tiếp tục ủng hộ vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong khu vực, không chỉ trong khu vực truyền thống, các cơ chế đa phương mà cả trong các cơ chế kinh tế đa phương mới và cả các nhóm mới. Bên cạnh đó nhóm tác giả nghiên cứu cũng cho rằng Úc cần phối hợp với Việt Nam trong việc triển khai các các thỏa thuận kinh tế khu vực, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc thiết lập các cơ chế hợp tác mới như quan hệ đối tác Úc Mekong và quan hệ đối tác hạ tầng cơ sở cũng được đánh giá là rất cần thiết khi đáp ứng nhu cầu và sự quan tâm của Việt Nam.
Trong cấp độ song phương, các nhà nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Perth USAsia cho biết Úc nên định hướng lại quan hệ kinh tế song phương thành ứng phó với những thách thức hiện tại trong đó bao gồm năng lượng, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu và an ninh lương thực. Với thế mạnh là quốc gia có nguồn năng lượng dồi dào và có nhiều kinh nghiệm phát triển công nghệ năng lượng sạch, Úc có thể chia sẻ với Việt Nam và đưa Việt Nam trở thành bạn hàng của mình.
Là một quốc gia có nguồn tài nguyên dồi dào, Úc cũng thể lấp vào chỗ trống để cung cấp các nguyên liệu thô quan trọng mà Việt Nam khó tiếp cận khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành Trung tâm đổi mới công nghệ thực phẩm của khu vực Đông Nam Á nên Úc có thể chia sẻ kinh nghiệm của một quốc gia xuất khẩu lương thực để giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu này và đảm bảo an ninh lương thực trong bối biến đổi khí hậu đang tác động đến việc việc sản xuất lương thực.
Nhà nghiên cứu Sonia Arakkal cho biết Úc là quốc gia có nguồn dự trữ vốn lớn thứ tư thế giới song đầu tư của nước này vào Việt Nam lại ở mức khiêm tốn. Tiến sỹ Huong Le Thu cũng cho biết nếu so với các quốc gia tầm trung khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, đầu tư của Úc vào Việt Nam vẫn chưa thể bằng các quốc gia này. Vì vậy nhà nghiên cứu Sonia Arakkal cho răng chính quyền cần đóng vai trò tích cực trong các lĩnh vực mà hai nước có nhiều tiềm năng song chưa khai thác hết, trong đó có đầu tư và nhập khẩu.
Nhà nghiên cứu Sonia Arakkal.
Tham dự hội thảo, ông Andrew Parker, Ủy viên Thương mại và Đầu tư của bang New South Wales cho biết Việt Nam là một thị trường lớn, đồng thời mối liên kết giữa người dân hai nước cũng rất chặt chẽ khi có khoảng 300.000 người dân Úc có nguồn gốc Việt Nam, hơn 300.000 người Úc nói tiếng Việt tại nhà, và tiếng Việt là ngôn ngữ phổ biến thứ tư tại Úc. Tuy vậy, Việt Nam chưa nằm trong danh sách 10 đối tác thương mại lớn nhất của Úc và đầu tư của Úc vào Việt Nam cũng chỉ ở mức khiêm tốn với 1,4 tỷ AUD. Việt Nam đang cần rất nhiều nguồn vốn để phát triển nền kinh tế vì vậy các doanh nghiệp của Úc có rất nhiều cơ hội tại đây.
Ông Andrew Parker, Ủy viên Thương mại, Đầu tư bang New South Wales.
Ông Andrew Parker cũng nhấn mạnh thực tế trong 5 năm qua mọi người dân Úc đều thấy rằng phát triển kinh tế không thể nào tách rời các lợi ích về an ninh. Vì vậy việc Việt Nam vững mạnh và thành công cũng là điều mà Úc ủng hộ và quan tâm nên ông rất mong muốn các doanh nghiệp Úc quan tâm tới việc thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư để ủng hộ quá trình phát triển của Việt Nam./
Theo VOV.vn
Leave a comment