Một trường ở Úc cấm trẻ dùng điện thoại trong giờ học để giảm tình trạng bắt nạt và trốn học. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy lệnh cấm không thể cải thiện những bất cập này.
Vừa qua, trường Trung học Davidson ở Sydney (Úc) ban hành lệnh cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học. Trẻ có thể đưa điện thoại đến trường nhưng phải để trong túi có khóa kéo để tập trung cho việc học, theo The Conversation.
Hiệu trưởng David Rule của trường Trung học Davidson nói với The Sun-Herald rằng điện thoại di động là yếu tố cản trở việc học và khả năng tập trung trên lớp của trẻ, đồng thời làm trẻ bị suy yếu trí tuệ cảm xúc và kỹ năng xã hội. Ông nói thêm việc sử dụng điện thoại cũng góp phần trực tiếp vào xung đột giữa các học sinh.
Động thái của trường Trung học Davidson được đưa ra trong bối cảnh nhiều trường công lập và tư thục tại Úc cũng áp dụng lệnh cấm tương tự. Trước đó vào năm 2020, bang Victoria cấm học sinh tại các trường tiểu học và trung học sử dụng điện thoại di động. Đến tháng 5/2022, trường nữ sinh danh tiếng SCEGGS Darlinghurst cũng yêu cầu học sinh không được dùng điện thoại khi đến trường.
Nhiều trường ở Úc cấm học sinh dùng điện thoại. Ảnh: Adobe Stock.
Trường ban lệnh cấm, cha mẹ ủng hộ
Tại bang New South Wales, việc sử dụng điện thoại di động bị cấm ở tất cả trường tiểu học. Trong khi đó, các trường trung học được phép tự quyết định vấn đề này.
Người phát ngôn của cơ quan giáo dục bang New South Wales cho biết hiệu trưởng các trường trung học có toàn quyền quản lý việc trẻ sử dụng các thiết bị kỹ thuật số, sao cho đáp ứng đúng nhu cầu của trường học. Đến nay, nhiều trường trung học trong bang chọn cách hạn chế trẻ sử dụng những thiết bị này.
Lệnh cấm được các nhà trường và giáo viên ủng hộ vì họ lo ngại việc học sinh sử dụng điện thoại sẽ khiến các em bị phụ thuộc và trở nên thiếu tập trung khi lên lớp.
Phụ huynh cũng đồng tình với quan điểm này. Vào tháng 7, nhóm phụ huynh The Heads Up Alliance đã viết thư cho cơ quan giáo dục bang New South Wales, kêu gọi cơ quan này thắt chặt quy định về việc sử dụng điện thoại di động tại các trường trung học.
“Là cha mẹ, chúng tôi tận mắt chứng kiến vô số minh chứng về tác hại điện thoại thông minh và mạng xã hội gây ra cho con em”, người đứng đầu nhóm phụ huynh bày tỏ quan điểm.
Một bản kiến nghị trực tuyến nhằm kêu gọi các trường ở New South Wales cấm trẻ dùng điện thoại di động đã thu hút hơn 21.600 chữ ký. Một cuộc khảo sát khác với phụ huynh trường Trung học Davidson cũng cho thấy 89% phụ huynh ủng hộ chính sách này. Giáo viên đồng tình với quan điểm của phụ huynh, với điều kiện là trong những trường hợp cần thiết nhằm phục vụ cho việc học, trẻ vẫn được phép dùng điện thoại.
Dùng điện thoại không ảnh hưởng đến việc học của trẻ
Người lớn cho rằng lệnh cấm điện thoại là một cách khắc phục tình trạng học sinh bắt nạt bạn bè và bỏ học. Tuy nhiên, một kết quả được các nhà nghiên cứu Thụy Điển đăng tải trên ScienceDirect vào năm 2020 cho thấy việc cấm trẻ sử dụng điện thoại không thể giải quyết những bất cập nêu trên.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã theo dõi các hoạt động của các học sinh trung học trước và sau và sau khi thực hiện lệnh cấm dùng điện thoại di động. Sau khoảng một năm, nhóm nghiên cứu nhận thấy việc áp dụng lệnh cấm không tạo ra những thay đổi mới.
Nhìn chung, dùng điện thoại di động không làm gián đoạn việc trẻ tiếp thu kiến thức. Bắt nạt trực tiếp vẫn phổ biến ngay cả khi các em bị cấm dùng điện thoại. Vì vậy, việc buộc trẻ “cách ly” điện thoại trong 6 giờ mỗi ngày không giải quyết triệt để những lo ngại của phụ huynh, nhà trường.
Nhóm nghiên cứu cho rằng thay vì đặt lệnh cấm, các nhà giáo dục cần lưu ý những vấn đề lớn hơn.
Thứ nhất, trẻ đang sống trong một thế giới mất tập trung. Một khảo sát của Udemy năm 2018 cho thấy 36% những người thuộc thế hệ millennials và gen Z dành ra hơn 2 giờ mỗi ngày để kiểm tra điện thoại thông minh khi đang làm việc hoặc học tập. Khi đó, 40 giờ làm việc mỗi tuần bị giảm còn 30 giờ vì bạn đã bỏ ra 10 giờ chỉ để lướt điện thoại.
Nhiều trẻ có thói quen sử dụng điện thoại từ rất sớm. Ảnh: iStock.
Nhóm nghiên cứu nêu dẫn chứng trên với mục đích kêu gọi nhà trường dạy học sinh cách học tập và làm việc năng suất khi các em đang sống trong một thế giới ngập tràn công nghệ. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc trẻ được tự do làm mọi điều bằng điện thoại, ví dụ như cả ngày chỉ biết quay và lướt TikTok.
Thứ hai là những rủi ro về bảo mật thông tin trong thời đại số hóa. Một nghiên cứu của Internet Study Lab cho thấy 95% ứng dụng giáo dục được sử dụng trong trường học đã thu thập dữ liệu cá nhân của học sinh và bán lại cho bên thứ ba.
Do đó, nhóm nghiên cứu tin rằng học sinh cũng cần được dạy cách quản lý thông tin, hiểu về hồ sơ thương mại và đề phòng những rủi ro khi bị rò rỉ thông tin.
Ngoài ra, nhà trường và phụ huynh cần hiểu bắt nạt có thể xảy ra mọi nơi, ngay tại trường học hoặc trên mạng. Cấm điện thoại chỉ là giải pháp ngắn hạn, trẻ vẫn phải đối mặt với những vấn đề phức tạp liên quan các thiết bị công nghệ.
Người lớn cần tôn trọng trẻ
Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, nhiều quốc gia phải phong tỏa, trẻ trở nên phụ thuộc vào thiết bị di động. Điện thoại vừa là người bạn, cũng là công cụ để các em học tập, giao tiếp xã hội và giải tỏa căng thẳng.
Khi xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, trẻ trở lại cuộc sống học tập như trước đây. Các em sẽ phải mất một khoảng thời gian để làm quen với việc không thể dùng điện thoại 24/7 như trước. Nếu người lớn đặt lệnh cấm ngay, trẻ dễ hình thành suy nghĩ thiết bị các em đang dùng hàng ngày là sai trái hoặc có hại.
Thay vì áp đặt lệnh cấm cực đoan, người lớn cần xây dựng niềm tin cho trẻ và dạy các em những kỹ năng, thói quen tích cực để sử dụng thiết bị công nghệ theo cách phù hợp, hữu ích. Thiết bị công nghệ sẽ không gây hại, trái lại sẽ có ích cho cuộc sống nếu trẻ dùng đúng cách.
Không chỉ trong cuộc sống đời thường, trẻ cũng cần được dạy những bài học về điện thoại di động khi lên lớp. Nhà trường nên tạo ra những bài học hoặc hướng dẫn cụ thể liên quan điện thoại và những vấn đề xung quanh, ví dụ như cách ứng phó khi bị rò rỉ thông tin hoặc bị bắt nạt qua mạng.
Theo Zingnews.vn
Leave a comment