Home Giáo Dục Ngành công nghiệp tiền tỷ giúp sinh viên Úc gian lận thi online
Giáo Dục

Ngành công nghiệp tiền tỷ giúp sinh viên Úc gian lận thi online

Những công ty cung cấp nền tảng gian lận cho các kỳ thi online đạt mức doanh thu kỷ lục với hàng triệu người đăng ký sử dụng.

Khi cả thành phố chìm vào giấc ngủ, Ramesh (du học sinh tại Úc) lại đang tất bật làm bánh mì kẹp thịt cho khách. Nam thanh niên làm ca đêm tại một cửa hàng bán đồ ăn nhanh tại địa phương. Khi đồng hồ điểm 7h30, Ramesh lại tất bật chạy đến giảng đường lúc 9h. Gần như ngày nào Ramesh cũng muộn học.

“Tôi luôn muộn học vì cơ thể không cho phép tôi đi học đúng giờ. Nếu bạn làm việc xuyên đêm, bạn không thể đến lớp lúc 9h”, Ramesh nói với ABC.

Được biết, Ramesh đã vay một khoản 50.000 AUD để phục vụ cho việc du học tại Úc. Điều này đồng nghĩa với việc anh không được phép bỏ cuộc hay để trượt môn. Tuy nhiên, người này cũng không thể đánh mất công việc hiện tại.

Là sinh viên quốc tế, Ramesh không nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ giống như sinh viên trong nước. Trong lúc tuyệt vọng, nam sinh đã tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Anh gian lận khi thi online.

“Điều này không chỉ đơn giản là cám dỗ, bạn phải làm như thế mới qua môn được”, nam sinh nói.

Những trang web “trá hình” giúp sinh viên gian lận

Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, học sinh, sinh viên ở nhiều nơi (trong đó có Úc) phải học và thi dưới hình thức trực tuyến. Nhờ đó, những người chật vật trong thi cử như Ramesh lại có thêm “đồng minh” mới – những công ty hỗ trợ gian lận ẩn dưới vỏ bọc là trang web hỗ trợ học tập.

Tại Úc, những công ty này được gọi là các “nhà máy gian lận”. Họ tiếp thị sản phẩm của mình là công cụ hỗ trợ học tập. Thực tế, nguồn thu lớn nhất của họ lại từ việc giúp sinh viên gian lận, nhất là trong thời gian bùng nổ học và thi online.

Ước tính, trong một tháng duy nhất vào năm 2020, những trang web này thu hút khoảng 7,3 triệu lượt truy cập từ sinh viên Úc, tăng 50% so với năm 2019. Những tháng sau đó, lượt truy cập hàng tháng đã giảm đi, nhưng vẫn ở mức cao hơn so với thời điểm trước đại dịch, khoảng 5,9 triệu lượt.

trang web giup sinh vien gian lan anh 1

Trang web giúp sinh viên gian lận khi thi online ở Úc. Ảnh: ABC.

Trong số những công ty gian lận, nổi tiếng nhất với sinh viên Úc là Chegg, công ty với khẩu hiệu “Study time, crunch time, anytime” (tạm dịch: Thời gian học tập, giai đoạn nước rút, bất cứ lúc nào). Hầu hết sinh viên tại Úc từng một lần truy cập và sử dụng trang web này.

Chỉ với khoảng 10-20 AUD, sinh viên có thể đăng tải các câu hỏi và nhận câu trả lời chính xác trong vài phút. Nhiều người truy cập trang web này ngay trong các giờ thi, bất chấp nguy cơ bị các phần mềm chống gian lận bắt được.

“Chegg không phải một trang web cung cấp dịch vụ học tập hợp pháp, nơi này chủ yếu cung cấp những dịch vụ gian lận. Lợi nhuận của họ đến từ việc giúp sinh viên gian lận”, giáo sư Phillip Dawson tại ĐH Deakin thông tin.

Sau đại dịch, doanh thu của Chegg tăng trưởng ngoạn mục. Trong năm 2022, công ty này dự kiến thu về 1,1 tỷ AUD doanh thu, gần gấp đôi con số trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Mỗi tháng, trang web của công ty này thu hút 30 triệu lượt truy cập, 7,8 triệu tài khoản đã đăng ký trả phí. Con số này gần gấp 3 lần so với thời gian trước dịch.

Khi bị cáo buộc tiếp tay cho sinh viên gian lận, đại diện của Chegg thanh minh rằng khi mở cổng đăng ký cho sinh viên, họ đã lập ra điều khoản dịch vụ, bao gồm việc tạo mã danh dự cho từng người dùng. Công ty này cũng nêu rằng họ luôn hợp tác với các trường đại học trong những cuộc điều tra liên quan cáo buộc gian lận.

Theo Chegg, những sinh viên lớn tuổi, phải làm việc nặng lương thấp, đang bị phân biệt đối xử vì hệ thống đại học tại Úc không đủ linh hoạt để hỗ trợ. Những đối tượng này đang phải đối phó với những trường học, học viện không biết tập trung vào nhu cầu của sinh viên.

“Dịch vụ của chúng tôi lập ra cho những sinh viên bị bỏ lại, không được quan tâm. Họ chủ yếu là phụ nữ, người da màu, những người đang kiếm từng đồng với mục đích trả nợ. Hệ thống của chúng tôi lập ra cho những người cần sự hỗ trợ ổn định, chất lượng nhưng giá thành rẻ”, đại diện của Chegg thanh minh.

Bất lực khi cố ngăn chặn gian lận

Kane Murdoch là quản lý tại Phòng Khiếu nại, Kháng nghị và Hành vi vi phạm của ĐH Macquarie. Khi được hỏi về tỷ lệ phát hiện gian lận khi thi trực tuyến, ông thẳng thắn chia sẻ nhà trường chỉ phát hiện được một lượng nhỏ sinh viên vi phạm quy chế thi.

Để giải thích cụ thể, ông Murdoch chia thời gian thành hai phần chính là trước và sau Covid-19. Ông nói rằng sau đại dịch, các dịch vụ gian lận phát triển nhanh và mạnh hơn so với tốc độ chống gian lận thi cử của trường đại học. Nếu nhà trường không thay đổi chiến lược, rất có thể, họ sẽ thua trong “cuộc đua” khốc liệt này.

Các trường đại học cố ngăn chặn gian lận nhưng không hiệu quả. Ảnh: Budding CMA.

Kể từ năm 2020, một nửa đại học tại Úc đã ứng dụng các phần mềm chống gian lận trong các kỳ thi trực tuyến. Sinh viên được yêu cầu tải phần mềm này vào máy tính cá nhân. Khi thi, các em phải bật camera để phần mềm hoặc giám thị theo dõi hành vi trong suốt thời gian thi.

Dù ứng dụng công nghệ cao để chống gian lận, hiệu quả của những phần mềm này không hoàn toàn ổn. Ông Kane Murdoch tin rằng phương pháp này không đủ đảm bảo để bắt được những hành vi gian lận thi cử.

Cụ thể, ông nói rằng loạt phần mềm này dễ bị nhầm lẫn giữa những hành vi thông thường với hành vi gian lận. Ví dụ, sinh viên quay đầu hay nhìn lên trần nhà cũng có thể bị “dán nhãn” quay cóp khi thi. Chính những sai lầm này tạo rào cản lớn, buộc các trường phải tìm cách giải quyết để coi thi hiệu quả hơn.

Ông Murdoch cũng tin rằng phần mềm chống gian lận đang xâm phạm quyền riêng tư của sinh viên. Nhiều sinh viên phản ánh khi sử dụng phần mềm giám sát, cuộc sống của các em sẽ bị ghi lại hoặc bị lộ với một người lạ (như giám thị trông thi). Nhà quản lý bày tỏ sự cảm thông với những điều bất tiện mà sinh viên phải gánh chịu khi thi online.

Không chỉ riêng các trường đại học, Chính phủ Úc cũng đã vào cuộc để ngăn chặn việc sinh viên sử dụng các trang web gian lận. Tháng 9/2020, Cơ quan Tiêu chuẩn và Chất lượng Giáo dục Đại học được trao loạt quyền hạn mới, bao gồm quyền nộp đơn lên tòa án liên bang để ngăn chặn những trang web khả nghi.

Cơ quan này đã lập một cơ sở dữ liệu với hơn 2.300 trang web bị nghi ngờ cung cấp dịch vụ gian lận trên toàn thế giới. Trong đó, 579 trang hướng đến mục tiêu là các sinh viên tại Úc. Dù tạo ra dữ liệu cụ thể, cơ quan này mới chỉ chặn được 2 trang web.

Tiến sĩ Helen Gniel, người đứng đầu Cơ quan Tiêu chuẩn và Chất lượng Giáo dục Đại học, cho biết 2 trang web bị chặn là những trường hợp thử nghiệm.

Tuy nhiên, chặn trang web không phải giải pháp tối ưu. Tiến sĩ Helen nói rằng sinh viên vẫn có thể truy cập những trang bị chặn bằng cách sử dụng VPN. Ông và các cộng sư nhận thức rõ những hạn chế của phương pháp. Hiện, cơ quan này đang nghiên cứu những cách chống gian lận mới, mang lại hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới.

Theo Zingnews.vn

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *