(www.Alouc.com) – Một trong những cách thức để người dân thay vì giữ vàng trong nhà thì Nhà nước phát hành chứng chỉ vàng, người ta gọi là “vàng giấy”.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Ngân hàng Nhà nước báo cáo giải pháp huy động nguồn lực trong dân để tạo nguồn vốn phục vụ tăng trưởng kinh tế.
Trước câu hỏi, làm sao để có thể huy động được nguồn lực này, trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết: “Việc huy động vàng trong dân được cơ quan quản lý đề cập đến cách đây vài ba năm nhưng chưa thực thi được.
Bởi đây là việc phức tạp, nhiều rủi ro cao khi giá vàng biến động, lại không dự báo được. Điều kiện để huy động vàng trong dân là kinh tế vĩ mô phải ổn định, lạm phát ở mức phù hợp”.
Với người dân, theo ông Long, câu chuyện niềm tin là rất quan trọng. Khi kinh tế ổn định, giá cả ở mức phù hợp thì người dân sẽ giữ tiền đồng chứ chuyển sang vàng, ngoại tệ làm gì.
Một trong những cách thức để người dân thay vì giữ vàng trong nhà thì Nhà nước phát hành chứng chỉ vàng. Theo đó, cơ quan chức năng cho ngân hàng thương mại lớn, có năng lực tài chính phát hành chứng chỉ vàng – vì thế cũng có người gọi là “vàng giấy”.
“Làm được thế sẽ huy động được một lượng vốn cho nền kinh tế để phục vụ sản xuất kinh doanh, xây dựng cầu đường. Còn với người dân, giữ chứng chỉ vàng an toàn hơn là giữ vàng vật chất trong nhà, còn nếu gửi vào ngân hàng thì sẽ mất phí”, ông Long nói.Người dân đưa vàng vào ngân hàng, đổi lại họ sẽ giữ một tờ giấy chứng nhận số vàng đó thay vì cất vàng ở trong nhà. Và chứng chỉ vàng đó được cầm cố, thế chấp, bán khi cần.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính cũng cho rằng, cần tính đến việc đánh thuế mua bán vàng để hướng dòng vốn vào các kênh đầu tư khác có lợi hơn.
Đó cũng là cách hỗ trợ việc đánh thức nguồn vốn trong dân. Hiện tại, giao dịch vàng gần như miễn phí, nếu có cũng rất thấp. Phải coi vàng thuộc nhóm xa xỉ phẩm, cũng giống ôtô, điều hòa nhiệt độ…Nhiều nước đã làm điều này.
Thế nhưng, Tiến sĩ Cấn Văn Lực lại cho rằng: “Ngành ngân hàng nên phát triển hơn nữa dịch vụ cất giữ vàng để hạn chế rủi ro cho người dân cất vàng trong nhà. Đương nhiên là không có chuyện trả lãi suất cho việc gửi vàng mà ngược lại, trước mắt trong một vài năm tới ngân hàng chưa thu phí gửi vàng”.
Về việc mở kho 500 tấn vàng trong dân, từng trao đổi với Đất Việt, TS Phạm Đỗ Chí – nguyên chuyên viên cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho rằng, kiến nghị huy động vàng từ dân chúng để bán ra lấy tiền cho vay của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam là quá mạo hiểm vì khó đảm bảo được an toàn lượng tài sản khổng lồ trên.
Theo ông, trên thế giới, không có nước nào dám động vào vàng. Khi huy động vàng trong dân thì việc lo huy động 2-3% lãi suất trả cho dân là rất đơn giản. Song, vấn đề ông lo ngại là khi huy động nguồn lực rất lớn ấy, các cơ quan có trách nhiệm đã tính đến chuyện làm thế nào để phát huy được giá trị nguồn lực ấy giúp tăng trưởng kinh tế cho quốc gia?
Để tránh rủi ro cho dân và ngân sách, vị chuyên gia cho biết vẫn nên để dân giữ vàng riêng như thói quen từ ngàn xưa. Trong trường hợp muốn can thiệp vào số lượng vàng khổng lồ của dân, theo ông nên cho lập sàn vàng để tìm giá thị trường.
“Tuyệt đối không để NHNN hay Hiệp hội kinh doanh vàng đứng ra thực hiện quyền huy động vàng, như vậy sẽ tạo nên sự độc quyền”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm, TS Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), lại khẳng định, đề xuất huy động vàng trong dân là một tư duy sai lầm.
Đề xuất trên không khác nào đang bác bỏ hoàn toàn mọi công sức, nỗ lực “loại vàng và ngoại tệ ra khỏi hệ thống tín dụng” của NHNN trong suốt 25 năm qua.
“Đến bao giờ người ta mới thôi tư duy “huy động” vàng trong dân? Đây là tư duy sai lầm dai dẳng và khó sửa nhất.
Theo Ngân Giang – Báo Đất Việt
Link gốc: www.baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/de-xuat-phat-hanh-vang-giay-hut-500-tan-vang-trong-dan-3313501/