Trung Quốc có thể thực hiện một cuộc đàn áp đẫm máu như thảm sát Thiên An Môn đối với phong trào biểu tình của Hồng Kông để khiến dân chúng sợ hãi. Tuy nhiên, hậu quả của kịch bản này có thể tác động thảm khốc với nền kinh tế và chính trị Trung Quốc, khiến Bắc Kinh không dám đưa ra bất kỳ sự can thiệp quá khích nào, các nhà phân tích nhận định trên Japan Today.
Khi các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình ủng hộ dân chủ và cảnh sát ở thuộc địa cũ của Anh ngày càng trở nên dữ dội, sự lên án của Bắc Kinh đã mạnh mẽ hơn với những cảnh báo rằng những người chơi với lửa sẽ bị lửa thiêu.
Cùng lúc đó, quân đội Trung Quốc trú tại Hồng Kông đã tung một đoạn video diễn tập “chống bạo động”, trong đó các binh sĩ sử dụng súng trường tấn công, tàu sân bay bọc thép và pháo nước để giải tán đám đông người biểu tình.
Những hình ảnh và ngôn từ mạnh mẽ đã làm dấy lên mối lo ngại rằng Bắc Kinh có thể tiến vào đàn áp phong trào dân chủ tại thành phố bán tự trị.
Ben Bland, nghiên cứu viên tại Viện Lowy ở Sydney nói “Bắc Kinh muốn hù dọa người biểu tình bằng cách cử quân đội hoặc hình thức can thiệp trực tiếp khác”.
“Nhưng mức độ rủi ro hành động cao, cùng rủi ro kinh tế và uy tín đối với Trung Quốc, đưa quân Giải phóng quân vào Hồng Kông sẽ là một động thái nguy hiểm”, Bland nhận định
Cuộc đàn áp tàn bạo năm 1989 của Trung Quốc đối với biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn đã dẫn đến hai năm kinh tế gần như đình trệ. Do đó, bất kỳ sự can thiệp tương tự nào ở Hồng Kông có thể gây nên sự sụp đổ nghiêm trọng hơn nhiều.
Sự ổn định lâu dài của trung tâm tài chính quốc tế là rất quan trọng với sự thịnh vượng kinh tế của Trung Quốc. Hình ảnh quân đội Trung Quốc hoặc cảnh sát chống bạo động trên đường phố Hồng Kông sẽ lên sóng và phát trực tiếp trên toàn thế giới.
Nó cũng sẽ có tác động lớn đến tham vọng thống nhất đại lục của Bắc Kinh với hòn đảo Đài Loan vốn đang được cai trị dưới chế độ dân chủ. Hiện tại, Trung Quốc đã hạn chế bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với lực lượng cảnh sát Hồng Kông.
Mặc dù luật pháp đặc khu tuyên bố rằng, quân đội Trung Quốc đóng quân ở đây không thể can thiệp vào các vấn đề ở đây, nhưng lại cho phép họ triển khai theo yêu cầu của chính phủ Hồng Kông để “duy trì trật tự công cộng”.
Các chuyên gia an ninh lưu ý rằng trong 30 năm kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn, chính quyền Trung Quốc đã phát triển một bộ máy kiểm soát an ninh tinh vi cho phép họ có thêm nhiều phương án để dập tắt phong trào biểu tình, chứ không chỉ đơn giản là cử xe tăng đến đàn áp.
Theo nhà phân tích Ngô Quang, cựu giảng viên chính trị tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, Trung Quốc đã tiếp thu được bài học từ cuộc đàn áp năm 1989 khi tiến hành nhiều cuộc “trao đổi” với lực lượng cảnh sát ở châu Âu và Hoa Kỳ. “Một phần lớn trong số này là trao đổi về cách đối phó với các cuộc bạo loạn chính trị và các cuộc biểu tình ôn hòa”, ông nói.
Những phương pháp đó đã cho thấy rõ ràng trong cuộc tập trận đồn trú của quân đội Trung Quốc và cuộc tập trận khác của hàng ngàn cảnh sát chống bạo động Trung Quốc thực hiện ở Thâm Quyến, ở biên giới với Hồng Kông.
Trong cả hai video đó, lực lượng an ninh trong trang bị đầy đủ, đội hình chặt chẽ đã sử dụng hơi cay và khiên để giải tán người biểu tình đeo khẩu trang và đội mũ xây dựng, hình ảnh gợi nhớ đến những người biểu tình ở Hồng Kông.
Ngô Quang nhấn mạnh rằng trong khi các kỹ thuật là hiện đại, nhưng khả năng triển khai chúng hiệu quả ở Hồng Kông hay không lại là một vấn đề khác. “Chính quyền Trung Quốc không có kinh nghiệm trấn áp bạo loạn trong một xã hội tự do”, ông nhận định.
Và ngay cả khi nó có thể thực hiện một can thiệp không gây chết người thì các lực lượng của Trung Quốc trên đường phố Hồng Kông trong bất kỳ khả năng nào vẫn sẽ gây ra sự lo ngại và phẫn nộ toàn cầu.
Nhà phân tích chính trị Willy Lam, Đại học Hồng Kông Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ lựa chọn phương thức bí mật hơn, đó là cài cắm quân đội hoặc cảnh sát của chính họ vào. “Họ sẽ mặc đồng phục cảnh sát Hồng Kông để thể hiện rằng đó không phải là một cuộc triển khai chính thức”, Lam nói.
Có tin đồn cho rằng việc cài cắm đã được triển khai, vì một số người mặc áo cảnh sát Hồng Kông nhưng lại hành xử thô bạo tựa như cảnh sát đại lục.
Một trong những người lãnh đạo cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989, Wu’er Kaixi, lập luận rằng giới lãnh đạo Trung Quốc vốn tập trung vào lợi ích cá nhân, sẽ không dám thực hiện hành vi can thiệp vũ trang nào đối với thành phố.
Ông Kaixi phát biểu tại Đài Loan: “Tôi tin rằng họ đã tiếp thu được bài học rằng cái giá phải trả cho việc sử dụng quân đội [để đàn áp] là rất cao”.
Leave a comment