Home Cộng Đồng Thế giới đối mặt ‘thất bại thảm hại về đạo đức’ vì vaccine Covid-19
Cộng Đồng

Thế giới đối mặt ‘thất bại thảm hại về đạo đức’ vì vaccine Covid-19

Thế giới đang đứng bên bờ vực một “thất bại thảm hại về đạo đức” nếu các nước giàu vơ vét vaccine Covid-19 trong khi những nước nghèo nhất chỉ có thể đứng nhìn, theo lãnh đạo WHO.

Trong phát biểu mở đầu cuộc họp của ban lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Geneva hôm 18/1, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã lên án thái độ “tôi trước” của các quốc gia giàu trong tranh giành vaccine Covid-19.

Ông cũng chỉ trích các nhà sản xuất vaccine vì cố có được sự chấp thuận của cơ quan quản lý ở các nước giàu, thay vì gửi dữ liệu của họ đến WHO để bật đèn xanh cho việc sử dụng vaccine trên toàn cầu, theo AFP.

Theo ông Tedros, đến nay, 39 triệu liều vaccine Covid-19 đã được sử dụng ở ít nhất 49 quốc gia có thu nhập cao hơn. Trong khi đó, “mới chỉ có 25 liều được tiêm ở một quốc gia có thu nhập thuộc hàng thấp nhất”.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp hôm 18/1. Ảnh: AFP.

“Không phải 25 triệu; không phải 25.000; chỉ 25”, ông nói, cảnh báo rằng cam kết về việc tiếp cận vaccine Covid-19 một cách công bằng trên toàn cầu đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ nghiêm trọng.

“Tôi cần phải thẳng thắn. Thế giới đang đứng bên bờ vực của một thất bại thảm hại về đạo đức – và cái giá phải trả cho thất bại này sẽ là sinh mạng và sinh kế ở những nước nghèo nhất thế giới”, ông Tedros nói.

Ông cho biết ngay cả khi một số quốc gia đưa ra những tuyên bố trấn an về quyền tiếp cận bình đẳng, họ đang ưu tiên các giao dịch của riêng họ với nhà sản xuất, đẩy giá và cố gắng chen lên đầu hàng.

Khoảng 44 thỏa thuận như vậy đã được ký kết trong năm 2020 và ít nhất 12 thỏa thuận được ký từ đầu năm 2021.

“Tình hình còn phức tạp hơn do hầu hết nhà sản xuất đã ưu tiên cho việc có được sự phê duyệt theo quy định ở các nước giàu, nơi lợi nhuận là cao nhất, thay vì gửi đầy đủ hồ sơ cho WHO”, ông Tedros nói, theo AFP. “Cách tiếp cận ‘tôi trước’ này không chỉ đẩy những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới vào tình thế rủi ro, mà còn là hành động tự bắn vào chân mình”.

“Cuối cùng, những hành động này sẽ chỉ làm kéo dài đại dịch, kéo dài nỗi khổ của chúng ta, những hạn chế cần thiết để ngăn chặn nó, và những tổn thất về kinh tế và con người”, lãnh đạo WHO cảnh báo.

WHO mới chỉ đồng ý cho sử dụng khẩn cấp đối với vaccine của Pfizer-BioNTech và ông Tedros kêu gọi các nhà sản xuất khác cung cấp dữ liệu của họ để xem xét theo quy định.

Covax, nỗ lực thu mua và phân phối vaccine toàn cầu do WHO đồng dẫn dắt, đã đạt được thỏa thuận với 5 nhà sản xuất cho 2 tỷ liều vaccine.

Mục tiêu của Covax là đảm bảo vaccine cho 20% dân số ở mỗi quốc gia tham gia tính đến cuối năm 2021. 92 nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình thấp sẽ nhận được tài trợ.

“Chúng tôi đặt mục tiêu bắt đầu phân phối vaccine vào tháng 2”, ông Tedros cho hay.

Theo Zing

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *