Hệ thống chấm điểm của Trung Quốc đã ngăn hơn 13 triệu người có hồ sơ tài chính và đạo đức xấu tiếp cận dịch vụ giao thông công cộng.
South China Morning Post hôm 18/4 cho biết hệ thống chấm điểm của đã ngăn các hãng vận tải bán ra 20,47 triệu vé máy bay và 5,71 triệu vé tàu cao tốc. Đây là hình phạt danh cho những người bị đánh giá “không đáng tin cậy” do không trả các khoản nợ hoặc có các hành vi xấu khác.
Theo số liệu công bố bởi Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc, tới cuối tháng 3, khoảng 13,49 triệu người bị đưa vào danh sách “không đáng tin cậy”.
13,49 triệu công dân Trung Quốc bị cấm mua vé tàu, máy bay. Ảnh: Xinhua.
Những người này bị hạn chế thực hiện một số hoạt động, trong đó có tiếp cận thị trường tài chính, di chuyển bằng máy bay và tàu cao tốc, mua bảo hiểm cao cấp và bất động sản. Thông tin cá nhân của những công dân này cũng được đăng tải công khai.
Danh sách những người bị đánh giá “không đáng tin cậy” được tổng hợp từ hồ sơ của các tòa án khắp Trung Quốc, bước đầu tiên trong phổ cập hệ thống chấm điểm đạo đức xã hội nhắm vào những đối tượng từ chối tuân thủ các phán quyết của tòa án.
Hệ thống hạnh kiểm quốc gia được Trung Quốc ra mắt năm 2014 nhằm kiểm soát và chấm điểm hành vi ứng xử của toàn bộ người dân. Dưới hệ thống này, tất cả công dân Trung Quốc được chấm điểm trong 4 lĩnh vực: hoạt động hành chính, hoạt động thương mại, ứng xử xã hội và tuân thủ pháp luật.
Hệ thống dự kiến sẽ áp dụng trên toàn quốc vào năm 2020, cho phép chính quyền củng cố thông tin về mọi mặt của người dân, sử dụng các dữ liệu này phục vụ khen thường hoặc xử phạt công dân.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt, một phần trong hệ thống chấm điểm đạo đức của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.
Hôm 18/4, phát ngôn viên Yuan Da của Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc cho biết cơ quan này sẽ mở rộng phối hợp chia sẻ điểm đạo đức của các công dân và công ty với các công ty chấm điểm hạnh kiểm trong lĩnh vực than, khí đốt, du lịch và vận tải.
Trong lĩnh vực tài chính, nhà chức trách Trung Quốc đã công bố tên của 400 người có liên quan tới các hoạt động lừa đảo. Cơ quan này cũng phối hợp với Ủy ban Kiểm soát chứng khoán đánh giá hồ sơ của các công ty, xác định mức độ “đáng tin cậy” của các đối tượng này trước khi cho phép phát hành trái phiếu.
Theo Xã Luận
Leave a comment