Home Cộng Đồng Quay TikTok – đừng vui quá đà!
Cộng Đồng

Quay TikTok – đừng vui quá đà!

“Nữ hành khách đi xe buýt ra chuyến bay của mình, cửa xe vừa mở ra thì hành khách chạy ra tạo dáng quay TikTok. Nhân viên kiểm soát an ninh hàng không của sân bay Phú Quốc trực ở đó đã kịp thời tiếp cận và yêu cầu hành khách quay trở lại vị trí an toàn”, ông Đinh Việt Sơn – Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, kể lại sự việc gây xôn xao dư luận mới đây về một cô gái cố tình tạo dáng bất chấp máy bay đang di chuyển đến gần.

Khi việc di chuyển bằng đường hàng không ngày càng trở nên phổ biến, bên cạnh đại bộ phận hành khách chấp hành tốt quy định, vẫn còn không ít trường hợp vô tình hoặc cố ý có những hành động bộc phát không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn uy hiếp an toàn bay. Chẳng hạn như lén đưa vật dụng lạ (đồ sắc nhọn, nguy hiểm) bên người, đưa thú cưng lên khoang hành khách; gọi điện thoại, quay phim, chụp ảnh khi máy bay đang cất cánh, hạ cánh; có ý định mở cửa thoát hiểm khi máy bay đang bay…

Mỗi lần báo chí đăng tin xử phạt, người đọc lại được một phen hốt hoảng xen lẫn cảm giác ngao ngán hoặc hài hước rất khó tả.

Hình ảnh nữ hành khách tạo dáng ở sân đỗ máy bay Phú Quốc (Ảnh: Mạng XH).

Gần đây, một số người dùng ứng dụng Tiktok (TikToker) còn gắn điện thoại ở cửa sổ máy bay để quay ngoại cảnh, đe dọa an toàn hàng không. Lãnh đạo Cục Hàng không khi lên tiếng về trường hợp này cho biết, việc quay phim trên chuyến bay, đặc biệt là quay liên tục nhiều tiếng, điện thoại nóng, kết hợp với tác động của ánh sáng mặt trời trong thời gian dài có thể dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Các bạn trẻ khi thực hiện hành vi nguy hiểm này dường như đã quá vô tư mà không lường được hậu quả có thể xảy ra, dù kiến thức về thấu kính hội tụ, về việc sinh nhiệt gây cháy nổ đều đã có trong chương trình học vật lý bậc phổ thông cơ sở.

Những trò “nghịch dại” trên có lẽ sẽ khiến ngành hàng không phải cảnh giác hơn, bổ sung những tình huống cần thiết rà soát trong đảm bảo an toàn bay. Tuy nhiên, ở đây ngoài trách nhiệm quản lý của ngành hàng không thì ý thức của hành khách là vấn đề đáng bàn, nhất là với những trường hợp bất chấp nguy hiểm để “sống ảo”, chạy theo trào lưu trên mạng xã hội.

Trong thực tế, “sống ảo” không xấu, không có gì đáng phải lên án khi mà những hành động đó chỉ phục vụ sở thích của bản thân, không gây ảnh hưởng tiêu cực lên cộng đồng. Dù vậy, điều gì “quá” thì thường phản tác dụng, kể cả chỉ là để giải trí, cho vui. Lạm dụng mạng xã hội trước hết có thể ảnh hưởng đến quỹ thời gian sống, học tập và làm việc của cá nhân; một số người bị “chứng nghiện mạng xã hội” còn có thể có những hành vi thiếu chuẩn mực nhằm câu view, câu like, tác động xấu tới những người xung quanh, thậm chí là rơi vào trầm cảm, có những hành vi nguy hiểm đến tính mạng bản thân.

Những năm gần đây, báo chí ghi nhận không ít trường hợp tử vong do selfie, sống ảo. Nghiên cứu của Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) cho thấy, ít nhất 250 du khách (với độ tuổi trung bình là 23) đã tử vong liên quan tới chụp ảnh selfie trên toàn cầu từ năm 2011 đến 2017 mà nguyên nhân chủ yếu do đuối nước hoặc trượt chân khi chụp ảnh từ thác nước, đứng ở đường ray khi tàu hỏa đi qua, ngã từ trên cao. Một số khác chết vì động vật hoang dã tấn công hoặc điện giật…

Năm ngoái, từng có du khách bị tai nạn trong quá trình chụp ảnh tại mỏm đá “tử thần” ở Mèo Vạc, Hà Giang. Trước đó, cuối năm 2018, lực lượng chức năng TP Đà Nẵng phải điều động khoảng 100 cán bộ, chiến sĩ để thực hiện nhiệm vụ giải cứu cho một thanh niên trên đỉnh trụ phía nam cầu Thuận Phước chỉ vì người này leo lên quay clip câu view.

Như bao người khác, tôi cũng có thú vui “giết thời gian” với việc xem một số clip trên TikTok hay Reels của Facebook mà bạn bè gửi, chủ yếu là các đoạn clip về âm nhạc, nhảy xu hướng, clip về ẩm thực, về cuộc sống nông thôn… Tôi để ý số lượng nội dung như vậy được đăng tải liên tục, thu hút rất nhiều lượng xem và bình luận (rất nhiều clip hút hàng triệu view tương tác). Điều này chứng tỏ, nhu cầu giải trí rất lớn của người dùng mạng xã hội, đồng thời, việc nổi tiếng sau một đêm trên các nền tảng như TikTok hay Facebook cũng trở nên dễ dàng hơn.

Đằng sau các clips được lăng xê trên mạng xã hội thông thường là sự dàn dựng của một ekip qua quá trình lên kịch bản, diễn, quay phim, dựng phim… tương đối tỉ mỉ. Hoạt động này có thể giúp những người sáng tạo nội dung nhận được thù lao, hoặc nhận được các hợp đồng truyền thông, quảng cáo. Đa số mọi người xem clip, xem tranh ảnh hay đăng tải nội dung lên mạng xã hội là để “sống ảo”, để kết nối với mục đích giải trí, tăng thêm sự phong phú cho cuộc sống, nhưng cũng có những người khác, họ sống với thế giới ảo còn nhiều hơn với thế giới thật, kiếm thu nhập cũng từ thế giới ảo.

Và dù thể hiện con người ở bất kỳ đâu, dù là ngoài đời thật hay là trên mạng (kể cả bạn có lập nick ảo đi nữa) thì bạn vẫn đang hoạt động trên tư cách là một cá nhân giữa xã hội, một công dân chịu trách nhiệm trước pháp luật, mỗi hành động, cử chỉ, lời nói đều phản ánh về con người bạn: ý thức, sự hiểu biết và cả nhân cách. Nếu coi mạng xã hội là công cụ để phục vụ kết nối thông tin, xây dựng hình ảnh, lập thêm các mối quan hệ thì cuộc sống sẽ rất phong phú, thú vị, nhưng nếu bạn bị mạng xã hội chi phối thì có thể sẽ phải đánh đổi rất nhiều giá trị.

 Vậy nên, vui thôi, đừng vui quá đà, mất kiểm soát!

Theo Dantri.com.vn

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *