Home Cộng Đồng Người Nhật bất chấp sức khỏe, đi làm mùa dịch vì ‘văn hóa con dấu’
Cộng Đồng

Người Nhật bất chấp sức khỏe, đi làm mùa dịch vì ‘văn hóa con dấu’

Chính phủ Nhật Bản nhiều lần yêu cầu các công ty chuyển đổi cách thức làm việc sang nền tảng online, thế nhưng, người dân hầu như đã quen với lối làm việc truyền thống, cũ kỹ.

Shuhei Aoyama (26 tuổi) đã chính thức làm việc từ xa khoảng một tháng nay do yêu cầu giãn cách xã hội của Chính phủ Nhật Bản. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa anh không phải đến công ty.

Cứ vài lần một tuần, Aoyama dành nửa tiếng đi khắp Tokyo để làm một công việc truyền thống, nghe chẳng mấy phù hợp trong thời đại công nghệ 4.0: đóng con dấu.

Loại con dấu này, hay còn được gọi là “hanko” hoặc “inkan” trong tiếng Nhật, là con dấu có khắc họ tên của người sở hữu, thường được sử dụng để thay thế chữ ký trong các văn bản tại quốc gia này.

Chúng được sử dụng khá phổ biến tại các công ty, bao gồm mạng lưới khách sạn, nơi Aoyama đang làm việc. Các tập đoàn thường cất giữ con dấu riêng cẩn thận và chỉ sử dụng trong các văn bản quan trọng như hợp đồng.

Thế nhưng hiện nay, nhiều nhân viên cho rằng biểu tượng công sở này nói riêng, hay văn hóa làm việc cũ kỹ ở Nhật nói chung, chẳng khác gì những công cụ bảo thủ, gây bất tiện cho người làm việc tại nhà, nhất là khi tinh thần cảnh giác trước dịch bệnh vẫn cần được nâng cao.

Nguoi Nhat bat chap suc khoe, di lam mua dich vi 'van hoa con dau' hinh anh 1 Noriko_Hayashi_2.jpg

Con dấu chính thức trở thành một phần của văn hóa công sở tại xứ sở mặt trời mọc từ cuối thế kỷ 19. Ảnh: Noriko Hayashi.

Văn hóa làm việc lỗi thời

Trong khi Nhật Bản được cả thế giới xem là vùng đất của tương lai với hàng loạt robot thông minh và nhà vệ sinh hiện đại bậc nhất, thì tại các công ty, người ta vẫn duy trì hình thức làm việc truyền thống: tài liệu giấy, gửi fax, trao đổi danh thiếp hay làm việc mặt đối mặt.

Thậm chí, những văn bản quan trọng không hề được số hóa, và cả hệ thống máy tính dày cộm không thể mang ra khỏi phòng làm việc.

Các nhà quản lý cấp trung thường ngần ngại trong việc cho phép nhân viên làm việc tại nhà. Họ lo rằng nhân viên sẽ bỏ bê công việc, hoặc ăn uống, nhậu nhẹt trong giờ làm.

Buộc phải ra khỏi nhà mỗi ngày trong tình hình dịch bệnh, những nhân viên như Aoyama cho biết họ đang mất dần kiên nhẫn với văn hóa làm việc kiểu truyền thống của Nhật Bản.

Ở nhiều quốc gia khác, đa phần người dân đều ở yên trong nhà theo lệnh cách ly xã hội, nhiều nhân viên đã chuyển sang họp và trao đổi công việc bằng hình thức online hay dùng chữ ký điện tử.

Thế nhưng tại Nhật Bản, nơi có nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, nhu cầu giãn cách xã hội đột ngột lại khiến nhiều công ty hoang mang.

Nguoi Nhat bat chap suc khoe, di lam mua dich vi 'van hoa con dau' hinh anh 2 Noriko_Hayashi.jpg
Người lao động di chuyển bên ngoài ga tàu Shinjuku ở Nhật Bản vào tuần trước, khi dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt. Ảnh: Noriko Hayashi.

Kunihiko Higa, chuyên gia về làm việc từ xa tại Học viện Công nghệ Tokyo, cho biết: “Một vài tổ chức chưa sẵn sàng đối mặt với nhu cầu mới của xã hội thường gặp nhiều khó khăn khi triển khai hình thức làm việc online”.

“Ở nhiều nơi, sếp luôn yêu cầu nhân viên phải có mặt tại công ty khi họp. Cấp trên nghĩ rằng họ khó có thể kiểm soát nhân viên của mình nếu không làm việc trực tiếp”, ông Higa nói thêm.

Khó thay đổi thói quen làm việc

Trước khi Covid-19 bùng phát, Chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần yêu cầu các công ty và chính quyền địa phương chuyển đổi các chức năng thiết yếu sang nền tảng online.

Ở đất nước thường xuyên bị ảnh hưởng bởi động đất hay sóng thần, nhiều tổ chức từ lâu đã đề cao tầm quan trọng của mô hình làm việc từ xa nhằm đảm bảo các hoạt động kinh doanh và hành chính được diễn ra liên tục.

Trước thềm Thế vận hội Tokyo, dự kiến được tổ chức vào tháng 7 nhưng đã bị hoãn lại, Chính phủ cũng yêu cầu các công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà với hy vọng mạng lưới giao thông công cộng sẽ thông thoáng để nhường chỗ cho khách du lịch.

Nhiều công ty cam kết sẽ thực hiện điều này. Theo một khảo sát tiến hành vào cuối tháng 2 bởi Hiệp hội Kinh doanh Quốc gia Keidanren, gần 70% thành viên dự định sẽ tiến hành các chính sách làm việc từ xa.

Tuy nhiên, khi Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp của dịch bệnh và yêu cầu người dân giảm thiểu 70% các tiếp xúc trực tiếp, rất ít công ty có đủ khả năng hoặc sẵn lòng biến kế hoạch trên thành hành động.

Một cuộc khảo sát của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản vào tháng trước cho thấy chưa đến 13% công nhân trên toàn quốc có thể làm việc tại nhà.

Cho đến cuối tháng 3, một khảo sát được thực hiện bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp thành phố cho thấy tình hình tại Tokyo dần khả quan hơn, 26% các công ty đã tiến hành làm việc từ xa.

Vào thứ hai, 2 ngày sau khi Thủ tướng Shinzo Abe yêu cầu các doanh nghiệp cắt giảm đi lại để đáp ứng mục tiêu giãn cách xã hội, số lượng người di chuyển tại thủ đô đã giảm đáng kể.

Thế nhưng, người dân tại các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn khó có thể thay đổi thói quen này. Một nghiên cứu được tiến hành vào cuối tháng 3 bởi Công ty nghiên cứu và tư vấn Persol cho biết tại Nagoya, thành phố lớn thứ tư của Nhật Bản và là một trong những nơi có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất, hơn 90% nhân viên vẫn tiếp tục đi làm trong bối cảnh dịch bệnh.

Nguoi Nhat bat chap suc khoe, di lam mua dich vi 'van hoa con dau' hinh anh 3 scmp.jpg
Chính phủ Nhật Bản nỗ lực giảm thiểu số lượng người ra đường trong tình hình dịch bệnh căng thẳng. Ảnh: SCMP.

Rochelle Kopp, chuyên gia tư vấn chuyên về các hoạt động kinh doanh của Nhật Bản, cho biết: “Kể cả khi có laptop, nhân viên cũng không thể mang chúng về nhà vì có nhiều vấn đề liên quan đến phần mềm và phần cứng”.

“Thiếu kinh nghiệm làm việc từ xa thực sự là một thiếu sót lớn đối với nhân viên Nhật Bản trước bối cảnh Covid-19 đang diễn ra”, cô nói.

Yoshitaka Hibi, Giáo sư Văn học Nhật Bản tại Đại học Nagoya, cho rằng các nhân viên trong nước không nên tự “đánh cược” sức khỏe của chính mình chỉ vì văn hóa làm việc cũ kỹ.

“Đây là cơ hội của chúng ta. Hãy dẹp bỏ phong tục lạc hậu này”, anh nói.

Theo Zing

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *