Home Cộng Đồng Nghị sĩ Úc bật khóc trước quốc hội vì bị nghi dính dáng tới Trung Quốc
Cộng Đồng

Nghị sĩ Úc bật khóc trước quốc hội vì bị nghi dính dáng tới Trung Quốc

Giữa tình hình cuộc tranh cãi về sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại Úc ngày càng gay gắt, một nữ nghị sĩ Úc đã bật khóc ngay giữa quốc hội vì bị chỉ trích về mối quan hệ trong quá khứ với các tổ chức thân Bắc Kinh.

Khi Australia ngày càng tranh luận về sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với xã hội nước này, một nghị sĩ đang đối mặt với những câu hỏi hóc búa về các mối liên hệ trong quá khứ với những nhóm có quan hệ với Bắc Kinh. Những người khác lại cho rằng cuộc tranh cãi là sản phẩm tư tưởng “bài ngoại một cách hoang tưởng”.

Hồi tháng 5/2019, bà Gladys Liu, một thành viên của đảng Tự do, đã được bầu vào quốc hội Úc. Sinh ra tại Hong Kong, bà Liu là người Úc gốc Trung Quốc đầu tiên đắc cử vào cơ quan lập pháp Úc.

Bà Liu có thể đã biết công việc mới tại Canberra có lúc rất khó và khiến bà bị “soi”. Nhưng tại vị chưa được bao lâu thì bà phải bật khóc ngay giữa nghị trường khi bị các đồng nghiệp chính trị tấn công vì không tiết lộ tư cách thành viên của bà tại các tổ chức có liên hệ với đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nghị sĩ Úc bật khóc trước quốc hội vì bị nghi dính dáng tới Trung Quốc - ảnh 1

Nghị sĩ Gladys Liu bật khóc tại quốc hội Úc vì bị chất vấn mối quan hệ với Trung Quốc (Ảnh: EPA)

Các đồng nghiệp cấp cao trong chính phủ đã lên tiếng bảo vệ bà Liu, bác bỏ các cáo buộc rằng bà là một “kẻ phản bội”. Tổng công tố Úc Christian Porter cho rằng những chỉ trích nhằm vào bà Liu đáng xấu hổ.

Nhưng cũng có cáo buộc rằng bà Liu từng có liên hệ với các nhân vật cấp cao trong bộ máy tuyên truyền chính trị bí mật của Bắc Kinh và điều này gây ra những câu hỏi về tư cách của bà tại quốc hội.

Hãng tin ABC của Úc cho hay, bà Liu từng là thành viên hội đồng của Hiệp hội trao đổi quốc tế Trung Quốc tỉnh Quảng Đông – từng trực thuộc Hội đồng nhà nước Trung Quốc – một cơ quan hành chính và chính trị quan trọng của chính phủ Trung Quốc có chức năng như một nội các.

Các chuyên gia tin rằng có mối liên hệ quan trọng giữa chính phủ Trung Quốc và các nhà dân tộc chủ nghĩa ủng hộ Bắc Kinh sống tại các quốc gia khác.

Bà Liu sau đó xác nhận rằng bà từng là thành viên danh dự của hiệp hội nói trên từ năm 2003-2005, nhưng mạnh mẽ bác bỏ các cáo buộc về sự trung thành.

Vấn đề ở đây là, liệu những mối quan hệ đó là nhằm thiết lập mạng lưới và kết nối với giới giàu có, quyền lực cho một phụ nữ từng là người gây quỹ chủ chốt cho đảng Tự do, hay một điều gì đó nghiêm trọng trong hơn.

Bà Liu, người sinh tại Hong Kong năm 1964 và từng giành học bổng tại Melbourne vào năm 1985, khẳng định các mối liên hệ của bà trong quá khứ là vô tội. Bà thanh minh thêm rằng một số tổ chức Trung Quốc thậm chí bổ nhiệm bà vào các vị trí danh dự mà chưa xin phép bà.

“Tôi đã từ chức tại nhiều tổ chức và tôi đang trong quá trình kiểm tra xem có bất kỳ tổ chức nào có thể đưa tôi vào làm thành viên mà không xin phép hay nhận được sự đồng thuận của tôi hay không”, bà cho biết trong một tuyên bố.

“Tôi tự hào là một người Úc, cam kết mạnh mẽ nhằm phục vụ người dân khu vực Chisholm, bà bất kỳ cáo buộc nào đi ngược với điều đó đều gây xúc phạm sâu sắc”, bà nói.

Đảng Lao động tại Úc đã kêu gọi bà Liu đưa ra giải thích kỹ hơn trước quốc hội.

Nhưng Thủ tướng Scott Morrison, lãnh đạo đảng của bà Liu, cho rằng bà là nạn nhân của một chiến dịch bôi nhọ.

“Bà Gladys là một người Úc gốc Trung Quốc. Điều đó khiến bà có quan hệ với chính phủ Trung Quốc? Tất nhiên là không”, ông Morrison nói. “Đó là một suy đoán vô lý và tôi nghĩ đó là một sự xúc phạm đối với cộng đồng người Úc gốc Trung Quốc tại nước này”.

Một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Úc của bà Liu cũng không giúp làm dịu các chỉ trích, khi bà nói với Sky News rằng bà không nhớ các mối liên hệ trong quá khứ với các tổ chức khác nhau và tỏ ra không cương quyết về lập trường với Trung Quốc. Nhưng không lâu sau đó, bà đã phải lên tiếng bày tỏ thẳng thắn các quan điểm và thừa nhận các mối quan hệ trong quá khứ.

Đảng Lao động đối lập đã gia tăng cuộc tấn công trị nhằm vào bà Liu. Đảng này đã yêu cầu được biết liệu chính phủ có nhận được cảnh báo về bà từ các cơ quan tình báo Úc hay không. “Có những câu hỏi được nêu ra như liệu bà Liu có phải là một nhân vật phù hợp để đại diện trong quốc hội Úc”, phát ngôn viên đảng Lao động Penny Wong nói.

Nghị sĩ đảng Lao động Kimberley Kitching cho rằng bà Liu là một “quả bom nổ chậm” cho đảng Tự do, và dự báo rằng nhiều tiết lộ hơn về quá khứ của bà Liu có thể sẽ xuất hiện. Nếu họ đúng, nữ nghị sĩ tình có thể gặp tình thế khó khăn và thậm chí đối mặt với việc bị kiểm tra.

Lo ngại Trung Quốc can thiệp nội bộ Úc

Bà Liu trở thành công dân Úc vào năm 1992. Sự nghiệp chính trị của bà diễn ra đúng vào thời điểm ngày càng có sự lo ngại tại Úc về các cáo buộc rằng Trung Quốc can thiệp vào chính trị nội bộ nước này và tung các gián điệp mạng. Một lực lượng đã được thành lập nhằm điều tra sự can thiệp của nước ngoài tại các trường đại học Úc vì lo ngại sự ảnh hưởng ngày càng mạnh của Trung Quốc trong các ngôi trường giáo dục nước này.

Mới đầu tuần này, hãng tin Reuters đưa tin rằng Trung Quốc bị tình nghi đứng sau một vụ tấn công mạng nhằm vào quốc hội Úc hồi đầu năm nay. Chính phủ từ chối bình luận về thông tin của Reuters, vốn trích dẫn 5 nguồn tin giấu tên.

Một cuộc điều tra tham nhũng chính thức tại Sydney đã xem xét các cáo buộc rằng một tỷ phú Trung Quốc, ông Hoàng Hướng Mặc, từng tài trợ bất hợp pháp số tiền 100.000 đôla Úc (70.000 USD) tiền mặt cất trong một túi mua sắm mang tới chi nhánh của đảng Lao động tại New South Wales. Ông Hoàng đã mạnh mẽ bác bỏ các cáo buộc. Vào năm 2017, một nghị sĩ cấp cao của đảng Lao động, Sam Dastyari, đã buộc phải từ chức do có liên hệ với ông Hoàng.

Sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại Úc gia tăng mỗi ngày, từ di cư tới du lịch, giáo dục và thương mại. Mối quan hệ giữa hai nước đã góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng của Úc khi 40% xuất khẩu của nước này là đến Trung Quốc, nhưng mối quan hệ này cũng có mặt trái.
“Một số hành động của Trung Quốc là không chấp nhận được, làm tổn hại tới lợi ích và chủ quyền của Úc. Đảng Cộng sản Trung Quốc thực sự muốn tập hợp cộng đồng người gốc Trung Quốc ở Úc để ủng hộ họ”, chuyên gia James Laurenceson từ Viện quan hệ Úc-Trung tại Đại học Công nghệ Sydney, nhận định.

Tuy nhiên, một số người cũng đặt câu hỏi rằng liệu vụ việc của bà Liu có phải là do tâm lý chống Trung Quốc hay không.

“Nếu bà Liu là một phụ nữ Anh-Ireland da trắng, tóc vàng mắt xanh, thay vì một người Úc gốc Trung Quốc thì bà ấy có bị đối xử như vậy hay không? Tôi nghi ngờ chuyện đó”, Christopher Pyne, một cựu bộ trưởng chính phủ, viết. “Có một tư tưởng bài ngoại xấu xí trong câu chuyện này”.

Ông Laurenceson tin rằng các cuộc tấn công nhằm vào sự chính trực và lòng trung thành của bà Liu bị đặt không đúng chỗ.

“Rõ ràng là không có bằng chứng cho thấy bà ấy cố gắng thay đổi chính sách của chính phủ vì đảng Cộng sản Trung Quốc, chứ chưa nói đến là bà ấy đã thành công trong việc này”, chuyên gia trên nói.

“Chỉ một tháng trước, bà ấy đã bày tỏ sự ủng hộ đối với những người biểu tình ở Hong Kong. Những người chỉ trích bà ấy có biết điều đó?”.

Theo Dân Trí

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *