Home Cộng Đồng Nếu là cúm mùa, vì sao Covid-19 lây lan mạnh giữa mùa hè?
Cộng Đồng

Nếu là cúm mùa, vì sao Covid-19 lây lan mạnh giữa mùa hè?

Dù có đặc tính theo mùa, virus SARS-CoV-2 lại đang lây lan tồi tệ chưa từng có giữa mùa hè tại hàng loạt quốc gia khắp thế giới.

Tới nay, có một nghịch lý mà các nhà khoa học chưa thể giải thích hoàn toàn về cách mà virus SARS-CoV-2 lây truyền. Mặc dù được cho là lây lan mạnh nhất vào mùa đông giống như các virus gây bệnh đường hô hấp khác, virus SARS-CoV-2 lúc này đang hoành hành tồi tệ chưa từng có ngay trong mùa hè ở hàng loạt quốc gia trên thế giới, theo tác giả Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền học thuộc UCL, viết trên Guardian.

Lý giải điều này, ông Balloux cho rằng đặc tính theo mùa chỉ là một trong số 4 yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển và lan rộng của virus.

Đặc tính theo mùa của virus
Từ khi đại dịch bùng phát, một trong những câu hỏi luôn được quan tâm là Covid-19 giống với một loại bệnh theo mùa đến mức độ nào.

Đa phần virus gây bệnh đường hô hấp, gồm các chủng virus corona gây ra cảm cúm thông thường, cho thấy đặc tính theo mùa mạnh mẽ, đa phần bùng phát và lan rộng trong mùa đông.

Cơ chế phía sau đặc tính theo mùa này là vấn đề phức tạp và chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Các yếu tố có tác động chính bao gồm khả năng tồn tại cao hơn của virus trong thời tiết lạnh, không khí khô, dưới điều kiện tia UV thấp.

Mùa đông cuối năm 2020, đầu năm 2021 chứng kiến làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất ở Bắc Mỹ và châu Âu. Ảnh: CNBC.

Ngoài ra, đặc điểm hành vi của con người vào mùa đông, như dành nhiều thời gian hơn ở trong nhà, dùng lò sưởi trong điều kiện ít thoáng khí, làm virus lây lan mạnh hơn.

Tuy nhiên, một virus có đặc tính theo mùa không có nghĩa nó sẽ dừng lây lan trong những khoảng thời gian còn lại của năm. Chúng sẽ tiếp tục lây lan nếu có các điều kiện thích hợp.

Để hiểu rõ khả năng lây lan của virus, theo Balloux, cần coi đặc tính theo mùa chỉ là một trong số 4 yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển và lan rộng của virus. Những yếu tố còn lại gồm hành vi của vật chủ, sự tiến hóa của virus, và tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng thông qua tiêm chủng hoặc tự miễn.

Bốn yếu tố này đồng thời ảnh hưởng tới chiều hướng của dịch bệnh. Các chuyên gia dịch tễ học sử dụng khái niệm số “R” để miêu tả các dịch bệnh. R đại diện cho số người nhiễm virus từ một cá nhân ban đầu.

Khi R lớn hơn 1, đồng nghĩa mối cá nhân mắc bệnh sẽ lây nhiễm cho trung bình nhiều hơn một người khác, khiến tổng số ca mắc bệnh tăng dần qua thời gian. Số ca mắc bệnh sẽ giảm khi R nhỏ hơn 1.

Giãn cách xã hội thông qua thay đổi hành vi của con người, dù là tự nguyện hay các biện pháp cưỡng chế của nhà chức trách, giúp giảm tình trạng virus lây lan. Do các biện pháp can thiệp nhằm giãn cách xã hội được áp dụng đồng thời, tương tác lẫn nhau, khó có thể ước đoán hiệu quả của từng biện pháp riêng lẻ.

“Thuần hóa” Covid-19
Các chủng virus sẽ luôn luôn trải qua quá trình chọn lọc tự nhiên, giúp tăng khả năng lây lan. Khả năng lây nhiễm cho nhiều vật chủ là yếu tố then chốt trong quy trình tiến hóa của virus.

Tăng khả năng lây nhiễm có thể xuất phát từ một số cơ chế khác nhau, như hàm lượng virus trong vật chủ cao hơn, hoặc khả năng vượt qua hệ miễn dịch của vật chủ, từ đó giúp virus xâm nhập quần thể vật chủ lớn hơn.

Biến chủng Alpha xuất hiện mùa đông năm 2020 có khả năng lây nhiễm mạnh hơn chủng virus ban đầu tại Vũ Hán.

Nhưng chỉ vài tháng sau, biến chủng Delta xuất hiện, thậm chí lây nhiễm mạnh hơn cả biến chủng Alpha. Không chỉ như vậy, biến chủng Delta dường như lây nhiễm cho cả những người đã phát triển hệ miễn dịch nhờ tiêm chủng hoặc từng mắc Covid-19 trước đó.

Biến chủng Delta đang hoành hành ở hàng loạt quốc gia châu Á. Ảnh: Jakarta Post.

Miễn dịch thông qua tiêm chủng hoặc từng nhiễm virus trước đó sẽ giúp giảm số R, bằng cách thu hẹp số vật chủ tiềm năng mà virus có thể xâm nhập trong cộng đồng. Khi tỷ lệ người được tiêm chủng tăng đến một cột mốc nhất định, xã hội sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng, đây là lúc số R giảm xuống dưới 1.

Với biến chủng Delta, miễn dịch cộng đồng sẽ đạt được khi tỷ lệ tiêm chủng là 85%. Tuy nhiên, sự ổn định của tình trạng miễn dịch cộng đồng đối với biến chủng Delta hiện chưa được hiểu rõ, bởi khả năng miễn dịch của con người sẽ giảm dần qua thời gian.

Hơn nữa, dù các vaccine hiện nay giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong hoặc nhập viện, chúng không giúp ngăn ngừa 100% nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Qua thời gian, khi tiêm chủng được mở rộng, cũng như ngày càng nhiều người mắc Covid-19, tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng sẽ tăng dần.

Tuy nhiên, tỷ lệ người miễn dịch trong cộng đồng cũng sẽ lại giảm dần do nhiều yếu tố, như khả năng miễn dịch giảm dần, trẻ em mới ra đời, hay sự xuất hiện của các biến chủng mới có khả năng vượt qua hệ miễn dịch. Khi đó, một làn sóng nhiễm bệnh mới lại xuất hiện, đi cùng nhu cầu tiêm chủng bổ sung.

Virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục tiến hóa, nhưng cũng sẽ tới lúc nó đạt đến ngưỡng lây nhiễm giới hạn, mà các nhà khoa học tin là sẽ mạnh hơn vào mùa đông.

Trong tương lai, khi số người được tiêm chủng đạt tới một mức độ nhất định, Covid-19 sẽ dần bão hòa. Đó là lúc 3 trong 4 yếu tố sẽ không còn, và yếu tố theo mùa sẽ định đoạt tốc độ lây lan của virus.

Số R lúc này sẽ cao hơn 1 vào mùa đông, và khi mùa hè đến, số R giảm xuống dưới 1. Khi đó, SARS-CoV-2 có thể trở thành một trong số 200 loại virus đường hô hấp khác, bùng phát mạnh mỗi mùa đông, và giảm dần khi mùa hè đến.

Phần lớn trường hợp mắc Covid-19 với những người từng nhiễm bệnh trước đó được đánh giá là nhẹ và không nguy hiểm.

Con người đã không thể kiểm soát và loại bỏ hoàn toàn Covid-19. Trong tương lai gần, khả năng này là rất thấp.

Dù vậy, với các loại vaccine hiệu quả cùng hệ thống giám sát y tế giúp con người cập nhật các loại vaccine khi cần thiết, Covid-19 có thể được “thuần hóa”, trở thành một căn bệnh đặc hữu với tỷ lệ nhập viện, tử vong tương đương cảm cúm do các virus khác gây ra.

Thời điểm Covid-19 từ một đại dịch chuyển thành một căn bệnh đặc hữu sẽ khác nhau tùy vào từng quốc gia, khu vực. Với Bắc Mỹ và phần lớn châu Âu, quá trình này đã bắt đầu. Những làn sóng nhập viện và tử vong kinh hoàng như năm 2020 ít có khả năng xảy ra trong tương lai.

Nhưng với phần còn lại của thế giới, chừng nào còn chưa thể nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, viễn cảnh “thuần hóa” Covid-19 vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.

Theo Zing

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *