Home Cộng Đồng Huấn luyện ‘đội quân’ bác sĩ chống làn sóng Covid-19 thứ hai
Cộng Đồng

Huấn luyện ‘đội quân’ bác sĩ chống làn sóng Covid-19 thứ hai

Y tá tại Bệnh viện Policlinico di Tor Vergata, Italy, đang mặc trang phục bảo hộ, chuẩn bị điều trị bệnh nhân Covid-19, ngày 8/4. Ảnh: AFP

Trong khi người dân châu Âu tận hưởng thời gian nới giãn cách xã hội, tại các bệnh viện, y bác sĩ chuẩn bị sẵn sàng cho đợt bùng phát Covid-19 tiếp theo. 

Các khoa hồi sức tích cực dự kiến tuyển thêm nhân viên. Bệnh viện khác muốn đào tạo một đội quân chuyên nghiệp, bao gồm các y bác sĩ sẵn sàng trực chiến bất cứ nơi nào cần thiết, chăm sóc những bệnh nhân nghiêm trọng nhất.

Nhiều nước châu Âu triển khai các khóa học nghiệp vụ về xử lý người mắc Covid-19. Họ tìm cách đào tạo thêm nhân viên y tế, tránh tình trạng thiếu nguồn lực nếu viễn cảnh làn sóng thứ hai thực sự xảy ra.

“Chúng tôi cần cả một đội quân”, Maurizio Cecconi, bác sĩ Bệnh viện Humanitas, Italy,  Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Chăm sóc Tích cực (ESICM), cho biết. Ông nhận định các nhân viên y tế cần linh hoạt hơn trong công việc của mình.

“Nếu có thêm làn sóng Covid-19 lớn khác, chúng ta nên chuẩn bị triển khai bác sĩ và y tá đến những vùng lân cận Italy. Điều này chưa xảy ra trong đợt dịch đầu tiên”, Cecconi nói.

Một y tá tại khu hối sức tích cực, Bệnh viện Centerierier de la Citadelle ở Liege, Bỉ, ngày 16/6. Ảnh: Reuters

Hồi tháng 3, tháng 4, nhiều quốc gia đã không tập trung đủ nguồn lực ứng phó với căn bệnh. Các cơ sở y tế phải gấp rút đào tạo bác sĩ để kịp điều trị cho các bệnh nhân nghiêm trọng và thay thế các đồng nghiệp nhiễm nCoV.

Các sinh viên y khoa và bác sĩ tình nguyện tham gia tuyến đầu khi nhiều cơ sở bị quá tải. Những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất phải bổ sung thêm giường bệnh, thiết bị cần thiết và xây dựng lều điều trị dã chiến.

Tuy nhiên, vấn đề thiếu hụt vẫn tồn tại. Theo nghiên cứu của Hiệp hội gây mê, Giảm đau, Hồi sức và Chăm sóc đặc biệt Italy (SIAARTI), nước này có thể phải tăng cường 50% số lượng bác sĩ gây mê, hồi sức tích cực và các chuyên gia y tế khác để đối phó với đợt bùng phát mới.

Chính vì vậy, châu Âu đẩy mạnh triển khai nhiều khóa đào tạo dành cho các bác sĩ phẫu thuật, tim mạch, bác sĩ nội khoa và y tá. Mục đích là giúp họ có đủ kỹ năng làm việc tại khu cách ly dành cho người mắc Covid-19, nếu cần thiết.

“Chúng tôi sẽ phân công cho họ các vị trí ít trách nhiệm hơn, như tắm và lật người bệnh nhân, kiểm tra tim phổi hoặc đọc phim chiếu chụp”, Jozef Kesecioglu, chủ tịch của ESICM, kiêm trưởng khoa hồi sức tích cực tại Trung tâm Y tế Đại học Utrecht, Hà Lan, cho biết.

Trong khi đó, y bác sĩ lâu năm thực hiện các nhiệm vụ phức tạp hơn, chẳng hạn đặt nội khí quản hoặc điều chỉnh máy thở.

Tiến sĩ Kesecioglu dự định liên lạc với những người từng làm việc trên tuyến đầu chống dịch trong đợt bùng phát đầu tiên, đề nghị tham gia các khóa học. Theo ông, trong điều kiện bình thường, nhân viên y tế ở khu hồi sức đã trải qua nhiều năm huấn luyện. Song, không nên chờ đợi tới khi làn sóng thứ hai của Covid-19 ập đến.

“Chúng ta nên đào tạo họ thường xuyên”, ông nói.

Y tá tại Bệnh viện Policlinico di Tor Vergata, Italy, đang mặc trang phục bảo hộ, chuẩn bị điều trị bệnh nhân Covid-19, ngày 8/4. Ảnh: AFP

Hà Lan cũng cố gắng tuyển thêm nhiều y bác sĩ lành nghề hơn để thu hẹp khoảng cách trình độ của lực lượng chăm sóc đặc biệt, theo thông tin từ Trung tâm y tế Erasmus – một trong những bệnh viện đại học lớn nhất châu Âu.

SIAARTI khuyến khích các sinh viên chuyên khoa năm cuối tham gia tuyến đầu chống dịch, cho rằng chính phủ nên có khoản hỗ trợ tài chính để thu hút sự quan tâm của đội ngũ này. Trước đó, Ủy ban Châu Âu và lãnh đạo Liên Minh Châu Âu đã bổ sung ngân sách để đưa các nhân viên y tế tới những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Hồi tháng 4, nhóm bác sĩ từ Na Uy và Romania đã lên đường đến Italy. Tuy nhiên, chiến dịch chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Thực tế là lượng nhân viên y tế còn quá ít ỏi so với số bệnh nhân leo thang nhanh chóng. Bác sĩ Maurizio Cecconi cho rằng chi viện bác sĩ giữa các quốc gia chỉ nên là sự lựa chọn thứ hai, bởi rào cản ngôn ngữ có thể khiến quá trình làm việc gặp trở ngại và kém hiệu quả.

Kể từ khi dịch bệnh khởi phát, gần như tất cả các quốc gia trên thế giới đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực, từ bác sĩ, y tá đến cả nhân viên tạp vụ phòng bệnh. Nhiều người nhiễm chéo nCoV, số khác nghỉ việc do quá áp lực, thậm chí có người tự tử. Các chuyên gia nhận định đây là vấn đề cốt yếu cần giải quyết để chuẩn bị tốt cho đợt sóng Covid-19 thứ hai.

Cụm dịch đầu tháng 6 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ổ lây nhiễm tiềm tàng trong các quán bar ở thành phố Seoul hay Tokyo là lời cảnh báo đối với các nước mới khống chế được virus, rằng đại dịch còn dài và đang bước vào thời kỳ nguy hiểm.

Theo Vnexpress

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *