Mình cũng rất muốn mang áo dài đi check-in ở nhiều đất nước, thành phố khác trên thế giới nữa, để tự hào nói rằng, áo dài Việt Nam chúng tôi đẹp lắm!
Nhân vật: Nguyễn Tuấn Khanh (Khánh Tuân)
Đến từ Vũng Tàu
Hiện đang sinh sống và làm việc ở TP HCM
Là một cựu sinh viên ngành Du lịch, đồng thời cũng làm việc bán thời gian như một hướng dẫn viên, nên niềm đam mê xê dịch trong mình vô cùng mãnh liệt. Từ năm 2020, mình và những người bạn đã ấp ủ phải có một chuyến đi xuyên Việt để đánh dấu cho tuổi trẻ.
Tuy nhiên, phải đến tháng 6 năm 2022, chuyến đi mới có thể thực hiện được. Thời điểm gói ghém hành trang cho chuyến đi, mình đã nghĩ, cần phải mang theo một người bạn đồng hành đặc biệt để chuyến đi trở nên đáng nhớ hơn bao giờ hết. Vì mình đã đợi đến 2 năm để thực hiện nó cơ mà.
Và người bạn đồng hành đặc biệt ấy chính là chiếc áo dài. Vì sao lại là áo dài ư? Vì đây chính là trang phục truyền thống, thể hiện rõ nhất cho các giá trị văn hóa của nước mình.
Mình muốn thông qua chuyến đi, những bức ảnh chụp mình mặc áo dài ở khắp các tỉnh thành ở Việt Nam, sẽ phần nào lan tỏa những giá trị văn hóa hòa cùng vẻ đẹp thiên nhiên, và năng lượng tích cực đến mọi người. Đặc biệt là những bạn cùng đam mê du lịch như mình.
Mình đã chọn 3 chiếc áo dài để mang theo trong thành trình 8000km+ 40 tỉnh thành, trong 40 ngày.
Đó là một áo dài truyền thống đen, 1 áo tấc xám khói và 1 chiếc áo dài cách tân. Tuy nhiên, mình chỉ sử dụng chính là áo đen và áo xám ở xuyên suốt các địa điểm, còn áo dài cách tân mình chỉ mặc Hội An vì thấy… nó hơi hiện đại quá, không hợp lắm với tinh thần truyền thống mà mình hướng tới.
Nói về chiếc mình sử dụng nhiều nhất thì chính là chiếc áo dài đen. Bởi nó không chỉ là chiếc áo dài truyền thống của người Việt, mà ở nơi mình sinh ra và lớn lên, xã Long Sơn – TP Vũng Tàu, áo dài đen còn mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa và tín ngưỡng.
Áo bà ba và áo dài đen là một trong những trang phục không thể thiếu trong mỗi gia đình người dân nơi đây, đặc biệt là những gia đình theo đạo Ông Trần.
Họ sẽ thường mặc nó vào những dịp lễ, Tết. Các bô lão cao tuổi, râu tóc bạc phơ cũng sẽ diện áo dài đen, hóa thân thành các ông đồ ở Nhà Lớn Long Sơn để viết liễn, vẽ nên những nét chữ tỉ mỉ, dành tặng cho con cháu.
Áo dài đen và áo bà ba đen còn được nhiều người mua về làm quà kỉ niệm, mỗi khi ghé xã Long Sơn, TP Vũng Tàu.
Khác với các loại hành lý khác, mình để những bộ áo dài riêng ra một balo nhỏ để có thể dễ dàng luôn mang bên mình, thay nhanh chóng mỗi khi đến địa điểm check-in. Có nhiều địa điểm mình chụp cùng áo dài có địa điểm hiểm trở, phải leo núi hay dốc cao thì việc mặc áo dài cũng có khó khăn đôi chút.
Bên cạnh bạn đồng hành là chiếc áo dài, mình còn có 3 người bạn khác cùng tham gia chuyến xuyên Việt lần này.
Dù trước lúc đi đã chuẩn bị rất kỹ về cả hành lý, sức khỏe và tinh thần, nhưng đúng là có những đoạn đường khiến 4 đứa chúng mình không thể không sợ. Có những đoạn, bạn mình có công việc nên nhóm còn bị “rụng” bớt, trở nên ít người hơn, nên cảm giác còn đáng sợ hơn.
Tiểu biểu để nhắc đến thì sẽ là những quãng đường như đường Võ Chí Công (từ Tam Kỳ đến Cửa Đại) – đây là con đường mình cảm thấy sợ ma nhất bởi 2 bên đường toàn những bia mộ; đường Trường Sơn Đông (từ Kon Tum đến Quảng Ngãi) – đây là con đường khắc nghiệt nhất bởi sự nắng gắt của thời tiết; đường Mường Chà đi Cực Tây, A Pa Chải – đường nguy hiểm nhất bởi có nhiều đoạn đường đèo, dốc cao và rong rêu trơn trượt; hay có cung đường mình phải đi vừa cầu nguyện, đó là đường đi cầu treo La Bá ở Đà Lạt.
Đoạn này đất đá là chủ yếu, có khúc dốc rất cao, có đoạn còn phải chạy qua một con suối chảy xiết. Mình đã từng nghe rất nhiều câu chuyện về trường hợp các xe máy đi đến đây bị đứt phanh, dẫn tới ngã xe và hư hỏng nặng nề.
Đi qua đoạn đường hiểm trở thì sẽ có con đường nhỏ bằng xi măng, tuy nhiên rất hẹp, chỉ khoảng 15 – 20cm, đủ cho 1 chiếc xe máy chạy.
Chính vì những điều trên mà khi đi qua đây, vừa đi bọn mình vừa phải cầu nguyện để vượt qua an toàn. Cũng may mắn là không có tai nạn nào xảy ra.
Dù trải qua nhiều quãng đường đáng sợ như đã kể ở trên, nhưng phải khi đến cực Tây của Tổ Quốc, mình mới trải qua cảm giác hoang mang tột độ. Lúc ấy, mình đã bị lạc ở khu vực… gần biên giới, đoạn Điện Biên – Lai Châu.
Lúc này, thời tiết mưa bão lớn, một vài đoạn đường mình đi qua còn bị sạt lở nghiêm trọng, mình lại lái xe đi một mình. Cũng bởi đi một mình nên mình lại càng không thể mở bản đồ ra xem liên tục, trời mưa làm hạn chế tầm nhìn nên mình đã bị lạc đường. Được một lúc, điện thoại mình cũng mất tín hiệu luôn.
May mắn thay là lúc đó là vào buổi trưa, mình vẫn bắt gặp một vài người dân bản địa và các anh bộ đội biên phòng để nhờ sự giúp đỡ. Kết quả là mình vẫn thành công chinh phục cột mốc cực Tây của Tổ Quốc.
Một lần khác đi vào buổi đêm cũng ly kỳ không kém, là mình và bạn thậm chí đã bị “đăng xuất” ra khỏi Việt Nam! Đó là khi chúng mình lái xe tới đoạn đèo Khau Cốc Chà – Pác Bó, điện thoại lại tiếp tục mất sóng, mất mạng và mất định vị. Tín hiệu trên thiết bị thì tự động chuyển vùng sang nước bạn Trung Quốc luôn.
Một cô diễn viên, ca sĩ nào đó đã từng phát biểu rằng, du lịch chỉ là để cho vui, làm hao tốn nhiều thứ. Nhưng với mình, mỗi chuyến đi là một lần được học hỏi. Ông bà ta cũng có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Câu nói này chính là thể hiện cho việc càng đi nhiều, khám phá nhiều thì vốn kiến thức sẽ ngày càng được mở rộng.
Mình được hiểu, được biết thêm về nhiều nền văn hóa, ẩm thực mới, được giao lưu, làm quen với nhiều người bạn mới trên mọi miền Tổ Quốc. Những thứ mình có được sau mỗi chuyến đi như thế chính là gia tài vô giá đối với bản thân mình.
Sắp tới, mình sẽ cố gắng thực hiện nhiều chuyến đi hơn nữa, khám phá nhiều hơn nữa những mảnh đất tuyệt vời của nước mình. Mình cũng rất muốn mang áo dài đi check-in ở nhiều đất nước, thành phố khác trên thế giới nữa, để tự hào nói rằng, áo dài Việt Nam chúng tôi đẹp lắm!
Leave a comment