Home Bí ẩn Câu chuyện thương tâm về 3 phi hành gia duy nhất đã hi sinh ngoài vũ trụ
Bí ẩn

Câu chuyện thương tâm về 3 phi hành gia duy nhất đã hi sinh ngoài vũ trụ

Năm 1971, ba nhà du hành vũ trụ người Nga đã phá kỷ lục về thời gian bay vào vũ trụ lâu nhất tại thời điểm đó, nhưng nhiệm vụ này đã kết thúc một cách bi thảm bởi một trục trặc trên đường trở về.

Khoảng nửa giờ trước khi tàu vũ trụ Soyuz của Liên Xô dự kiến hạ cánh vào ngày 30 tháng 6 năm 1971, tại vùng đồng bằng của Kazakhstan, trung tâm điều khiển chuyến bay đặt ở thành phố Yevpatoriya đã gặp phải sự cố im lặng bất ngờ.

Ba nhà du hành vũ trụ Liên Xô – Georgy Dobrovolsky, Vladislav Volkov và Viktor Patasayev – lúc này đang hạ cánh xuống Trái đất sau khoảng thời gian sống kỷ lục trên trạm vũ trụ Salyut 1, nơi họ thực hiện các thí nghiệm và khám phá nhiều điều chưa biết về cách cư trú của con người trong không gian.

Câu chuyện thương tâm về 3 phi hành gia duy nhất đã hi sinh ngoài vũ trụ - Ảnh 1.

Georgy Dobrovolsky (giữa), Viktor Patsayev (trái) và Vladislav Volkov (phải) trong cabin của tàu vũ trụ Soyuz.

Con tàu vũ trụ của họ, Soyuz 11, được phóng vào ngày 6 tháng 6 năm 1971. Vào thời điểm tàu Apollo 11 của Mỹ hạ cánh xuống mặt trăng hai năm trước đó, thời gian con người ở trong không gian lâu nhất chỉ khoảng hai tuần.

Còn phi hành đoàn Liên Xô này đã trải qua 23 ngày trong không gian, lập kỷ lục mới về sức chịu đựng của con người trong vũ trụ trước khi trở về nhà.

Khi con tàu quay đang trở lại, một nhân viên chịu trách nhiệm liên lạc đã bày tỏ lo ngại về việc thiếu báo cáo cập nhật từ các nhà du hành vũ trụ.

“Chúng tôi đã yêu cầu phi hành gia Dobrovolskiy cung cấp thông tin suốt thời gian mô-đun hạ cánh đi vào vùng phủ sóng, nhưng anh ấy không nói một lời nào”, người phụ trách liên lạc Aleksei Yeliseyev cho biết. “Thật lạ là phi hành gia Volkov lại ít nói đến thế. Trong lần kết nối trước, anh ấy nói rất nhiều.”

Mô-đun chở những người đàn ông quả cảm đã hạ cánh vào khoảng 2 giờ sáng, cách thị trấn Karazhal khoảng 90km về phía tây nam. Một đội cứu hộ ngay lập tức được cử đến.

Và thêm 20 phút im lặng khi nhóm phụ trách ở trung tâm điều khiển không nhận được thêm báo cáo nào.

Cuối cùng, tin tức của nhóm cứu hộ đã được truyền về. Ngồi “trong tư thế yên tĩnh”, ba phi hành gia được tìm thấy đã chết bên trong con tàu vũ trụ.

Phía sau cuộc đua lên mặt trăng

Câu chuyện thương tâm về 3 phi hành gia duy nhất đã hi sinh ngoài vũ trụ - Ảnh 2.

Người Nga xem chương trình phát sóng (bị chậm vài ngày) về cuộc đổ bộ lên mặt trăng của tàu vũ trụ Mỹ Apollo 11 vào tháng 7 năm 1969.

Nhiệm vụ Soyuz 11 bắt đầu khi mối quan tâm của công chúng đối với lĩnh vực khám phá vũ trụ giảm dần.

Khi đó, tàu Apollo 11 đã hạ cánh trên mặt trăng vào năm 1969. Nhiều nhà sử học cho rằng đó là sự kiện đánh dấu việc đã giải quyết xong cuộc chạy đua không gian vĩ đại giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Nhưng khi nó được cho là kết thúc, mọi người dần mất hứng thú. Bởi họ có vô vàn các vấn đề khác cần tiền để giải quyết.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều để khám phá về không gian và nhiều cột mốc chưa bị phá vỡ. Ví dụ, các nhà khoa học lúc đó chỉ có kiến thức hạn chế về tác động của tình trạng không trọng lượng kéo dài đối với cơ thể con người. Thời gian con người ở trong không gian lâu nhất tính đến thời điểm hạ cánh xuống mặt trăng chỉ là khoảng hai tuần.

“Liên Xô luôn quan tâm đến những tác động lâu dài của con người trong không gian”, Asif A. Siddiqi, giáo sư lịch sử của Đại học Fordham cho biết. “Bạn thực sự không thể nghĩ đến việc đi đến bất cứ đâu, chẳng hạn như sao Hỏa, trừ khi bạn thực sự hiểu cơ thể con người sẽ phản ứng như thế nào.”

Để bù lại tổn thất trong cuộc chạy đua lên mặt trăng, Liên Xô nhanh chóng chuyển hướng sang chương trình trạm vũ trụ. Họ tập hợp các thiết bị hiện có và gấp rút lắp ráp một trạm vũ trụ và phóng nó lên vào ngày 19 tháng 4 năm 1971. Con tàu được đặt tên là Salyut 1 và là trạm vũ trụ đầu tiên trên thế giới quay quanh Trái đất.

Nỗ lực đầu tiên đưa các nhà du hành vũ trụ lên trạm vũ trụ này diễn ra chỉ ba ngày sau khi phóng Salyut 1. Nhưng phi hành đoàn bốn người đã không thể cập bến và phải quay trở lại Trái đất trong vòng chưa đầy hai ngày.

Nỗ lực tiếp theo chính là Soyuz 11, diễn ra trong tháng 6 cùng năm.

Ban đầu, một nhóm ba phi hành gia khác đã được chỉ định để tham gia kế hoạch với Soyuz 11. Tuy nhiên, chỉ hai ngày trước khi phóng theo lịch trình, một điểm “có kích thước bằng quả trứng gà” bên trong phổi phải của một kỹ sư bay đã được phát hiện.

Một đội dự phòng bao gồm Dobrovolsky, chỉ huy, Volkov, kỹ sư bay và Patasayev, một kỹ sư nghiên cứu, sẽ thay thế đội chính. Nhóm ba người đầu tiên bị loại, đơn giản vì bạn không thể đưa một người mới vào thay ai đó trong nhóm ba phi hành gia. Bởi một tổ bay phải là những người đã được luyện tập cùng nhau rất lâu để có thể phối hợp và tương tác một cách nhuần nhuyễn.

Một bước nhảy vọt khác cho nhân loại

Câu chuyện thương tâm về 3 phi hành gia duy nhất đã hi sinh ngoài vũ trụ - Ảnh 3.

Bên trong trạm vũ trụ Salyut 1, cửa sập dẫn đến tàu vũ trụ Soyuz 11.

Soyuz 11 được phóng vào ngày 6 tháng 6 năm 1971. Ba nhà du hành vũ trụ nhanh chóng đạt được thành tích mang tính bước ngoặt khi cập bến thành công Salyut 1 vào ngày hôm sau.

Về cơ bản, trạm vũ trụ Salyut 1 có kích thước rất khiêm tốn. Nó tương đương với một căn hộ hai hoặc ba phòng ngủ. Rất nhiều nghiên cứu được tiến hành bên trong Salyut 1 có liên quan đến y sinh học, nhưng phi hành đoàn cũng đã thực hiện rất nhiều thí nghiệm khác.

Theo NASA, Patsayev là người đầu tiên vận hành kính viễn vọng trong không gian. Bên trong một buồng khác, các nhà du hành vũ trụ đã trồng bắp cải và hành tây. Patsayev cũng trở thành người đầu tiên tổ chức sinh nhật trong không gian, và những người đàn ông này đã bỏ phiếu cho một cuộc bầu cử ở Liên Xô.

Các nhà khoa học cũng muốn theo dõi chặt chẽ tác động của không gian đối với cơ thể con người. Một máy chạy bộ đã được lắp đặt trên Salyut 1 và các phi hành gia đã mặc bộ quần áo vũ trụ chứ không phải bộ đồ phi hành gia của họ trong trạm vũ trụ và cả Soyuz.

Tuy nhiên, các phi hành gia đã trải qua những thất bại bao gồm sự xuất hiện của một đám cháy nhỏ trên tàu cũng như các “xung đột về tính cách”. Dẫu vậy, phi hành đoàn này đã phá vỡ thành công kỷ lục ở trong không gian 18 ngày thiết lập vào năm 1970. Tổng cộng, họ đã dành khoảng 22 ngày tại trạm vũ trụ này.

Bi kịch bên trong Soyuz 11

Câu chuyện thương tâm về 3 phi hành gia duy nhất đã hi sinh ngoài vũ trụ - Ảnh 4.

Dobrovolsky, Volkov và Patsaev bên trong Soyuz 11.

Hầu hết mọi thứ về tàu vũ trụ Soyuz 11 đều hoạt động như dự định.

“Tàu vũ trụ Soyuz là một con tàu rất tự động, vì vậy bạn không phải làm gì nhiều”, giáo sư Siddiqi nói. “Chương trình đưa tàu Soyuz trở lại Trái đất vẫn tiếp tục hoạt động và nó hoạt động hoàn hảo.”

Mô-đun hạ cánh chở ba người đàn ông đã tự định hướng, và chiếc dù được triển khai vào rạng sáng ngày 30 tháng 6 năm 1971. Con tàu đã hạ cánh nhẹ nhàng trên thảo nguyên Kazakhstan. Một báo cáo cũng nói rằng các phi hành gia ở trong tình trạng thể chất tốt trong vài ngày cuối cùng của cuộc hành trình.

Nhưng một vài sai lầm trên con tàu và cả bởi chương trình không gian của Liên Xô đã dẫn đến cái chết thương tâm của các phi hành gia. Michael Smith, một nhà sử học tại Đại học Purdue, người đã nghiên cứu chương trình không gian của Liên Xô, nói rằng Soyuz 11 có thể coi “như một nghiên cứu điển hình về lập kế hoạch rủi ro.”

Soyuz 11 bao gồm ba mô-đun. Ở phía trước con tàu là một mô-đun hoạt động giống như không gian làm việc của phi hành đoàn. Ở giữa là cabin dành cho ba người và phía sau là mô-đun dịch vụ mang động cơ và nguồn điện. Để phân chia các mô-đun, các hộp nhỏ chứa chất nổ sẽ được khởi động vào một thời điểm chính xác theo trình tự. Tuy nhiên, trong sự cố này, các hộp đã bị kích hoạt cùng một lúc.

Và không may, chấn động của việc tách rời các mô-đun đã khiến một van trong cabin mở ra khi con tàu đang ở độ cao chết người. Không khí bên trong nhanh chóng bị giải phóng hết và chỉ trong vài giây, các phi hành gia đã bất tỉnh.

Không có bộ quần áo phi hành gia và bình dưỡng khí khẩn cấp để bảo vệ, các phi hành gia đã thiệt mạng. Vị trí của các thi thể sau đó cũng cho thấy Dobrovolski và Patsayev đã cố gắng đóng van, nhưng không thể phản ứng đủ nhanh.

Chỉ hai phút sau khi hạ cánh, một đội cứu hộ bằng trực thăng đã tiếp cận với mô-đun lúc này đang nằm nghiêng trên mặt đất.

Khi mở cửa sập, họ phát hiện cả ba người đang ngồi trên ghế trong “tư thế yên bình”. Có những đốm xanh sẫm trên mặt. Máu chảy ra từ mũi và tai các phi hành gia. Cơ thể phi hành gia Dobrovolsky vẫn còn ấm. Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức nhân tạo nhưng không thành công. Theo báo cáo, cái chết là do ngạt thở.

Không quá khó để hình dung cảm giác mà các phi hành gia đã trải qua trong những giây đầu tiên của sự cố. Một cơn đau dữ dội khắp cơ thể sẽ khiến họ không thể suy nghĩ và hiểu được chuyện gì xảy ra. Chắc chắn, họ đã nghe thấy tiếng rít của không khí thoát ra, nhưng màng nhĩ của họ nhanh chóng vỡ, và sự im lặng tuyệt đối bắt đầu. Dựa vào tốc độ giảm áp suất, họ có thể chủ động di chuyển và cố gắng làm điều gì đó trong khoảng 15 đến 20 giây đầu tiên.

Van bị mở ở độ cao khoảng 170 km, phía trên đường Karman – một ranh giới tưởng tượng thường được sử dụng để xác định thời điểm đạt đến chuyến bay vào vũ trụ. Dobrovolsky, Volkov và Patsayev là những người duy nhất cho đến nay đã chết ngoài ranh giới đó.

Một điều đáng tiếc là nếu các phi hành gia mặc bộ quần áo vũ trụ, họ chắc chắn có thể sống sót sau sự cố giảm áp suất. Tuy nhiên, đây là một vấn đề chung của nhiệm vụ, bởi các thử nghiệm trước đó không đầy đủ, một phần là do sự vội vàng bởi cuộc chạy đua vào không gian tạo ra.

“Rất nhiều hỏng hóc trong các tàu vũ trụ không xuất hiện ngay lập tức”, giáo sư Siddiqi nói. “Đôi khi bạn phải kiểm tra nó 50 lần trước khi có thứ gì đó xuất hiện. Vì vậy, họ đã không bay những thứ này đủ nhiều để thực sự biết nó sẽ phản ứng như thế nào.”

Những đóng góp cho lịch sử

Câu chuyện thương tâm về 3 phi hành gia duy nhất đã hi sinh ngoài vũ trụ - Ảnh 5.

Đám đông diễu hành qua Quảng trường Đỏ ở Moscow để tưởng nhớ cái chết của ba phi hành gia.

Theo tạp chí Time, một ngày quốc tang được tổ chức cùng với lễ tang cấp nhà nước lớn. Những lời chia buồn từ các nhà lãnh đạo Liên Xô đã được gửi đến gia đình của những người đàn ông. Nguyên thủ các quốc gia khác cũng gửi tới những lời chia buồn.

Trong một bức điện gửi Nikolai Podgorny, nguyên thủ quốc gia Liên Xô lúc bấy giờ, Tổng thống Mỹ đương thời Richard Nixon viết: “Nhân dân Mỹ cùng tôi bày tỏ với các bạn và nhân dân Liên Xô sự cảm thông sâu sắc nhất về cái chết bi thảm của ba nhà du hành vũ trụ Liên Xô. Cả thế giới đã theo dõi kỳ tích của những nhà thám hiểm dũng cảm này về những điều chưa biết và chia sẻ nỗi thống khổ về bi kịch của họ. Nhưng thành tích của các nhà du hành vũ trụ Dobrovolsky, Volkov và Patsayev sẽ còn mãi.”

Theo giáo sư sử học Siddiqi, cái chết của ba nhà du hành vũ trụ đã có tác động lâu dài đến chương trình vũ trụ của Liên Xô sau này. Trong 2 năm sau đó, các nỗ lực bay khác đã không được thực hiện.

Đến cuối những năm 1970, không còn trường hợp tử vong nào xảy ra nữa. Liên Xô đã phóng trạm vũ trụ Salyut 6 vào năm 1977. Nhiều phi hành đoàn lớn đã cập bến và dỡ hàng tại đây, và thời lượng của các nhiệm vụ tăng dần từ ba tháng lên sáu tháng.

Một lưu ý đáng mừng hơn là những thiết kế lại và cải tiến sau đó được thực hiện đối với các tàu vũ trụ dòng Soyuz (bao gồm cả bộ quần áo phi hành gia sử dụng trong quá trình đi và về) đã có độ bền đáng kể.

Tham khảo Business Insider

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Chuyện gì đang xảy ra ở New Zealand vậy?

Bão Gabrielle quét qua đảo Bắc ở New Zealand đã khiến hạ...

Bí mật hơn 100 năm tuổi: Điều gì được giấu trong chai bia ở ga Michigan?

Hai công nhân tên là Lukas Nielsen và Leo Kimble đã phát...

Tìm hiểu về ngôi làng bánh quy gừng biến mất ở Úc

Những lý do đằng sau sự biến mất của làng bánh quy...

Phụ nữ nông thôn Trung Quốc rửa bát bằng cám lợn, dư luận bùng tranh cãi

Đoạn video chia sẻ cảnh người phụ nữ đến từ Quý Châu,...