Home Tin Nước Úc Du Học Úc Tồn tại trên đất Úc
Du Học ÚcTin Nước Úc

Tồn tại trên đất Úc

Tôi còn nhớ mình bước chân lên đất Úc chỉ trước Tết âm lịch 2010 đúng một ngày. Xuống sân bay, quan cảnh xung quanh tuy lạ lẫm nhưng cũng không hiện đại như tôi hình dung trước đó. Sau một ngày nghỉ ngơi lấy lại sức, tôi may mắn được anh chủ nhà tên Danh (làm việc cho một xưởng may) giới thiệu vào làm việc lặt vặt trong xưởng. Tuy thời gian đầu tôi hơi choáng với mức lương được xem là bóc lột $6/h, nhưng vì mới ra nước ngoài đâu biết làm việc gì ra tiền, với lại tính ra tiền Việt thì cũng… không đến nỗi tệ. Mỗi tuần ngoài thời gian đi học (thường là 3 ngày), tôi tận dụng hết thời gian rảnh để đi làm, một ngày làm 12h ở xưởng từ 7h sáng đến 8h tối. Tôi nhớ tối đa một tuần tôi nhận được là trên $200, kể cũng tàm tạm, đủ tiền ăn ở… nhưng còn tiền học phí thì sao? Tôi theo học khóa Quản trị du lịch tại Học viện Carrick, một trường thu hút nhiều sinh viên quốc tế vì học phí chấp nhận được và điều kiện sinh hoạt hiện đại. Học phí của tôi một năm khoảng $13.000, còn những trường nổi tiếng như Melbourne Uni, Latrobe, Monash thì thường không dưới $25.000, ngoài tầm tay đối với điều kiện của tôi.

Tôi đưa một vài số liệu về chi phí sinh hoạt để mọi người dễ hình dung: một tô phở hay dĩa cơm tấm tại Úc có giá trung bình $10, thường một sinh viên tốn khoảng $15/ngày cho việc ăn uống, vé đi dịch vụ công cộng $120/tháng, tiền thuê nhà (tùy bang có sự khác biệt, Sydney là đắt nhất) thường khoảng $300/tháng, giá một chiếc quần Levi’s $100, đến mùa Sales giảm xuống còn $50…

Còn thu nhập thì mỗi người mỗi khác, sinh viên như tôi dù làm việc gì cũng chỉ thường được trả $10/h, một số sinh viên khác kiếm được việc làm văn phòng “ngon” hơn, khoảng $15/h nhưng chỉ làm được tối đa 20h/tuần, tôi có quen một vài anh chị sinh viên người Việt làm cộng tác viên cho ABC (tập đoàn truyền thông quốc gia của Úc) được nhận $25/h, nhưng họ là những sinh viên giỏi có kinh nghiệm sẵn ở Việt Nam, hoặc ít ra cũng đạt trình độ IELTS cỡ… 8 chấm. Nói xa hơn một chút cho dễ hình dung sự khác biệt giữa thu nhập của du học sinh và người có trình độ bản xứ, vị giáo viên dạy tôi trong trường nhận lương $70/h, còn những vị giáo sư, tiến sĩ tôi không rành nhưng chắc cũng khoảng $100/h (tôi nghĩ vậy).

Đã sang được đất Úc, làm sao để tiếp tục tồn tại lại là vấn đề lớn với tôi. Ba tháng sau khi làm việc ở xưởng may, tôi chuyển sang làm ở một công ty truyền hình cáp tại Úc. Nhiệm vụ của tôi là lo công việc in ấn và trực điện thoại, lần này có khả quan hơn, tôi được trả $15/h. Tôi làm ở nơi này được trên gần hai tháng rồi cũng ra đi vì không thích hợp.

student debt

Không việc làm, thời gian đóng học phí đã gần kề mà chưa biết tính sao, tôi lâm vào giai đoạn xuống tinh thần nhất kể từ khi bước chân đến Úc. Passport của tôi lại hết hạn, tôi phải lên Lãnh sự quán Việt Nam ở Sydney để làm mới. Nghèo cũng đã nghèo rồi, không thể nghèo hơn được nữa, tôi quyết định lên Sydney tham quan thành phố trong mơ, để được chiêm ngưỡng Cầu cảng, Nhà hát, những con Đại lộ nổi tiếng nhất của Úc. Từ những giây phút này, tôi bắt đầu có những thay đổi trong suy nghĩ tác động đến tâm tư tình cảm của bản thân cho đến tận bây giờ.

Sau một tuần “ăn chơi” ở Sydney, nói là vậy cho sang chứ thật ra tôi tốn không tới $200 suốt tuần đó, mà $100 là tiền làm passport mới rồi, còn khoảng tiền còn lại chủ yếu là để đi lại, những ai đến Sydney đều biết nơi này đi lại tốn kém thế nào. Trong một tuần này tôi “sống” được là nhờ sự đối đãi tận tình từ phía gia đình chị Rosa Nguyễn, một người bạn thân của anh tôi và cũng là người cùng quê với tôi. Nhân đây nếu chị có đọc được bài này, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến chị và gia đình, trong cuộc sống có những lúc bộn bề lo toan mà ta quên dành lời tình cảm cho những người thân yêu, tôi thuộc lớp người vô tâm như vậy chắc chị… cũng hiểu và thông cảm.

Trở về Melbourne, tôi xao nhãng chuyện học hành ở trường hẳn đi, đầu óc tôi giờ đây chỉ nghĩ đến chuyện làm sao có tiền đóng học phí. Những người có thể vay mượn được ở Việt Nam tôi đều đã làm, với thu nhập như hiện tại thì chắc chắn tôi ở lại nước Úc không quá 3 tháng nữa trước khi bị đuổi về nước.

Trời không phụ lòng người, trung tuần tháng 10/2010 tôi tình cờ xin được việc làm ở một nhà hàng ở khu phố Tây, những nhà hàng ở khu phố Việt thường khó xin việc vì rất đông sinh viên kiếm việc làm, vả lại tôi không thích làm việc ở khu phố Việt vì nó không giúp ích được nhu cầu cần trau dồi tiếng Anh. Làm việc kiếm tiền là một chuyện, nhưng ngoài ra mình còn phải tận dụng tối đa cơ hội, thời gian để học tập sự khác biệt giữa Tây và Ta nơi xứ người, tôi nghĩ vậy. Xin nói thêm rằng công việc nhà hàng (chạy bàn, phụ bếp) là công việc quen thuộc nhất với du học sinh Việt Nam tại Úc, ngoài ra có thể kể đến làm nails, làm farm, phụ bán hàng ở shop Tàu…

Ngày đầu tiên tôi đi chạy bàn: Tai họa!

Tôi phải thú nhận là đại họa mới đúng. Đối với những sinh viên khác thì bồi bàn là công việc khá đơn giản, riêng tôi không hiểu sao cả là một thử thách (thật xấu hổ). Tôi bưng bê bất cứ thứ gì cũng đổ, đến mức tôi cầm lon Coke đem ra cho khách cũng… rớt. Chỉ những ai đi làm thêm ở nước ngoài có chủ người Việt mới thấu hiểu chủ thường hay xỉ vả nhân viên thậm tệ đến mức nào, tôi còn là thằng vô dụng đặc biệt, những từ tôi đã phải nghe qua tôi không thể kể lại ở đây. Tôi chỉ cần biết sau giờ làm họ trả lương để tôi có thể tiếp tục sống, mà làm việc mệt quá cũng chẳng có thời gian để “nhục”, nếu chỉ nghe mắng nhiếc vài câu mà bỏ về nước thì qua Úc làm gì, học được gì ngoài sỉ diện hảo? Cứ thế tôi tiếp tục làm việc từ ngày này sang ngày khác và chỉ mong họ đừng có đuổi tôi, may mắn lúc đó nhà hàng đang cần người nên thằng vô dụng như tôi rồi cũng có đất dụng võ. Rồi từ từ tôi trở thành nhân viên làm việc lâu nhất tại đó, tính đến nay có lẽ gần 3 năm. Tôi đi làm đủ hết các ngày trong tuần vào mỗi tối, từ 5h đến 11h, về đến nhà khoảng 1h sáng, với thu nhập đủ để tôi trả tiền học phí, ăn ở và về Việt Nam thăm nhà mỗi năm một lần, chuyện tiền bạc vậy là tạm ổn.

Tôi đã khóc như thế!

chay ban
Năm 2010 trôi qua với nhiều kỷ niệm buồn, tôi đón năm 2011 với một sự kiện xảy ra mà có lẽ tôi không thể nào quên được trong suốt cuộc đời sau này. Trong một lần phục vụ khách, tôi đã lỡ tay làm đổ nguyên tô Phở vào vùng kín của một cô gái Úc. Tôi không biết làm gì cả! Cả thế giới là một màu đen, toàn thân tôi run lên, mọi người đều tránh ra, đưa cô gái này vào toilet để “xử lý” gấp. Tôi thì nghĩ chắc mình sẽ phải vào đồn cảnh sát vì ở xứ này, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người khác là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. May cho tôi, cô ấy không đến nỗi có vấn đề và đủ sức để tự đi về nhà, không quên để lại lời cảnh báo: “If there is any issue, I’ll see you”. Tối đó trên xe lửa về nhà, tôi đã khóc. Tôi chỉ nhớ lần gần nhất tôi khóc là vào năm 2000 lúc ba tôi qua đời.

Vài ngày sau, cô ấy quay lại nhà hàng với gương mặt không vui. Cô ấy thông báo rằng chiếc điện thoại Blackberry Bold của cô ấy đã bị hỏng. Nghe vậy nhưng trong lòng tôi mừng không kể xiết, tôi lo cô ấy có vấn đề gì thì cái mạng của mình sợ cũng đền không nổi, chứ còn một chiếc điện thoại thì có xá chi. Cô ấy chỉ muốn tôi sửa điện thoại cho cô ấy, nhưng tôi quyết định ngay lập tức, tôi sẽ mua cho cô ấy một chiếc điện thoại mới giống vậy. Sau này mỗi lần ghé nhà hàng cô ấy đều muốn tôi đến phục vụ và “tán dóc”. Cô ấy tên Miriam!

Annie Nguyen – Theo Usay

 

Related Articles

Quán quân Olympia 2019: Không đi du học Úc, không muốn bị coi là “nhân tài”

Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19 Trần Thế Trung...

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...