Làn sóng tức giận của công chúng với “Big White” – những tình nguyện viên mặc đồ bảo hộ trắng – ngày càng tăng khi Trung Quốc vẫn kiên quyết theo đuổi chính sách “Zero Covid-19”.
Ngay sau khi Thượng Hải bị phong tỏa, Mark Liu đã trở thành tình nguyện viên giúp đỡ chính quyền địa phương cung cấp nhu yếu phẩm cho hàng triệu cư dân, cũng như đảm bảo các hạn chế Covid-19 được chấp hành. Những người như Mark được biết đến với tên gọi là “Dabai”, hay “Big White”, theo Bloomberg.
Vị giám đốc kinh doanh 33 tuổi, người đã chuyển đến Thượng Hải gần đây từ Hong Kong, hy vọng rằng việc tham gia tình nguyện sẽ giúp anh có thêm thông tin về các ca mắc Covid-19 trong khu nhà của mình.
Trong phần lớn thời gian, các “Big White” làm việc với ủy ban khu phố để đảm bảo cư dân có được thực phẩm và nhu yếu phẩm duy trì cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, cũng như xét nghiệm Covid-19 hàng loạt diễn ra suôn sẻ nhất có thể.
Nhưng Mark sớm vỡ mộng với trải nghiệm này khi anh thấy một số tình nguyện viên lạm dụng quyền hạn để theo dõi hàng xóm. Một số khác thậm chí tận dụng chức vụ để mua thuốc lá điện tử theo nhóm – một mặt hàng xa xỉ mà họ từ chối đối với những người dân bình thường.
Làn sóng tức giận của công chúng với “Big White” – những tình nguyện viên mặc đồ bảo hộ trắng – ngày càng tăng. Ảnh: Bloomberg.
Tâm điểm của sự tức giận
“Big White” là từ dùng để mô tả cảnh sát, nhân viên y tế và tình nguyện viên trong bộ đồ bảo hộ trắng – hình ảnh đã trở nên phổ biến trong suốt đại dịch. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã sử dụng thuật ngữ trên kể từ khi virus corona xuất hiện vào năm 2020 ở Vũ Hán nhằm làm hình ảnh của những người này nhẹ nhàng hơn.
Biệt danh này giống với tên địa phương của nhân vật Baymax, một chú robot bơm hơi với giọng nói nhẹ nhàng trong bộ phim Big Hero 6.
Trên thực tế, trong khi chính sách “Zero Covid-19” giúp đất nước 1,4 tỷ dân kiểm soát dịch và hạn chế số ca tử vong trong giai đoạn đầu dịch bệnh, Trung Quốc đã phải phụ thuộc vào những tình nguyện viên “Big White” để duy trì biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.
“Luôn có một sự giằng co trong các hoạt động tập thể ở Trung Quốc, trong đó lợi ích cá nhân có thể bị thay thế bằng nhu cầu chung của xã hội”, Rana Mitter, giáo sư chính trị Trung Quốc tại Đại học Oxford (Anh), cho biết.
“‘Big White’ đóng một vai trò thuận lợi cho chính phủ, vì họ có thể là cầu nối xoa dịu sự tức giận của người dân từ các cơ quan trung ương”, ông nói.
Trước khi biến chủng Omicron bộc lộ những điểm yếu trong chính sách “Zero Covid-19”, nhiều người dân cũng ủng hộ lời kêu gọi hy sinh nhu cầu cá nhân vì mục tiêu lớn hơn là ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Giờ đây, suy nghĩ đó đang thay đổi cùng với quan điểm về “Big White”, những người ngày càng bị coi là nhân vật “phản diện”.
Trung Quốc đã phải phụ thuộc vào những tình nguyện viên “Big White” để duy trì biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Ảnh: Bloomberg.
Sau khi Thượng Hải bị phong tỏa vào đầu tháng 4, “Big White” đã trở thành tâm điểm của sự tức giận của công chúng trong vai trò là người thực thi biện pháp trừng phạt nếu người dân vi phạm chính sách “Zero Covid-19”.
Nhiều video được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy những hành động vô lý như dựng rào chắn chặn người dân trong nhà, hành hạ vật nuôi hoặc ngược đãi người già.
Video gây sốc gần đây quay lại cảnh các tình nguyện viên ở khu Phố Đông của Thượng Hải đánh đến chết một con chó corgi sau khi người chủ bị đưa đi cách ly.
Các nhà chức trách Trung Quốc nói rằng động vật có thể là vật trung gian lây lan virus corona.
Trong một bài đăng khác trên WeChat, một người phụ nữ đã mô tả cách những tình nguyện viên “Big White” cùng cảnh sát và một thợ khóa đột nhập vào căn hộ của bà cụ 94 tuổi vào nửa đêm và đưa bà đi cách ly.
Sau khi bà cụ không chịu rời đi, họ đã kéo lê bà trên mặt đất. Chính quyền địa phương đã biện minh cho hành động phá cửa là do họ lo lắng khi không có ai trả lời.
“Những tình nguyện viên ‘Big White’ đó không có chút tình người”, Samuel Yu, một giám đốc marketing 40 tuổi ở Thượng Hải, cho biết sau khi xem video. “Nhưng những người trong khu nhà tôi đã làm việc rất chăm chỉ kể từ khi khu vực bị phong tỏa. Tôi tin rằng đôi khi họ không có lựa chọn nào khác”.
Công việc căng thẳng
Một tình nguyện viên ở Thượng Hải, người đã yêu cầu giấu tên, cho biết anh đã đăng ký trực tuyến để trở thành “Big White” và được chính quyền thành phố chọn.
Mô tả công việc là “rất căng thẳng”, anh chia sẻ mình thường phải đứng ngoài trời trong bộ đồ bảo hộ trắng 6 tiếng mỗi lần. Điều đó có nghĩa là anh sẽ không uống nước để tránh đi vệ sinh trong thời gian này, nhằm tránh phải thay đồ bảo hộ.
Tình nguyện viên này cho biết thêm anh được yêu cầu không được ngồi trừ khi quá mệt.
Nhiều tình nguyện viên phải đứng ngoài trời trong bộ đồ bảo hộ trắng suốt 6 tiếng để hỗ trợ phân chia thực phẩm cho người dân và đảm bảo việc xét nghiệm hàng loạt diễn ra suôn sẻ. Ảnh: Bloomberg.
Gần đây, một video trên mạng xã hội đã quay cảnh nhân viên mặc đồ bảo hộ yêu cầu một người đàn ông ở Thượng Hải quay trở về nhà sau khi ông này bất chấp các lệnh hạn chế và cố gắng đi dạo bên ngoài.
Không có cách nào khác, tình nguyện viên chỉ biết đi theo sau, giơ loa vào người đàn ông với tiếng được phát lặp đi lặp lại “về nhà”.
Theo Bloomberg, hành vi như vậy cho thấy các tình nguyện viên không được trang bị, đào tạo tốt để đối phó với dịch bùng phát và củng cố hình ảnh rằng họ chỉ ở đó để thực hiện mệnh lệnh từ cấp trên.
Liu, tình nguyện viên ở Thượng Hải, cho biết “Big White” thậm chí còn không được dạy cách mặc và vứt bỏ đồ bảo hộ đúng cách.
Ralf, một người Đức 48 tuổi ở Thượng Hải, chia sẻ cuộc nói chuyện với một số tình nguyện viên giống như “nói chuyện với một đứa trẻ”. Nhiều người không có bất cứ kiến thức thực sự nào về Covid-19 hoặc có thể giải thích ý nghĩa của các quy tắc trong chính sách “Zero Covid-19”.
“Nếu bạn thấy đó là điều cần thiết, tốt cho chúng ta và cả thành phố khi có những ‘cảnh sát ngầm’ kiểm soát cư dân, thì những người này đang làm một công việc lớn lao”, ông nói. “Nhưng với tôi, họ là những người cai ngục”.
Theo Zingnews.vn
Leave a comment