Úc đang phải đối mặt với một cơn bão kinh tế, từ thất nghiệp gia tăng đến khủng hoảng tín dụng. Virus corona tấn công mạnh khiến nền kinh tế quốc gia này đang đứng trước nguy cơ suy thoái.
Thủ tướng “cầu cứu” doanh nghiệp
Hiện nay, virus corona tiếp tục lan rộng sang Úc và những lo ngại về sự suy thoái kinh tế tăng cao.
Thủ tướng Úc Scott Morrison dự kiến sẽ công bố các biện pháp kích thích kinh tế vào cuối tuần này. Hôm giữa tuần, ông đã kêu gọi các doanh nghiệp nâng cao tinh thần yêu nước và đoàn kết để đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn này.
“Bây giờ chúng ta có một mục tiêu cùng nhau thực hiện trong năm nay: Bảo vệ sức khỏe, phúc lợi và sinh kế của người Úc để vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu này và để đảm bảo rằng đất nước sẽ phục hồi mạnh mẽ về mọi mặt” – ông Scott Morrison cho biết và nói thêm với các doanh nghiệp rằng: “Chúng tôi cần bạn hỗ trợ nhân viên của mình bằng cách giữ họ làm việc tại công ty của mình. Hãy giữ lấy những nhân viên của bạn, bởi vì bạn sẽ cần họ giúp đỡ rất nhiều.”
Thủ tướng Úc Scott Morrison đã dự đoán rằng sự bùng phát của virus corona có thể có ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế Úc hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Phó Giáo sư Caroline Fisher thuộc trường Đại học Quốc gia Australia (ANU) cho rằng: Nếu như khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khiến các doanh nghiệp không có vốn thì trong dịch corona cho dù có ngân sách thì doanh nghiệp cũng không thể dễ dàng hoạt động vì nguồn cung nhiên liệu từ Trung Quốc bị gián đoạn.
Khủng hoảng bất động sản, du lịch
Theo các chuyên gia, sự sụt giảm kinh tế Úc trong gần ba thập kỷ qua có thể khiến cho thị trường bất động sản bị khủng hoảng. Theo các chuyên gia trong ngành, đại dịch corona có nguy cơ tàn phá một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Úc.
Nước này đang phải đối mặt với hàng loạt các tác động kinh tế như tỷ lệ thất nghiệp gia tăng do các doanh nghiệp, cửa hàng đóng cửa vì lo sợ sự lây nhiễm của virus corona, sự khủng hoảng của thị trường chứng khoán, thậm chí là nguy cơ khủng hoảng tín dụng khi các ngân hàng trên thế giới kiềm chế cho vay rủi ro.
Úc là nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc trong các nước phát triển, với khoảng 1/3 sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc. Công dân Trung Quốc chiếm khoảng 38% trong tổng số sinh viên nước ngoài tại Úc và 15% khách du lịch đến Úc.
Du khách Trung Quốc đã đóng góp tương đối nhiều cho nền kinh tế Úc. Du lịch quốc tế chiếm khoảng một phần tư thị trường du lịch Úc, và du khách Trung Quốc đã giúp tạo ra 0,6% GDP hàng năm của Úc. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của đại dịch corona đã tác động sâu rộng đến nền kinh tế Trung Quốc nói chung và ngành du lịch nói riêng, lệnh cấm đi lại giữa các quốc gia đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến ngành du lịch Úc.
Qantas – Hãng hàng không lớn nhất nước Úc – vừa tuyên bố phải cắt giảm 23% các chuyến bay, đồng thời cắt giảm 30% lương của hội ngũ quản lý cấp cao. Trong khi đó, để tránh phải buộc 2.000 nhân viên thôi việc, Qantas cũng đã đề nghị nhân viên nghỉ phép và nghỉ không lương để chia sẻ khó khăn với công ty.
Ngành giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề
Sinh viên Trung Quốc chiếm 38% trong tổng số sinh viên nước ngoài đang học tập tại Úc. Sinh viên quốc tế hiện đóng góp khoảng 23% vào doanh thu của các trường đại học Úc, trong đó riêng thị trường Trung Quốc đã đóng góp khoảng 9%.
Tuy nhiên, lệnh cấm du lịch của Úc đã đến vào đúng thời điểm mà hàng ngàn sinh viên Trung Quốc đến hoặc quay trở lại Úc để bắt đầu kỳ học sau dịp tết nguyên đán. Tháng 2 thường là tháng cao điểm cho người Trung Quốc đến Úc. Vào tháng 2 năm ngoái đã có khoảng 206.300 lượt khách Trung Quốc tới Úc – gần gấp đôi so với các tháng khác.
Có một số sinh viên Trung Quốc đã đi qua nước thứ 3 để tới Úc học tập, nhưng số còn lại thì vẫn chưa thể tới Úc. Cho đến lúc này, có khoảng 65.000 sinh viên nước ngoài vẫn chưa nhập học tại Úc, điều đó khiến cho các trường học tại nước này có nguy cơ mất 1,2 tỷ AUD nguồn thu từ học phí.
Không chỉ còn là những thiệt hại ước tính, ngày 11/3, trường Đại học Tasmania đã phải tuyên bố loại bỏ 75% khóa học ra khỏi chương trình của năm học tới nhằm đối phó với việc sụt giảm sinh viên nước ngoài.
Xuất khẩu sang Trung Quốc bị đình trệ
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Úc, chiếm tới 30% lượng hàng xuất khẩu của nước này. Vì vậy, khi đại dịch corona lan rộng và đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến Trung Quốc, nhu cầu mua hàng hóa của Trung Quốc đã giảm sâu.
Theo ABARES, cơ quan dự báo các vấn đề liên quan đến nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp, Nguồn nước và Môi trường Úc, ngành thủy sản Úc có thể thiệt hại 389 triệu AUD. Các mặt hàng tiêu dùng mà Trung Quốc thường nhập khẩu số lượng lớn từ Úc như thịt bò, thịt cừu, sữa cũng bị sụt giảm mạnh.
Ông Ben Jarman – nhà kinh tế cấp cao của công ty tài chính JP Morgan – nhận định: Nhu cầu tiêu dùng giảm cùng với việc sản xuất ngưng trệ tại Trung Quốc khiến cho việc xuất khẩu khí gas hóa lỏng và nhiên liệu thô như quặng sắt và các sản phẩm từ khai thác mỏ sang Trung Quốc đều bị giảm.
Theo ước tính của Ngân hàng Dự trữ và Bộ Ngân khố Úc, đại dịch corona có thể sẽ làm tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I của nước này giảm 0,5%. Tỷ lệ thất nghiệp tại Úc cũng được dự đoán là sẽ tăng cao hơn.
Theo Dân Trí