Home Tin Nước Úc Úc xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia cho các sản phẩm tự phân hủy
Tin Nước Úc

Úc xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia cho các sản phẩm tự phân hủy

Ước tính mỗi năm các công ty cấp thoát nước của Úc phải chi hơn 20 triệu AUD (khoảng 14 triệu USD) để loại bỏ rác thải, giúp các đường ống nước hoạt động bình thường.

Australia xay dung bo tieu chuan quoc gia cho cac san pham tu phan huy hinh anh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: lenconnect.com)

Úc đang lên kế hoạch nhằm giải quyết vấn đề tắc nghẽn các đường ống nước do chất thải từ các loại khăn ướt, giấy lau và các loại sản phẩm lau chùi, vệ sinh, được quảng cáo là có khả năng tự phân hủy.

Dự kiến một bộ tiêu chuẩn quốc gia mới sẽ được ban hành để đảm bảo phân loại đúng sản phẩm, buộc các nhà sản xuất gắn mác sản phẩm “có thể phân hủy được” phải thực sự phân hủy được.

Tiêu chuẩn mới bao gồm những yêu cầu như sản phẩm không được chứa hạt nhựa và có khả năng tự phân hủy sinh học thành các mảnh nhỏ tương đối nhanh chóng.

Các sản phẩm này cũng phải vượt qua “bài kiểm tra” về độ cứng, nghĩa là chúng sẽ không bám vào các đường ống, máy bơm hút nước, chảy đến các nhà máy xử lý chất thải hay nhà máy nước.

Các sản phẩm đủ tiêu chuẩn sẽ được “gắn mác” bằng một biểu tượng chung đồng nhất và dễ hiểu, giúp người tiêu dùng biết được chính xác rằng sản phẩm đó có thể được xử lý an toàn khi xả chúng vào các đường ống thoát nước, bồn rửa bát, chậu giặt, vệ sinh… mà không gây tích tụ, bám dầu mỡ hay tạo thành các loại rác thải gây tắc đường ống nước.

Ông Greg Ryan, từ Hiệp hội Dịch vụ nước của Úc, người đứng đầu ủy ban xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia nói trên, cho biết việc tham gia đăng ký “gắn mác” sản phẩm là hoàn toàn tự nguyện, nhưng chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả.

Ông nêu rõ trên thực tế hiện có nhiều sản phẩm lau chùi, vệ sinh đang được quảng cáo là có khả năng tự phân hủy. Chúng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và trực tiếp trở thành nguồn rác thải khó xử lý.

Việc ban hành một tiêu chuẩn chung sẽ là cơ sở để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, giúp các nhóm bảo vệ người tiêu dùng, bao gồm cả Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc, có thể căn cứ để kiểm tra các sản phẩm. Các nhà sản xuất cũng sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc nếu họ quảng cáo sai sự thật hay gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Rác thải từ các loại khăn giấy, giấy lau, các sản phẩm vệ sinh được quảng cáo là có khả năng tự phân hủy đang ngày càng trở thành một vấn đề nóng trên toàn cầu, đặc biệt là tại các thành phố lớn.

Ước tính mỗi năm các công ty cấp thoát nước của Úc phải chi hơn 20 triệu AUD (khoảng 14 triệu USD) để loại bỏ rác thải, giúp các đường ống nước hoạt động bình thường.

Vào tháng 4/2020, các công nhân thuộc Công ty Nước sạch của thành phố Melbourne (bang Victoria) đã phải mất cả ngày để loại bỏ một khối rác nặng 42 tấn ra khỏi hệ thống thoát nước của thành phố.

Tuy nhiên, khối rác này vẫn nhỏ hơn nhiều nếu so sánh với một khối rác khác, nặng 300 tấn và kéo dài hàng km, chủ yếu hình thành từ các sản phẩm vệ sinh “tự phân hủy,” được tìm thấy ở thành phố Birmingham của Anh vào năm ngoái./.

Theo Vietnamplus.vn

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...