Home Cộng Đồng Made in China 2025 – Kế hoạch của Trung Quốc khiến cả thế giới phải lo lắng!
Cộng Đồng

Made in China 2025 – Kế hoạch của Trung Quốc khiến cả thế giới phải lo lắng!

Underground tunnel connecting the pipes from the old plant to the new plant for transport gas and electrical line.

Báo Alo Úc – ‘Made in China 2025’ là kế hoạch phát triển công nghiệp 10 năm của Trung Quốc dựa trên nền tảng chiến lược Industrie 4.0 của Đức, đã và đang làm cho các doanh nghiệp và các chính phủ trên toàn thế giới phải lo ngại bởi những ảnh hưởng mà nó có thể gây ra cho giao thương toàn cầu. “Những kế hoạch này rất táo bạo vì chúng không nhắm đến việc đưa các nhà sản xuất nội địa thống trị thị trường trong nước, mà chúng nhắm tới việc đưa Trung Quốc thống trị toàn thế giới,” ông Neal O’Connor cho biết.

Vấn đề căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn còn là một điểm nóng chưa có dấu hiệu ‘nguội’, cũng chính vì Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ đang kích động cuộc chiến thương mại nhằm mục đích làm suy yếu chính sách này của Trung Quốc. Thế nhưng lý do là gì để cả thế giới phải lo ngại về chính sách này?

‘Made in China 2025’ là gì?

Kế hoạch này được công bố vào tháng 10 năm 2015 với cái tên gọi ‘Made in China 2025’, vẽ ra đường hướng phát triển cho ngành công nghiệp chế tạo tại Trung Quốc trong tương lai.

Với mục tiêu cuối cùng là sẽ biến Trung Quốc thành siêu cường quốc chế tạo trên thế giới, chính phủ Bắc Kinh không ngần ngại đổ vào dự án này đâu đó khoảng 300 tỷ Mỹ kim.

Kế hoạch này bao phủ toàn bộ những lĩnh vực sau đây: Robot, tự động hóa, công nghệ sinh học, hàng không vũ trụ, phương tiện sử dụng năng lượng thay thế (xe điện), vận chuyển cao cấp, thiết bị đường sắt tiên tiến, thiết bị điện và vật liệu mới (năng lượng mặt trời), phần mềm và công nghệ thông tin thế hệ mới, thiết bị viễn thông cũng như các máy móc nông nghiệp.

Danh sách chưa hề dừng tại đó, Trung Quốc còn có chiến lược phát triển riêng cho trí tuệ nhân tạo được phát hành vào năm 2017, mục tiêu biến Trung Quốc trở thành trung tâm đột phá công nghệ AI của thế giới vào năm 2030.

Tất cả những ngành công nghiệp kể trên đều sẽ nhận được hỗ trợ từ chính phủ bằng những khoảng vay lãi xuất thấp, miễn phí thuê đất đai và thậm chí là miễn thuế nhằm đánh bại các đối thủ cạnh tranh trên thế giới trong những lĩnh vực này.

Neale O’Connor, một chuyên gia nghiên cứu đột phá công nghệ và chế tạo của Trung Quốc tại trường Đại học Monash cơ sở Malaysia đã cho biết, Trung Quốc hi vọng sẽ biến mình trở thành nhà sản xuất cao cấp với những liên kết thương mại toàn cầu.

“Mục tiêu là tập trung đưa Trung Quốc thoát khỏi sự phụ thuộc vào những công ty quốc tế và cung cấp nguồn lao động giá rẻ để thực sự trở thành một nền kinh tế độc lập với định hướng công nghệ.”

Tại sao mọi người lo lắng về động thái này của Trung Quốc?

Một số mảng trong chính sách của Trung Quốc thực sự vi phạm luật của WTO (World Trade Organizations).

Cụ thể là chính sách có các hạn ngạch về việc tự cung tự cấp trong một số thành phần công nghệ cao, điều này sẽ giúp cho Trung Quốc không cần thiết phải giao thương với bất kỳ quốc gia nào khác để có được công nghệ đó.

Theo Hội đồng Quan hệ Đối Ngoại (CFR), đây sẽ là một cơn ác mộng đối với các nước phát triển công nghệ như Nam Hàn và Đức, vì các nước này đặt việc xuất khẩu công nghệ cao là mũi nhọn của nền kinh tế quốc gia.

Liên quan đến việc này, thêm một câu hỏi đặt ra nữa là: Làm cách nào Trung Quốc có được những bí quyết để chế tạo ra những thành phần công nghệ cao đó?

Cho đến hiện tại, Trung Quốc vẫn liên tục bị thế giới lên án là trộm cắp những bí quyết mà họ mong muốn đạt được, thông qua việc giao thương với các nước khác. Thậm chí là sử dụng mạng ảo để tấn công “hệ thống mạng thương mại của Mỹ để phục vụ mục tiêu chính sách phát triển công nghiệp của Trung Quốc”, dẫn theo lời của Văn phòng Đại diện Thương Mại Hoa Kỳ.

Trung Quốc cũng bị cáo buộc đã sử dụng những luật tiếp cận thị trường nghiêm ngặt để có được những sở hữu trí tuệ từ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

Khi các doanh nghiệp nước ngoài muốn vào thị trường béo bở của Trung Quốc, tất cả đều phải bắt đầu bằng hình thức liên doanh với một công ty nội địa theo luật của nước này. Những công ty nước ngoài cũng vì thế mà được yêu cầu phải chia sẻ tài sản trí tuệ của họ với công ty nội địa mà họ hợp tác.

Cuối cùng thì những công ty Trung Quốc này cũng chiếm được bí quyết công nghệ cao từ những công ty nước ngoài mà chẳng cần phải ra mặt cạnh tranh với họ tại thị trường Trung Quốc, phần lớn là phải cám ơn chính sách trợ cấp của chính phủ.

Tại sao Bắc Kinh lại nhắm vào kế hoạch này?

Trung Quốc là cái lò sản xuất của thế giới trong nhiều năm qua, nhưng họ vẫn chủ yếu sản xuất các mặt hàng công nghệ thấp. Khi nói đến “Made in China” mọi người luôn liên tưởng đến những sản phẩm rẻ tiền và chất lượng thấp.

Chính sách này nhắm đến việc khai trừ những quan niệm tiêu cực đó về sản phẩm Trung Quốc.

Cũng tại thời điểm này, nền kinh tế của Trung Quốc đang phải đối mặt với một cơ số những khó khăn trong quá trình tăng trưởng, ví dụ như việc giá lao động tăng dần, tỉ lệ thay nhân viên cao và hiệu quả sản xuất thấp hơn so với tiêu chuẩn của toàn cầu.

Trung Quốc sợ rằng những nước với giá nhân công rẻ như Việt Nam cuối cùng rồi cũng sẽ qua mặt họ.

Chuyên gia kinh tế cấp cao của ANZ cho Greater China – Betty Wang cho biết, việc chính phủ quyết định chuyển sang sản xuất một cách thông minh hơn là cần thiết.

“Về cơ cấu xuất khẩu của Trung Quốc và hoa Kỳ, hiện tại sản phẩm ‘Made in China’ chỉ có 65% giá trị gia tăng, trong khi các sản phẩm sản xuất tại Hoa Kỳ thì có đến 85%,” bà Wang nói.

“Nếu Trung Quốc muốn giữ vững thế cạnh tranh của họ trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thì họ phải cải thiện khả năng sản xuất.”

Theo SBS Vietnamese