Theo Đài SBS, Khảo sát về Thu nhập và Động lực lao động tại Úc (HILDA) được thực hiện từ năm 2001 và theo dõi hơn 17.500 người thuộc 9.500 hộ. Đến năm 2017, khoảng 56% nam giới từ 18-29 tuổi vẫn sống với gia đình, tăng lên so với 47% vào năm 2001.
Trong cùng giai đoạn trên, tỷ lệ nữ giới từ 18-29 tuổi sống với cha mẹ tăng từ 36% lên 54%.
Theo khảo sát, sự gia tăng đáng chú ý nhất là ở nhóm nữ giới từ 20-25 tuổi. Cụ thể, khoảng 30% nữ giới từ 22-25 tuổi sống với cha mẹ vào năm 2001 thì tỷ lệ này tăng lên đến 58% vào năm 2017.
Trước đây, phụ nữ thường có bạn đời và sinh con sớm hơn so với nam giới nên tỷ lệ nhóm này rời nhà cha mẹ cũng cao hơn.
Khuynh hướng kết hôn và sinh con vẫn không thay đổi, nhưng ngày càng có nhiều người vẫn tiếp tục sống với cha mẹ.
Tính trung bình, độ tuổi phụ nữ rời gia đình là 22,1 tuổi vào năm 2001 và 24,2 tuổi vào năm 2017. Độ tuổi này tương ứng ở nam giới là 23,1 tuổi và 23,5 tuổi.
Theo giáo sư Roger Wilinks tham gia thực hiện khảo sát, xu hướng ngày càng có nhiều người trẻ ở với bố mẹ có thể xuất phát từ nguyên nhân thị trường lao động ngày càng giới hạn và cạnh tranh hơn.
“Họ cần phải có học vấn cao hơn để tìm việc nên tiếp tục việc học lâu hơn trước”, theo ông Wilkins.
Theo ông Wilkins, giới trẻ Úc “trì hoãn trưởng thành” vì họ có nhiều thời gian để học và làm việc hơn. “Tuổi thọ cũng cao hơn nên họ sẽ bắt đầu trưởng thành chậm hơn và kết thúc cũng chậm hơn”, ông phân tích.
Bên cạnh đó, khoảng 76% người trẻ sống với cha mẹ cho biết họ vẫn còn độc thân, trong khi tỷ lệ độc thân của người trẻ trên cả nước này là 56%.
Theo Báo Thanh Niên