Sáng kiến phục hồi chuỗi cung ứng (SCRI) sẽ giúp bảo vệ các chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Đồng thời sáng kiến này có thể được mở rộng để thêm vào cả 10 nước ASEAN.
Dịch COVID-19 đã cho thấy tầm quan trọng của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng đối với nhiều quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ và Úc thay vì chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc. Và để phòng một “tai họa” khác trong tương lai tương tự COVID-19, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc có thể sẽ chính thức hợp tác ba bên để bảo vệ các chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Theo báo South China Morning Post, Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản đã đề cập một sáng kiến như trên với phía chính phủ Ấn Độ cách đây khoảng 1 tháng. Nó có tên là Sáng kiến phục hồi chuỗi cung ứng (SCRI).
Các cuộc thảo luận phi chính thức về sáng kiến trên giữa Nhật Bản và Ấn Độ vẫn đang diễn ra. Dự kiến họ sẽ thảo luận thêm nữa trong suốt hội nghị thượng đỉnh Nhật – Ấn vào đầu tháng 9 tới.
Các nhà ngoại giao cho biết tại hội nghị thượng đỉnh này, có thể Nhật Bản sẽ thảo luận khả năng chuyển một số đơn vị sản xuất của nước này sang Ấn Độ, nằm một phần trong sáng kiến.
Trong khi đó, Úc vẫn chưa chính thức đồng ý tham gia sáng kiến, nhưng các cuộc thảo luận về việc đưa Úc vào sáng kiến này vẫn đang diễn ra. Thời gian qua quan hệ thương mại giữa Úc và Trung Quốc ngày càng căng thẳng.
“COVID-19 đã cho 3 nước thấy được cần giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Sáng kiến này có thể sẽ là hòn đá lót đường hướng tới khôi phục kinh tế khu vực và thúc đẩy tái phân phối quyền lực khu vực ra khỏi Trung Quốc” – chuyên gia Jagannath Pand (Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng Manohar Parrikar ở New Delhi) bình luận.
Còn giáo sư Mark Goh (Đại học Quốc gia Singapore) nói rằng nếu được triển khai đầy đủ, sáng kiến trên sẽ liên kết tất cả quan hệ song phương riêng lẻ giữa các quốc gia. Đồng thời, cuối cùng sáng kiến có thể được mở rộng để đưa cả 10 nước ASEAN tham gia.
Ông Goh nói với việc việc tham gia sáng kiến SCRI, ASEAN có thể quản lý được rủi ro về cung ứng và cải thiện khả năng phục hồi nhờ vào sử dụng cách tiếp cận “đề phòng” này.
Leave a comment