Báo Alo Úc – Nyadol Nyuon – hiện là luật sư đồng thời từng là người tị nạn đã mở đầu topic trên diễn đàn Melbourne về những thách thức mà người nhập cư châu Phi đang phải đối mặt tại Úc.
Kể từ khi đặt chân tới nước Úc vào năm 18 tuổi, cô đã đạt được rất nhiều thành công. Tuy nhiên, con đường dẫn tới những thành công đó là đầy trở ngại.
Sinh ra trong một trại tị nạn ở Ethiopia sau khi gia đình cô chạy trốn khỏi cuộc xung đột Nam Sudan vào cuối những năm 1980, Nyuon đã dành phần lớn tuổi trẻ của mình trong trại Kakuma ở Kenya.
Cô được đoàn tụ với mẹ vào năm 2000, sau đó họ nộp đơn xin định cư cùng nhau tại Úc. Đó là mảnh đất nơi cô có thể theo đuổi ước mơ trở thành một luật sư .
Cô chia sẻ với SBS News: Từ khi còn trong trại tị nạn, tôi đã biết mình muốn học sâu hơn nữa, tôi biết mình muốn trở thành một luật sư, và nước Úc đã cho tôi cơ hội làm điều đó.”
Tôi đã thực sự rất háo hức được đến Úc và cầu nguyện mỗi ngày cho điều đấy xảy ra để có thể làm tất cả những điều mà tôi không thể trong một trại tị nạn.”
Sau “kỳ trăng mật”
“Điều vỡ mộng đầu tiên là phải dùng chung phòng với hai đứa em”, cô nói đùa. “Nhưng điều đó có đáng gì, quan trọng là tôi sẽ được học hết phổ thông, tôi sẽ lên Đại học và trở thành luật sư. Tôi phải được thấy các em mình lớn lên trong một môi trường an toàn và hòa bình.
Và rồi những thách thức thực sự mới xuất hiện sau những ngày tháng ngọt ngào ban đầu. Cô kể: “Tôi bắt đầu để ý đến những vấn đề từ cộng đồng. Ở Úc, tôi ý thức hơn việc mình là người da đen, hơn lúc còn ở trong các trại tị nạn, bởi lúc đấy xung quanh tôi mọi người đều da đen.”
“Vậy nên, mỗi khi bị réo tên trên đường, bị nói ‘Cút về nước đi’, tôi đã không gục ngã, chỉ là chút chạnh long khi nhận ra sự có mặt của mình không được chào đón ở đây.”
Những thách thức từ cộng đồng
Nyuon đã tham gia một diễn đàn vào thứ Tư do giáo phận Anh giáo tại Melbourne tổ chức. Sự kiện diễn ra tại nhà hát Deakin Edge, quảng trường Federation nhằm nhìn nhận lại những thách thức mà cộng đồng gốc châu Phi phải đối mặt liên quan đến các báo cáo gần đây về những vụ án của một nhóm thiểu số thanh niên gốc Nam Sudan.
Trên trang web của Giáo phận Anh giáo Melbourne có viết: "Có phải người dân Melbourne quá sợ hãi đến nỗi không dám đi ra ngoài ăn tối, như Bộ trưởng Nội vụ liên bang Peter Dutton đã cáo buộc? Có phải thanh niên gốc Sudan đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát, hay phải chăng cả cộng đồng đang kỳ thị và vơ đũa cả nắm một cách không công bằng.
Nyuon cho rằng hành vi của những người liên quan đến các vụ án được báo cáo là không thể tha thứ. Chúng ta phải hiểu rằng nạn nhân của những vụ án đó đã trải qua những điều rất kinh khủng.
Cô tâm sự: Là một người đã bị lôi ra khỏi nhà của mình, tôi không muốn bất cứ ai phải trải qua nỗi kinh hoàng của cảm giác không an toàn trên chính giường hay trong chính nhà của họ. Thật không công bằng nếu cố lờ đi sự sợ hãi và lo ngại của người dân.”
Nhưng cô cũng cho rằng với một số người tị nạn trẻ tuổi, rất khó để có thể tìm được chỗ đứng trong một vùng đất mới. Điều này thực sự phức tạp, tôi nghĩ rằng vấn đề chúng ta đang gặp phải là những người trẻ cảm thấy bị lạc lõng trên chính quê hương họ, những người mang quốc tịch Úc và chúng ta không nhất thiết phải gọi họ là thanh niên gốc Sudan.
Vấn đề về những người trẻ đang phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử, cảm thấy choáng váng với cả hai danh phận – người Úc và người châu Phi, và phải vật lộn với nạn thất nghiệp”
Vật lộn để an cư lạc nghiệp
Giáo dân Anh giáo – ông Jackson Soma, người cũng đã phát biểu tại Diễn đàn Melbourne, nói với SBS News rằng ông cũng gặp phải những vấn đề tương tự sau khi tị nạn đến Úc năm 2003.
“Từ an cư có nghĩa rất rộng”, ông Soma nói, “Và chính phủ nghĩ rằng nếu ai đó ở đây được 5 năm thì người đó đã an cư.”
Nhưng thực tế thì không, người di cư vẫn phải vật lộn với việc an cư thậm chí sau mười năm, đấy là một trong những vấn đề lớn di dân gặp phải. Tôi quan ngại rằng một số người có thể đang vô vọng và nghĩ họ không có tương lai ở đất nước này.
Cả ông Soma và Nyuon đều lo ngại, những câu chuyện xoay quanh việc phạm tội của đám thanh niên có thể làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Nyuon cho rằng điều đó có thể dẫn tới việc người dân trả đũa lại nhóm thiểu số mà họ cho rằng liên quan đến những hành vi sai trái.
Điều đó có thể làm cho nhiều người gặp nguy hiểm hơn. Nếu chúng ta không cẩn thận trong cách nói, chính chúng ta đang tạo ra sự mâu thuẫn.
Nyuon đồng ý rằng những nỗ lực của cảnh sát là hữu ích, nhưng hành động tích cực, nhân ái của cộng đồng mới có tác động nhiều nhất.
“Nhà thờ cũng đóng góp rất nhiều trong những cuộc tuần tra đêm liên tục nhằm giúp đem những người trẻ nghiện ngập, rượu chè ra khỏi đường phố”, Nyuon nói về nhóm hỗ trợ tiếp cận đường phố có tên Daughters of Jerusalem mà SBS News đã đưa tin vào năm ngoái.
Nyoun tin rằng sự đoàn kết của cộng đồng sẽ được đền đáp, nếu những người trẻ thấy được càng nhiều những tấm gương đã thành công trên địa phương, họ sẽ càng nỗ lực phấn đấu hơn. Nyuon nói: Đa số người gốc Nam Sudan đang cố gắng hết sức và tận dụng mọi cơ hội có được ở Úc, để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Hà Vy – Báo Alo Úc