(www.Alouc.com) – Từ chủ một tập đoàn khai khoáng sở hữu hàng chục triệu USD, David Glasheen trở thành một người đàn ông sống cô độc trên hoang đảo.
Nếu chỉ nhìn vào cơ ngơi của David Glasheen, ít ai có thể đoán người đàn ông ngoài 70 tuổi này từng là một doanh nhân thành đạt thế kỷ trước. Vào những năm 1980, ông đang là chủ tịch một tập đoàn khoáng sản có trụ sở tại Sydney, chủ yếu khai thác vàng ở Papua New Guinea. David cũng chơi chứng khoán, tích luỹ khối tài sản lên tới 28,4 triệu USD.
David Glasheen trong căn nhà tự dựng trên hoang đảo. Ảnh: Brian Cassey. |
Thế nhưng, một sự kiện định mệnh năm 1987 đã phủ bóng đen lên cả cuộc đời ông nhiều năm về sau. Ngày 19/10, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 508 điểm xuống, mất tới 22,6%. Đó là Ngày thứ hai đen tối với không chỉ riêng với Mỹ mà còn gây nên “hiệu ứng Domino”, khiến cuộc khủng hoàng tài chính lan tới thị trường Australia, Anh, Hong Kong… Những nhà đầu tư trên khắp thế giới mất trắng hàng trăm triệu USD. David không đứng ngoài cuộc, ông cũng mất 7,28 triệu USD trong vòng 24 giờ.
“Những năm sau thực sự khó khăn. Vợ tôi thua lỗ rất nhiều tiền, cô ấy cho rằng phần lớn sai lầm do tôi gây ra. Gia đình tôi tan vỡ từ năm 1991”, David nhớ lại.
David kết thúc sự nghiệp kinh doanh của mình trước vành móng ngựa, mất tất cả khi ngân hàng vào cuộc. Tới năm 1993, ông gần như trắng tay. Triệu phú một thời phải tự tìm lối thoát cho mình.
Cuối năm đó, David gặp một phụ nữ người Zimbabwe mới ly hôn. Đồng cảm với tình cảnh của nhau, hai người như tìm thấy bến đỗ bình yên của cuộc đời sau bao đổ vỡ. Họ quyết định cùng gây dựng cơ ngơi mới, khi bạn bè tiết lộ rằng có người đang cho thuê hòn đảo Restoration nguyên sơ rộng gần 26 ha ngoài bờ đông Australia. Không bỏ lỡ cơ hội, cả hai tới đó và dựng lên một căn lều tạm trên bờ biển, ấp ủ kế hoạch xây dựng một khu nghỉ dưỡng 60 phòng sang trọng tại đó.
Không chịu nổi cuộc sống tạm bợ trên hòn đảo hoang sơ, không nước nóng, bồn tắm hay điều hoà, bạn gái của David nhanh chóng trở về chốn thành thị.
Sau mối tình chớm nở chóng tàn, người đàn ông trung niên quay cuồng trong cuộc đấu tranh với thổ dân trong vùng, những người quyết ngăn cản ông xây khu nghỉ dưỡng mới.
Nhưng từng giấc mơ của David cứ lần lượt tan biến như những con tàu đắm giữa đại dương, còn ông bơ vơ như hành khách duy nhất sống sót dạt vào hoang đảo. Năm 1997, David quyết định bỏ lại tất cả, bắt đầu cuộc sống như Robinson Crusoe ngoài đời thực.
Cuộc sống trên đảo Restoration không đến nỗi quá tệ với David. Hơn hai thập niên qua, ông nâng cấp tiền đồn từ Thế chiến II thành một ngôi nhà vững chãi sử dụng năng lượng mặt trời và có internet. Ông gọi tổ ấm của mình là khu cắm trại nửa sao, với môi trường 5 sao bao quanh.
Cư dân đặc biệt này cũng không thích mặc quần áo hay đi giày dép, ông chỉ mặc quần khi đón khách hay mặc thêm một chiếc áo ba lỗ khi có dịp thực sự trang trọng.
Ông tự trồng rau, bắt hải sản tươi từ biển mỗi ngày. Từ hòn đảo, David chỉ cần lái thuyền khoảng một giờ là tới đất liền, ghé cửa hàng tạp hoá ở Cairn mỗi năm một lần.
David tự nấu bia để đổi lấy cá của ngư dân. Ảnh: Brian Cassey. |
David từng đón tiếp nhiều khách du lịch, dân phượt, trong đó có cả diễn viên nổi tiếng Russell Crowe. “Có những người không quen đương đầu với nguy hiểm, phản ứng của họ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ. Đàn ông còn chán hơn, tôi từng chứng kiến những người đàn ông khóc lóc đòi quay đầu cano về đất liền. Tôi chỉ nói ‘Không được, chúng ta phải tiếp tục đi, hòn đảo ở ngay kia thôi. Chẳng có nơi nào để quay về cả'”, David chia sẻ.
Có thể nhiều người nghĩ David không hề buồn chán khi chọn một thân một mình sống trên hoang đảo, thực sự ông chưa từng ngừng mong mỏi có ai đó đồng hành với mình. Ông từng thử nhiều cách từ hẹn hò qua mạng, trò chuyện trên điện thoại hay thậm chí có người đồng ý tới sống cùng ông. Song mọi chuyện không dễ dàng.
“Tôi không cần một người chỉ muốn ra đảo nghỉ dưỡng một chuyến. Nhưng tôi cũng không chỉ có một mình, vì còn có một chú chó làm bạn”, David trả lời Sydney Morning Herald.
David có một mannequin đặt trong nhà để bớt cô đơn. Ảnh: Brian Cassey. |
Với David, điều tuyệt vời nhất khi sống như một thầy tu khổ hạnh chính là tâm hồn an yên khi tách biệt khỏi nhịp sống hối hả nơi đất liền, nhưng không vì thế mà ông ngừng quan tâm đến những gì đang diễn ra. David đọc rất nhiều, và có chính kiến riêng trước mọi diễn biến kinh tế hay chính trị, từ Triều Tiên tới Donald Trump hay Brexit.
Thậm chí ngài Robinson thời hiện đại vẫn chơi chứng khoán, một đam mê chưa bao giờ tắt. Khi được hỏi lời khuyên về thị trường tài chính, ông hào hứng chia sẻ: “Nếu bạn quen biết những giám đốc quản lý thành công và biết thông số về hoạt động kinh doanh của họ, hãy đi theo những người này, bạn sẽ kiếm được tiền. Và khởi đầu nhỏ thôi. Tôi tin vào những người xây cầu hay kim tự tháp, họ đều có điểm chung là bắt đầu từ những bước nhỏ nhất. Họ đều mắc sai lầm, bạn cũng sẽ mắc sai lầm thôi. Bạn phải đánh đổi, sau đó mới kiếm ra tiền. Hoặc nếu bạn có kết thúc sự nghiệp bằng những ngày cởi trần trên hoang đảo và ăn cua từ sáng đến tối, điều đó cũng không quá tệ”.
Theo Vnexpress