Lợi dụng nhu cầu việc làm cấp thiết của du học sinh, nhiều người chủ ở Sydney chỉ trả cho sinh viên nước ngoài làm thêm số tiền là 8 đô la Úc/giờ, thấp hơn một nửa so với quy định của pháp luật nước này. Tiền lương bèo bọt buộc du học sinh phải làm đến 40 giờ/tuần, vi phạm quy định về thời gian làm việc tối đa đối với visa sinh viên, khiến nguy cơ bị trục xuất cao hơn. Theo luật pháp Australia, du học sinh chỉ được làm thêm tối đa 20 giờ/tuần, mức lương tối thiểu là 16,87 đô/giờ.
Theo Fairfax Media, hơn 50 du học sinh ở một trường dạy tiếng Anh ở Sydney cho biết họ nhận được ít hơn mức lương tối thiểu. Ít nhất 12 sinh viên khẳng định họ chỉ nhận được 10 đô/giờ bằng tiền mặt ở các nhà hàng Trung Quốc, Thái, Hàn, Thổ Nhỹ Kỳ thuộc vùng ngoại ô Gladesville, Marrickville, Haymarket và Chatswood.
Một sinh viên Trung Quốc cho biết cô chỉ được trả 9 đô/giờ, thậm chí nhiều người chỉ nhận được 8 đô. Một sinh viên người Ý chia sẻ cô phải làm việc đến 70 giờ mỗi tuần ở một quán cà phê và một nhà hàng Ý: “Tôi có thể làm gì đây? Tôi phải làm việc. Tôi biết thế là trái pháp luật nhưng tôi không thể làm việc ít hơn 20 giờ/tuần. Như thế tôi sẽ không sống nổi”.
Nhiều du học sinh ở Úc phải làm 2-3 công việc, 40-70 giờ mỗi tuần mới đủ sống. Ảnh: meldmag |
Việc bóc lột sức lao động của du học sinh ở Sydney đã bị truyền thông nước này phanh phui năm 2013 và xử lý nhiều trường hợp nhưng đến nay, tình hình vẫn không mấy cải thiện. Các sinh viên thường không lên tiếng do sợ bị trả thù. Những người chủ thường dọa sẽ báo với cơ quan xuất nhập cảnh và họ sẽ bị trục xuất nếu khiếu nại. Bên cạnh đó, lao động người nước ngoài thường không nhận thức đầy đủ về quyền lợi của mình theo luật pháp Úc. Những rào cản về văn hóa, tuổi tác và ngôn ngữ cũng khiến họ dễ bị bóc lột hơn.
Australia là quốc gia đắt đỏ nhất thế giới với du học sinh bởi học phí, chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Theo một giáo viên dạy tiếng Anh ở Sydney, hầu hết du học sinh viên đang phải làm việc quá 20 giờ/tuần, nhưng không thể làm gì khác bởi họ không thể sống được với 200 đô/tuần. Nhiều sinh viên trở nên chán nản và tuyệt vọng khi tình hình bóc lột không được giải quyết.
Tuệ Anh (theo SMH)