Home Người Việt Năm Châu DU HỌC CANADA: KHÔNG TIỀN… RẤT PHIỀN!
Người Việt Năm Châu

DU HỌC CANADA: KHÔNG TIỀN… RẤT PHIỀN!

Mình nhận được rất nhiều inbox của các em/bạn/cô chú hỏi về việc du học tại Canada thường bắt đầu với kiểu: “Em có 200tr có đi du học được không anh?”

Mình nhận được rất nhiều inbox của các em/bạn/cô chú hỏi về việc du học tại Canada thường bắt đầu với kiểu:

“Em có 200tr có đi du học được không anh?”

“Cô tính cho con cô đi học, nhưng chỉ lo cho em được 1 năm đầu tiên thôi. Sang đấy em nó vừa làm vừa học có được không cháu?”

“Bạn ơi, nhà mình đang tính tìm đường cho mình qua Ca. Đang tính vay nóng tầm 600tr, bạn cho mình hỏi qua đó vừa học vừa làm có đủ gửi tiền về trả nợ không?”

Kính thưa quý vị, đi du học đầu tiên là: TIỀN ĐÂU? Đây là cấu phần quan trọng trọng đầu tiên trong phương trình: TIỀN + KHẢ NĂNG + THỜI GIAN + MAY MẮN = DU HỌC THÀNH CÔNG.

Tại sao lại như vậy? Mời đọc bài viết mới nhất trên Globalnews.ca về một trường hợp du học sinh bị bắt và đối mặt với lệnh tr ục x uất vì làm quá giờ tại Ontario.

Mình tạm lược dịch để cô chú phụ huynh không rành tiếng anh có thể nắm bắt một vài ý chính từ trường hợp này. (Vì là lược dịch nên chỉ tóm tắt các thông tin quan trọng)

MỘT SINH VIÊN QUỐC TẾ BỊ BẮT GIỮ, ĐỐI DIỆN TR ỤC X UẤT VÌ LÀM “LẬU”

Jobandeep Sandhu, một sinh viên quốc tế đến từ Punjab, Ấn độ đã bị bắt giữ trên cao tốc 401 ở Ontario vì tội làm “lậu” (quá giờ quy định), đối diện với việc bị trục xuất. Luật sư cho biết thêm, sinh viên này nhận lái xe tải trong khi vẫn có lịch học tại trường, lệnh trục xuất có thể sớm được thi hành với cáo buộc “làm việc quá giờ quy định”.

Vụ việc xảy ra vào ngày 13/12/2017, Sandhu (22 tuổi) khi đó đang lái một xe tải chở hàng trên hành trình Montreal và Ontario đã bị cảnh sát Ontario (Ontario Provincial Police – OPP) chặn lại trên đường cao tốc 401 (Highway 401) vì nghi ngờ có vi phạm. Ngay sau đó, sinh viên này được thông báo bị bắt giữ, còng tay gần 45 phút và buộc đi cùng theo một xe cảnh sát. Theo báo cáo tư pháp, tại thời điểm bắt giữ Sandhu không có tiền sử phạm tội gì. Tuy nhiên, nhật ký lái xe tố cáo sinh viên này đã vi phạm quy định về số giờ làm việc được phép của sinh viên quốc tế.

“Tôi không nói dối, tôi không giết ai, tôi không trộm cắp. Tội của tôi chỉ là cố gắng làm việc để trang trải cho việc đến trường. Tôi rất thất vọng!” – Sandhu phát biểu.

Theo quy định hiện hành, một sinh viên quốc tế như Sandhu chỉ được phép làm việc tối đa 20 giờ/tuần các công việc bên ngoài trường học (off-campus) mà không cần xin giấy phép làm việc riêng biệt (work permit). Còn trong suốt các kì nghỉ theo quy định (bao gồm nghỉ hè), sinh viên mới được làm toàn thời gian (full-time). Tuy nhiên, vấn đề là chi phí sinh hoạt đắt đỏ và học phí cao, thường rơi vào khoảng 27,000$ CAD khiến nhiều sinh viên quốc tế như Sandhu phải lao đầu vào công việc để có thể tiếp tục đến trường.

Sinh viên này cho biết ba mẹ đã phải sử dụng toàn bộ tiền tiết kiệm để có thể trả học phí học kì đầu cho anh và đang đối diện với gánh nặng trả nợ khi vay lãi từ một công ty tư nhân tại Ấn độ. “Tôi cần tiền trả học phí, chi tiêu và các chi phí khác” – Sandhu nói. Sinh viên này còn cho biết thêm, khi mới đến Canada anh thất nghiệp vì không kiếm được việc. Sau đó nhận làm bán thời gian nhưng rất bấp bênh. Mọi chuyện thay đổi khi Sandhu chính thức vào cao đẳng, lịch học linh hoạt, sinh viên này bắt đầu nhận công việc tài xế xe tải toàn thời gian – khoảng 35-40 tiếng/ tuần. Với số tiền kiếm được, Sandhu có thể trả học phí, chi phí sinh hoạt và giúp cho em trai đến Canada du học. “Cha mẹ tôi thì nói rằng, chúng tôi đã lên được thuyền và bây giờ họ đã hết trách nhiệm, chúng tôi phải tự phấn đấu”, sinh viên này nói.

Học tập là mục tiêu quan trọng hàng đầu

Trong một tuyên bố bằng văn bản, phát ngôn viên chính phủ thông tin thêm về trường hợp của Sandhu và cho biết giấy phép học tập (study permit) của sinh viên này chỉ cho phép làm việc 20 giờ/tuần khi đang có lịch học tại trường. Viện dẫn một báo cáo từ Cơ quan biên phòng Canada (Canada Border Service Agency – CBSA) được lập vào ngày sinh viên này bị bắt giữ cho biết tình trạng visa của anh này đã bị chuyển thành “Không được chấp nhận” (inadmissible) tại Canada vì vi phạm quy định trong giấy phép học tập và cho biết thêm quyết định này đã được Cơ quan nhập cư và tị nạn của Canada xác nhận vào tháng 03/2018 (3 tháng sau vụ b ắt giữ).

Béatrice Fénelon, phát ngôn viên của Cơ quan Nhập cư, Tị nạn và Công dân Canada (IRCC) bình luận: “Việc giới hạn làm việc ngoài trường học 20 giờ/tuần trong lúc sinh viên đang có lịch học tại trường nhằm giúp sinh viên tập trung vào việc học như là mục tiêu quan trọng hàng đầu, nhưng cũng giúp sinh viên có thể tăng kinh nghiệm làm việc và kiếm thêm tiền”

Điều đáng tiếc nhất là tại thời điểm bị b ắt giữ, chỉ còn 10 ngày nữa là sinh viên này sẽ tốt nghiệp bằng cao đẳng kĩ sư cơ khí tại trường cao đẳng Canadore ở Mississauga, Ontario. “Tôi rất sợ sẽ sớm bị tr ục x uất về lại Ấn độ” – Sandhu bày tỏ.

Luật đã thay đổi như thế nào?

Từ trước năm 2006, một sinh viên quốc tế chỉ được phép nhận các công việc trong phạm vi trường học.
Tuy nhiên sau đó, từ sự thành công của chương trình thử nghiệm tại 3 tỉnh Canada, chính phủ tiền nhiệm của cựu thủ tướng Stephen Harper đã thực thi chính sách cho phép sinh viên được xin giấy phép làm việc bán thời gian (20 giờ/ tuần) sau khi 6 tháng học tập hợp lệ.

Năm 2014, thủ tướng Harper một lần nữa thay đổi chính sách này theo hướng có lợi hơn, cho phép sinh viên được làm việc ngay khi đến Canada mà không cần chờ đợi cũng như xin một giấy phép làm việc riêng biệt. “Nếu ai đó muốn làm việc toàn thời gian (full-time) tại Canada, người đó phải có giấy phép làm việc (work permit) chứ không phải giấy phép học tập (study permit)” – người phát ngôn chính phủ Béatrice Fénelon bình luận.

Một thực tế không thể phủ nhận rằng học phí và số lượng sinh viên quốc tế đến Canada đã gia tăng nhanh chóng trong suốt một thập kỉ qua, từ 170,000 sinh viên lên đến gần 500,000 trong năm 2019.

“Chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao nó (chính sách) này vẫn giữ nguyên như thuở ban đầu? Đã đến lúc chính phủ cần sớm nghiên cứu để thay đổi chính sách một lần nữa” – Smith và các nghị viên khác bình luận. Adam Brown, chủ tịch liên minh các Hội sinh viên Canada cho biết việc giới hạn 20 giờ/ tuần là “rào cản” trong khi sinh viên quốc tế trung bình phải trả mức học phí gấp 4 lần so với sinh viên bản địa. Theo một báo cáo phân tích của chính quyền trung ương, sinh viên quốc tế đóng góp 15.5 tỉ đô vào nền kinh tế Canada và lấp đầy khoảng trống của gần 170,000 việc làm cần lao động.

Về trường hợp của Sandhu, anh này cho biết mình rất hối hận nhưng cũng biện minh rằng đó là cách duy nhất để có thể tiếp tục học tập tại Canada. Hiện sinh viên này đã nộp đơn xin lên IRCC với hy vọng được cứu xét và giữ lại tình trạng “tạm trú nhân” (TRV) của mình. Trong trường hợp đơn bị bác bỏ, sinh viên này phải rời Canada trước ngày 31/5 theo lệnh của Cơ quan biên phòng Canada (CBSA).

Huy Mai (lược dịch)
05/2019

Nguồn: Mai Phước Huy – Hội du học sinh Canada – Vietnamese International Students in Canada

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *