Home Tâm Sự - Chia Sẻ Xúc động câu chuyện 20 người phụ nữ “không vú, không buồn và không bao giờ sợ chết”
Tâm Sự - Chia Sẻ

Xúc động câu chuyện 20 người phụ nữ “không vú, không buồn và không bao giờ sợ chết”

“Nhiều người hỏi sao bị án tử mà tụi chị cười nói rôm rả cả ngày. Bởi chen chúc nhau, đâu có thời gian riêng, không gian riêng để buồn. Nhìn nhau tận cùng cái khổ cũng chả biết phải ganh tị gì thêm” – chị Nguyễn Thị Phượng (56 tuổi) chia sẻ.

“Giờ chị còn nguyện vọng nào không?” – tôi hỏi.

“Hôm qua, bác sĩ bảo chị không thể tiếp tục vào thuốc, chị cũng biết chẳng còn bao nhiêu thời gian… Chỉ mong sau này mất, có người giữ lại cái nhà này để chăm sóc chị em” – Phượng cười nhẹ.

20 người phụ nữ "không vú, không buồn và không bao giờ sợ chết"

Ít ai biết rằng, hơn nửa năm nay, căn trọ nằm sát mặt đường 4/47 Xa Lộ Hà Nội (Thủ Đức, TP.HCM) đã trở mái nhà thứ 2, nơi nương thân cho hơn 20 bệnh nhân ung thư ngặt nghèo. Tất cả đều được xây đắp bằng ước mơ và sức lực cuối cùng của người phụ nữ đang trong thời kỳ giai đoạn cuối.

“Cùng chung sống hành lang để chiến đấu với bệnh tật”

Chị Phượng nhớ, cuối năm 2019, sau vài cơn đau chập chờn quanh ngực, chị tìm đến Bệnh viện Ung Bướu TPHCM (quận Bình Thạnh, TPHCM). Cuối buổi chiều, bác sĩ gọi vào phòng: “Chị có khối u ác tính, không vào thuốc thì khả năng sống rất thấp”, chị Phượng khóc thành tiếng.

“Cả đời ở đợ, chẳng cha mẹ, chồng con, giờ ông trời còn trêu ngươi bằng căn bệnh quái ác nên chị chẳng thiết tha gì nữa. Có cô bạn thân hứa sẽ nuôi, nhưng rồi nhìn bệnh nhân ung thư chết, cô ấy cũng đành xin lỗi rồi bỏ đi” – chị Phượng nhớ lại.

20 người phụ nữ không vú, không buồn và không bao giờ sợ chết - 1

Từng từ bỏ cuộc sống, đến khi được cứu, chị Phượng quyết tâm đùm bọc những bệnh nhân ung thư như mình (Ảnh: Hải Long).

Từ khoảnh khắc đó, chị quyết định lựa chọn dừng tất cả phác đồ điều trị để được chết. Ấy vậy, trong một lần tình cờ lắng nghe câu chuyện, chị Võ Thị Mỹ Duyên (50 tuổi, ngụ quận Bình Tân) đem lòng đồng cảm, đã nguyện chăm sóc miễn phí cho chị Phượng.

Thời điểm Phượng vào liên tục 8 toa hóa chất, phẫu thuật rồi 16 lần xạ trị, Duyên nằm gầm giường, túc trực sáng đêm. Nhiều lúc chị đau đớn, không thể ăn uống, chị Duyên lặn lội nấu cháo, đấm lưng, cầu nguyện cho chị được sống thêm từng ngày.

“Lúc đó, Duyên nó cũng ung thư vú. Nhà nghèo đến nỗi phải vào viện sống mà còn nghị lực vậy làm mình cảm động lắm. Chị quyết định mang hết đồ đạc, vào viện sống hành lang cùng 20 chị em. Hơn 1 năm điều trị là 1 năm chia nhau từng hộp cơm, cái mền, gối, sống như gia đình” – chị Phượng nói.

Đến tháng 5/2021, dịch Covid-19 bùng phát, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM yêu cầu bệnh nhân không tiếp tục cư ngụ tại hành lang. Ban đầu, chị Phượng cùng mọi người lui về sống trong căn nhà nghỉ gần đoạn đường phường Linh Trung (TP Thủ Đức). Thế nhưng, chi phí sinh hoạt cao khiến tất cả không trụ nổi.

Cuối cùng, chị Phượng bèn quyết định bán căn nhà bố mẹ để lại. Một phần tiền dùng chữa trị bệnh, một phần đặt cọc và dựng mái ấm: “Nhà một vú” để che chở bệnh nhân ung thư.

“Lạ lắm, bữa lập nhà, ai ngang qua cũng tò mò! Hơn 20 mụ đàn bà đều trọc đầu, cộng tới cộng lui chỉ 20 cái vú… tụi chị buồn cười quá nên gọi luôn là nhà một vú” – chị Phượng vui vẻ nói.

20 người phụ nữ không vú, không buồn và không bao giờ sợ chết - 2

20 người phụ nữ không vú, không buồn và không bao giờ sợ chết - 3

Di chúc trước khi mất là mãi mãi giữ được “nhà một vú”

Hiện tại, “Nhà một vú” đang có hơn 20 bệnh nhân ung thư cùng sinh sống. Hằng ngày, mọi người sẽ thay nhau đi chợ, nấu ăn, ai khỏe sẽ chăm sóc bệnh nhân nặng.

Để đảm bảo dinh dưỡng giúp chị em đủ khả năng vào thuốc, những thành viên có kinh tế sẽ đóng góp 100.000 đồng/ngày. Ngoài ra, họ còn mở quán bán nước, chạy xe ôm, ship hàng,… nhằm cải thiện bữa ăn.

“Những phần thiếu hụt, chị xin tiền của anh em ruột và bạn bè đắp vào. Người khó khăn quá thì chị không lấy tiền, còn sắm mùng, mền, chiếu, gối, vật dụng sinh hoạt thiết yếu cho. Với cái bệnh này, một đồng tiền là một ngày được sống. Vì vậy chỉ cần họ được điều trị, chị vui lắm rồi” – chị Phượng nói.

20 người phụ nữ không vú, không buồn và không bao giờ sợ chết - 4

Chị em ung thư đùm bọc trong những thời khắc cuối cùng của cuộc đời (Ảnh: Hải Long).

Hơn 20 phận đời, 20 hoàn cảnh khác nhau, vì một căn bệnh ung thư mà gắn kết. Thế nhưng, ở “nhà một vú”, tất cả chị em đều có 3 “không”: Không vú, không buồn và không bao giờ sợ chết.

“Nhiều người hỏi sao bị án tử mà tụi chị cười nói rôm rả cả ngày. Bởi chen chúc nhau, đâu có thời gian riêng, không gian riêng để buồn. Nhìn nhau tận cùng cái khổ cũng chả biết phải ganh tị gì thêm.

Nhiều khi bệnh nhân chữa trị thành công, về quê rồi vẫn nhớ nhà một vú. Tụi chị khuyên thôi thôi, ở đâu chứ ở đây đừng bao giờ quay lại. Thế là bao nhiêu miếng ngon, quà quê đều gửi lên. Đó là thứ tình cảm nếu chị mắc căn bệnh này sẽ không bao giờ cảm nhận được” – chị Phượng nói thêm.

“Mai mốt có mất, em đưa tro cốt chị lên chùa. Còn cái nhà này, dù thế nào vẫn phải thay chị tiếp tục duy trì” – chị Phượng dặn Duyên.

Điều chị Phượng mong ước cuối cùng khiến tất cả nghẹn ngào…

Theo Dantri.com.vn

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *