Home Khoa Học Trí tuệ nhân tạo giúp người đàn ông Mỹ bị liệt toàn thân có thể hoạt động… bằng suy nghĩ
Khoa Học

Trí tuệ nhân tạo giúp người đàn ông Mỹ bị liệt toàn thân có thể hoạt động… bằng suy nghĩ

Cách nay 16 năm, sau một vụ tai nạn, Dennis DeGray bị liệt từ cổ trở xuống. Cuộc đời ông tưởng như sẽ vĩnh viễn trôi qua trên chiếc xe lăn nhưng giờ đây, nhờ vào trí tuệ nhân tạo (Al), Dennis DeGray đã có thể hoạt động một phần cơ thể chỉ bằng cách suy nghĩ…

Tối 10-10- 2006, sau một ngày ra biển đánh cá, lúc về đến nhà ở Pacific Grove, bang California, Dennis DeGray chợt nhớ ra rằng mình vẫn chưa đổ rác. Lúc ấy trời mưa khá lớn nên ông xách cái túi rác, chạy nhanh ra sân nhưng khi vừa xuống những bậc tam cấp, ông trượt chân ngã ngửa. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy ông gãy đốt sống cổ thứ 2 và thứ 3. Theo chẩn đoán của các bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, ông bị liệt vĩnh viễn từ xương đòn trở xuống.

Từ đó, chiếc giường và chiếc xe lăn là nơi “thường trú” của DeGray. Không thể cử động chân tay, ông chỉ nằm hoặc ngồi một chỗ. Mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người giúp. Ông nói: “Sự giải trí duy nhất của tôi là xem truyền hình. Ngày qua ngày, tôi dần quen với bi kịch”.

May mắn thay, đến cuối năm 2020, trong một sự kiện gây quỹ nghiên cứu tế bào gốc được phát trên truyền hình, DeGray nhìn thấy giáo sư Jaimie Henderson, chuyên về giải phẫu thần kinh tại Đại học Stanford trong một bài phát biểu. Bằng cách nhờ đứa con trai gửi một email cho Henderson, ông kể về trường hợp của mình. Nhớ lại chuyện này, DeGray nói: “Lúc ấy tôi chẳng có hy vọng gì, nhưng khi giáo sư Henderson trả lời cho tôi, ông ấy đã gây ấn tượng với tôi bằng một câu hỏi duy nhất: “Bạn có muốn điều khiển drone (máy bay không người lái) không?”.

Từ đó, sự liên lạc giữa Henderson và DeGray ngày càng gắn bó. Theo Henderson, ông và các đồng nghiệp đang phát triển công nghệ “brain – computer interface” (tương tác não – máy tính) để người bị liệt có thể thực hiện một số thao tác như điều khiển máy tính, drone, nghe điện thoại, cầm nắm đồ vật…, thông qua một cánh tay robot. Vẫn theo Henderson, nếu ông DeGray đồng ý tiến hành thực nghiệm này thì Henderson sẽ làm thủ tục xin cấp phép.

Dennis DeGray điều khiển con trỏ trên màn hình máy tính bằng suy nghĩ.

Mùa hè 2016, mọi thủ tục hoàn tất. Trong phòng mổ của bệnh viện Đại học Stanford, giáo sư Henderson cùng các cộng sự mở hộp sọ của DeGray rồi cấy vào vỏ não 4 mảng điện cực kích thước 4mm x 4mm. Mỗi mảng gồm 100 cảm biến  ghi lại các xung điện phát ra từ phần não có chức năng điều khiển vận động tay chân.

Một tuần sau cuộc cấy ghép, nhóm nghiên cứu Henderson đến nhà DeGray rồi cho ông  ngồi trước màn hình máy tính, hiển thị một vòng tròn gồm tám chấm trắng. Nhiệm vụ của DeGray là dùng sự suy nghĩ, di chuyển con trỏ về phía các chấm trắng để nó chuyển sang màu xanh. Theo giáo sư Henderson, máy tính dùng cho thử nghiệm gồm một phần mềm giải mã các suy nghĩ trong não bộ DeGray, thông qua một thuật toán được viết bởi David Brandman, nghiên cứu sinh tiến sĩ khoa học thần kinh thuộc tập đoàn BrainGates, cộng tác với nhóm Stanford.

Ông DeGray kể: “Tôi nhìn vào con trỏ trên màn hình rồi nghĩ rằng mình phải đưa nó đến chỗ những chấm trắng. Kỳ lạ thay, tôi vừa nghĩ xong thì con trỏ lập tức di chuyển. Tôi thử lại bằng cách muốn nó rẽ sang trái thì nó cũng rẽ sang trái”. Chỉ trong 17 giây, DeGray lần lượt đưa con trỏ vào đúng 8 chấm sáng với kết quả là tất cả đều chuyển sang màu xanh.

Thành công với thử nghiệm đầu tiên, giáo sư Henderson tiến hành bước thứ 2 nhưng lần này thì khó hơn: Trên màn hình máy tính xuất hiện bảng chữ cái. Ông DeGray kể lại: “Giáo sư Henderson bảo tôi bằng cách suy nghĩ, hãy viết một bức thư cho ông ấy, thể loại gì cũng được”. Hình ảnh xung điện của các tế bào thần kinh trong não DeGray được nhóm Henderson ghi lại cho thấy khi DeGray suy nghĩ mẫu tự gì thì trên màn hình lập tức xuất hiện mẫu tự ấy. Kết thúc cuộc thử nghiệm, DeGray đã gõ được 18 từ trong một phút, trở thành “người đánh máy bằng ý nghĩ nhanh nhất thế giới”. Chẳng những thế, không chỉ giao tiếp với người khác qua email, DeGray còn có thể chơi trò chơi điện tử, điều khiển máy bay không người lái và mua sắm trên Amazon! Theo Giáo sư Henderson, sự thành công của công nghệ “brain-computer interface” đồng nghĩa với việc những người bị liệt toàn thân vẫn có thể làm được nhiều việc.

Theo cand.com.vn

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *